| Hotline: 0983.970.780

Cung ứng thực phẩm tại TP.HCM:

Thêm 1.000 điểm bán lưu động, phối hợp Tiki-Lazada-Sendo, xem xét mở chợ truyền thống

Thứ Năm 15/07/2021 , 20:31 (GMT+7)

Lãnh đạo ngành Công thương TP.HCM khẳng định, với các giải pháp cụ thể, trong vài ngày tới, việc cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân TP.HCM sẽ được cải thiện.

Người dân xếp hàng, giữ khoảng cách trước cửa hàng Bách Hóa Xanh - đường Linh Đông, Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người dân xếp hàng, giữ khoảng cách trước cửa hàng Bách Hóa Xanh - đường Linh Đông, Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Giá thực phẩm tăng từ 1,5 - 2 lần 

Chiều 15/7, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ.

Tham dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, TP.HCM đã tổ chức khảo sát và công bố 2.833 điểm bán phân bố rộng trên 23 quận huyện và TP Thủ Đức; 106 siêu thị, 2.616 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, 111 chợ truyền thống đủ điều kiện an toàn và 28.700 cửa hàng bách hóa. Đồng thời, triển khai đến các hệ thống phân phối trong cư dân, tranh thủ đến đâu lấp đầy đến đó.

Để đảm bảo lưu thông hàng hóa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, TP.HCM đã cấp giấy cho các phương tiện ưu tiên vận chuyển tạo "luồng xanh" cho các xe vận tải vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu với hơn 28.500 xe cho các đơn vị, góp phần đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Qua 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội, ông Đức nhìn nhận, còn tình trạng đưa thông tin xấu về công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM gây hoang mang dư luận. Từ những thông tin sai sự thật, xuất hiện tình trạng người dân tập trung đông tại các nơi buôn bán hàng hóa thiết yếu trong một vài thời điểm. Trong khi đó, có thời điểm các địa điểm cung ứng chưa kịp thời bổ sung hàng hóa, thực phẩm. Nguyên nhân do gặp phải một số hạn chế trong công tác vận chuyển và phương tiện vận chuyển, khó khăn trong tiếp cận chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng cũng gặp khó khăn do hạn chế các phương tiện vận chuyển, việc ngưng hoạt động của 3 chợ đầu mối cũng dẫn đến việc tiếp cận hàng hóa của người dân gặp khó khăn. "Nên giá cả tại chợ truyền thống tăng gấp 1,5 đến 2 lần so với trước khi thực hiện giãn cách. Tuy nhiên, nhờ hệ thống các siêu thị đặc biệt là hệ thống SaigonCo.op và Satra thì giá các mặt hàng vẫn đảm bảo ổn định và không thay đổi", ông Dương Anh Đức nói.

Do đó, để đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm trong thời gian tới, ông Dương Anh Đức cho biết, trước mắt rà soát thí điểm, lựa chọn một số tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau củ quả từ 2 đến 10 tiểu thương, tùy quy mô hoạt động.

"Trong trường hợp có nhiều tiểu thương yêu cầu kinh doanh, năng lực quản lý chợ sắp xếp tiểu thương theo hình thức luân phiên, hướng dẫn tiểu thương chủ động nguồn hàng trên sạp, đóng gói sản phẩm đúng cách để tiện lợi nhanh chóng, giảm tối đa việc tiếp xúc và tăng cường ứng dụng thông tin để quản lý chợ và tiểu thương, giảm áp lực cho hệ thống các siêu thị.

Triển khai giải pháp thiết lập điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời gần chợ đầu mối nhằm điều tiết lưu thông hàng hóa tại các tỉnh về TP.HCM được hiệu quả hơn", ông Đức nhấn mạnh.

'Siêu thị 0 đồng' của Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp Công ty CP Đá Quý hỗ trợ người lao động nghèo.

"Siêu thị 0 đồng" của Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp Công ty CP Đá Quý hỗ trợ người lao động nghèo.

Thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhìn nhận, việc cung ứng hàng hóa bị đứt gãy do những điểm trung chuyển lớn như chợ đầu mối, chợ truyền thống đã tạm ngưng.

Theo ông Vũ, trước khi thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM cần khoảng 7.000 tấn rau củ quả, trái cây, thực phẩm tươi sống mỗi ngày, tuy nhiên khi ba chợ đầu mối tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch, thì hoạt động này gặp nhiều khó khăn. "So với nhu cầu của người dân, thì thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống, không tính thực phẩm chế biến, đồ khô", ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay.

"Hôm qua (14/7) là ngày khó khăn khi người dân tập trung đông đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua hàng hóa. Sau khi TP.HCM bác tin đồn thì số lượng này đã giảm", ông Vũ nói.

Theo Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, năng suất kho chứa và khả năng vận hành của một số siêu thị cũng có giới hạn. Do đó, Sở Công thương TP.HCM cũng đã triển khai nhiều giải pháp như làm việc với huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức để khai thác các khu vực gần chợ đầu mối thực hiện các biện pháp an toàn. "Chợ đầu mối Thủ Đức tiếp nhận 100 tấn rau củ quả từ các tỉnh về mỗi đêm. Chợ Hóc Môn đang đề xuất xin ý kiến để đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các thương lái ở các chợ đầu mối tiếp tục vận động với phương thức đặt hàng trực tuyến, giao hàng cho TP.HCM".

