Tham luận tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ NN-PTNT, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, cùng quá trình xây dựng các chính sách hỗ trợ cần được quan tâm hơn nữa, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
"Bố trí nguồn lực, cả về con người lẫn các thể chế, chính sách cần được quan tâm và thể hiện trong các đề án, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp. Chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và phối hợp chặt chẽ các bên liên quan, cả trong lẫn ngoài ngành", bà Lan nói.
Theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện ngành nông nghiệp có nhiều nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Bản thân những người làm khoa học cũng rất trăn trở tâm huyết với nghề. Các chủ trương, cơ chế chính sách đã có đầy đủ nhưng vẫn còn một vài "điểm nghẽn nào đó", mà những người làm nông nghiệp chưa thể rà soát, khai thông được.
Để các nghiên cứu khoa học công nghệ về nông nghiệp rộng đường đến với thực tế, bà Lan cho rằng, nghiên cứu khoa học công nghệ cần hướng tới tạo ra những sản phẩm công nghệ nguồn, sản phẩm phục vụ cho các địa phương, người dân ứng dụng.
“Chúng ta cần gắn kết nhà khoa học với cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người sử dụng. Nếu thực hiện tốt việc gắn kết này thì sẽ chuyển giao được sản phẩm. Ngay từ khi xây dựng ý tưởng, nếu tập hợp được đầy đủ các thành phần, nghiên cứu dựa trên nhu cầu các bên thì ứng dụng vào thực tế sẽ thuận lợi. Không thể để một điểm nghẽn nhỏ làm cản trở công tác nghiên cứu khoa học", bà Lan nhấn mạnh.
Theo thống kê, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% vào giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp, và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
Khi quỹ đất dành cho nông nghiệp không còn nhiều, năng suất nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã đạt ngưỡng, thì khoa học công nghệ được coi là giải pháp để tạo bước đột phá không những cho các sản phẩm nông sản, mà còn là hiệu quả lao động, theo Giám đốc Nguyễn Thị Lan.
Báo cáo kết quả ngành 6 tháng đầu năm 2022, Bộ NN-PTNT cũng chỉ rõ, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ và nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn cần gắn theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường, để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm.
Vào ngày 12/6, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đến thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam và truyền cảm hứng, tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên. Người đứng đầu Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, bất kỳ ai cũng có thể khởi nghiệp, miễn là có đủ đam mê, sáng tạo; và khởi nghiệp không phân biệt tuổi tác.
"Khởi nghiệp cần có ý tưởng, bởi ý tưởng tốt sẽ tạo ra nguồn lực. Môi trường giáo dục đại học chính là nơi thích hợp, ươm mầm để các bạn trẻ khởi nghiệp", Bộ trưởng chia sẻ.
Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tái khẳng định, rằng các công trình nghiên cứu khoa học phải đem lại giá trị thực tiễn, nhất là nhóm ngành về nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, và công nghệ phụ trợ.
Ngoài công tác tuyển sinh hàng năm, Thứ trưởng Tiến gợi ý thêm cho các viện, trường về một chương trình tái cơ cấu, tương tự những gì ngành nông nghiệp đang làm. "Đào tạo phải sát thực tiễn, làm sao để sinh viên ra trường phải có việc làm ngay", ông nhấn mạnh.