Giám đốc điều hành tập đoàn phân bón khổng lồ Canada Nutrien Ltd, ông Ken Seitz bày tỏ lo ngại thiếu hụt nguồn cung phân bón thế giới phía trước trong một cuộc phỏng vấn ở New York. “Nga và Belarus là những nhà sản xuất phân bón lớn hàng đầu thế giới nên sản lượng ở đó chắc chắn sẽ tác động lớn đến thị trường và gây ra những thách thức xuất khẩu trong khu vực”, theo ông Ken Seitz.
Nga và Belarus là hai trong số các quốc gia sản xuất kali lớn nhất- loại phân bón quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp thế giới- đã xuất khẩu phân bón ít hơn do các lệnh trừng phạt thương mại từ phương Tây, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Nga- Ukraine.
Theo ông Seitz, các lô hàng xuất khẩu phân bón từ Belarus đã giảm ít nhất một nửa vào năm 2021, sau khi trước đó dự đoán chúng sẽ giảm từ 1/3 đến 2/3, trong khi lượng xuất khẩu mặt hàng này của Nga cũng bị giảm tới 25%. “Thế giới sẽ buộc phải tìm đến các vựa bánh mì khác để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt nguồn cung lương thực gây ra từ lỗ hổng đó”, ông Seitz cho hay.
Sự thiếu hụt phân bón toàn cầu có vẻ như là một vấn đề xa vời đối với hàng tỷ người không làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên loại chất dinh dưỡng cây trồng này lại rất quan trọng đối với nông dân để sản xuất ra lương thực, thực phẩm nuôi sống dân số ngày càng tăng của thế giới. Tình trạng thiếu hụt phân bón kéo dài có thể dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao hơn và sản lượng lương thực thấp hơn, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng khi giá lương thực tăng cao.
Các chuyên gia thị trường phân bón cho biết, ít nhất khoảng 60% sản lượng phân bón mới dự kiến sẽ được tung ra thị trường trong 5 năm tới vẫn là từ Nga và Belarus, đồng thời dự báo rằng khối lượng phân bón trên vẫn còn là một ẩn số khi chưa rõ bao nhiêu trong số đó sẽ được tung ra thị trường.
Trong khi đó, nhu cầu phân bón vẫn đang tiếp tục tăng lên ở nhiều quốc gia khi dân số thế giới tăng lên. Tập đoàn phân bón số một thế giới có trụ sở tại Canada cho biết, họ sẽ tăng công suất sản xuất phân kali lên 18 triệu tấn vào năm 2025, tăng 40% so với năm 2020. “Nếu như quy mô thị trường thay đổi, chúng tôi có thể đánh giá lại sản lượng bổ sung”, ông Seitz cho biết.
Hiện giá phân bón thế giới đang giảm đồng loạt từ mức cao “chưa từng thấy trong nhiều năm” do nông dân các nước đều trì hoãn đầu tư, mua tích trữ để chờ giá hạ, gây ra tình trạng dư thừa cục bộ làm đảo lộn thị trường đầu vào cho cây trồng. Đó là một sự đảo ngược so với hồi đầu năm nay khi giá phân bón tăng vọt sau khi Nga tấn công Ukraine, khiến toàn bộ ngành dinh dưỡng cây trồng thế giới lâm vào tình trạng hỗn loạn. Trong khi đó, giá phân bón kali cũng đã tăng mạnh do các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với Belarus.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, tình trạng thiếu hụt phân bón toàn cầu sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm tới. “Đối với năm 2023, chúng tôi thực sự không nhìn thấy bất kỳ lý do nào khiến điều đó thay đổi. Dự báo này căn cứ theo việc theo dõi các dòng chảy thương mại hiện nay, đặc biệt là khi giá phân kali vẫn đang neo ở mức cao và các nhà sản xuất vẫn khan hiếm nguyên liệu”, ông Seitz cho hay.
Hiện nhà sản xuất phân bón Nutrien đang chứng kiến doanh số bán phân bón trả trước tăng nhanh do nông dân mua trước để đảm bảo đủ nguồn vật tư đầu vào. Con số này đang cao hơn khoảng từ 15% đến 20% so với năm 2020.
“Chúng tôi tin rằng năm 2023 không phải là một thế giới quan tâm đến nhu cầu, mà là một thế giới quan tâm đến nguồn cung, đặc biệt là đối với phân kali”, người đứng đầu tập đoàn phân bón Nutrien nói.