Cũng theo ông Vũ, TP.HCM đã huy động các công ty bưu chính, giao hàng nhanh, doanh nghiệp logictics, VNPost, Viettel,… hỗ trợ bổ sung 1.000 điểm bán hàng.

"Ngày mai, Sở sẽ kết hợp với nhiều doanh nghiệp đưa vào hoạt động thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân. Trước đó, Sở đã phối hợp với 7 đơn vị để mở 153 điểm bán hàng lưu động với 172 lượt xe (có nhiều điểm 2-3 xe tải vận chuyển hàng) để phục vụ người dân. Trong đó, 68 điểm tại bưu cục của Viettel Post, 22 của VN Post ở 18 quận huyện, cung cấp vài chục tấn hàng hóa đầu tiên bao gồm nhiều loại nông sản, thực phẩm tươi như rau, củ, quả.

Ngoài ra, Sở phối hợp với Công ty Ba Huân, San Hà và một vài siêu thị khác mở 63 điểm để phân phối cho người dân. Các điểm bình ổn lưu động trên đều bán giá thấp hơn hoặc bằng giá bán theo quy định của Sở", ông Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin.

Hệ thống siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện lợi luôn phải tiếp thêm hàng để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hệ thống siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện lợi luôn phải tiếp thêm hàng để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Xem xét mở lại chợ truyền thống đảm bảo an toàn phòng dịch

Cũng theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Sở Công thương TP.HCM sẽ bàn với MTTQ TP.HCM và đoàn thể để mở lại chợ truyền thống theo mô hình tự quản, dưới sự giám sát và điều hành của cô chú cựu chiến binh, phụ nữ; giảm thiểu tối đa số lượng sạp để giảm khoảng cách 5K, bổ sung khoảng trắng nilon, hướng dẫn tiểu thương bán hàng đồng giá, không giao dịch lâu...

“Làm sao đưa các chợ đủ điều kiện an toàn phòng dịch vào hoạt động để người dân có thu nhập thấp và trung bình tiếp cận với nguồn rau củ quả”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin.

Ngoài ra, ông Vũ cũng khẳng định, Sở Công thương TP.HCM đã làm việc với các doanh nghiệp như Tiki, Lazada, Sendo, thống nhất bán hàng rau củ quả trên nền thương mại điện tử và họ sẽ hỗ trợ trên kho hàng của họ.

"Với các giải pháp trên, hy vọng trong vài ngày nữa, tình hình TP.HCM sẽ được cải thiện trong việc cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân. Đồng thời, phối hợp lực lượng quản lý thị trường, tăng cường xử phạt các trường hợp gom hàng, găm hàng để bán lại thu lời", Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhận định. 

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GT-VT TP.HCM cho biết, hiện nay, Sở GT-VT TP.HCM đang khởi xướng chương trình cấp mã nhận diện cho xe luồng xanh. Chương trình này áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin hoàn toàn, góp phần đáp ứng được lưu thông hàng hoá nhanh, kịp thời hơn.

Cũng trong tình hình dịch bệnh hiện nay, một số tỉnh thành lân cận TP.HCM có những quyết định phòng chống dịch có phần gấp gáp, chưa có sự trao đổi với TP.HCM và cả tỉnh khác.

Giám đốc Sở GT-VT TP.HCM mong muốn, đối với các quyết định dừng hoạt động phương tiện vận chuyển nhu yếu phẩm, các địa phương cần có sự thông báo với TP.HCM và các tỉnh thành để có sự thống nhất, triển khai các phương án tốt hơn.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Công thương lưu ý “khớp nối” giữa hệ thống phân phối với nhu cầu của người dân trên từng địa bàn, đặc biệt quan tâm đến những nơi, khu phố mà người dân có thu nhập thấp.

Về việc mở lại chợ truyền thống, ông Phong cho biết, Bộ trưởng Bộ Công thương có đưa ý kiến về mở lại chợ, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần cẩn trọng trong việc này.

"Đề nghị Sở Công thương suy nghĩ, tham mưu Ban Chỉ đạo, có thể bán hàng ở quảng trường. Huyện Hóc Môn có sáng kiến rằng, thay vì bán trong chợ thì kẻ ô, kẻ vạch để bán ở giữa lòng, lề đường, đảm bảo khoảng cách khi vào mua, theo mô hình ô bàn cờ. Từ đó, phục vụ cho người dân khi hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị đang vượt quá khả năng cung ứng.

Đề nghị tính toán cụ thể, với từng địa bàn cụ thể với từng địa bàn cụ thể, chứ không nói trên phạm vi toàn TP.HCM", ông Phong nói.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hạn hán ở Gia Lai gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng

Bên cạnh 380ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, tỉnh Gia Lai còn ghi nhận hàng trăm ha cây trồng khác đang thiếu nước và chưa thể thống kê đủ mức độ thiệt hại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm