Bất kể ngày hay đêm, nắng cũng như mưa, cả khi gió giông bão tố mịt mùng, họ vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận lệnh. Chỉ cần chuông điện thoại réo lên báo mất điện là các anh lại nhanh chóng lên đường, vượt mọi khó khăn, khắc phục sự cố một cách nhanh nhất để nối thông dòng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân.
Một ngày đầu tháng 7, đoàn nhà báo chúng tôi có dịp ra đảo Cô Tô, một huyện của tỉnh Quảng Ninh. Vốn đã quen nhau từ trước và cũng muốn hiểu thêm về công việc của người thợ điện nơi đây nên chúng tôi hẹn anh Nguyễn Thế Phương - Công nhân Đội quản lý điện, đường dây và trạm biến áp số 2, thuộc Điện lực Vân Đồn (Công ty Điện lực Quảng Ninh) gặp nhau trò chuyện.
Ấy vậy mà, ly nước vừa mới bưng ra vẫn chưa kịp nhấp môi, thì tiếng chuông điện thoại của anh réo rắt. Đầu dây bên kia: "Bão số 2 dự báo sẽ đi qua Cô Tô, 100% anh em trong đội phải tăng cường lực lượng tham gia ứng trực và đi kiểm tra các vị trí xung yếu trước khi bão đổ bộ. Khẩn trương nhé!".
Nhận được lệnh từ cơ quan, anh Phương tiu nghỉu: "Bạn thông cảm! Nghề thợ điện của mình là thế đấy! Mình phải lên đường rồi. Mà nếu có thể thì mời bạn đi cùng anh em thợ điện một lần cho biết…".
Nguyễn Thế Phương và đồng nghiệp kiểm tra TBA tại vị trí CT 07, nơi tiếp nhận điện từ đất liền ra huyện đảo Cô Tô trước khi bão vào. |
Thế là hành trình theo chân những người thợ điện áo cam trên huyện đảo Cô Tô của tôi bắt đầu. Nhiệm vụ cấp bách mà Điện lực Vân Đồn giao cho Đội quản lý điện, đường dây và trạm biến áp số 2 là: Tổ chức kiểm tra ngay sứ cách điện tại các đường dây và trạm biến áp xem có bị nứt vỡ, hoặc đường dây có bị bong tróc hay không; hành lang đường dây trung thế có bị cây cối xâm lấn và đảm bảo an toàn không… Nếu vị trí nào có nguy cơ mất an toàn lưới điện thì đơn vị phải lập phương án tổ chức thi công khắc phục ngay trước khi bão đổ bộ vào.
Rất khẩn trương, tôi và các anh tất tả phóng xe máy tới các vị trí xung yếu cần phải kiểm tra. Trên đường đi, trời đã bắt đầu chuyển mưa, kèm theo gió ào ạt, phải ghé sát tai mới nghe được các anh kể về cuộc sống, công việc, cũng như được chứng kiến những nỗi vất vả, nhọc nhằn của người thợ điện, tôi mới hiểu thêm rằng: Đối với người thợ sửa chữa đường dây thì chỉ có trách nhiệm không thôi là chưa đủ, mà thêm vào đó còn phải có lòng say nghề, tình yêu và sự hy sinh thầm lặng với nghề.
Nhìn những người thợ điện trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc với khuôn mặt rám nắng, đôi bàn tay chai sần, từng dòng mồ hôi lăn dài trên má vì công việc và những bộ quần áo cam bạc màu theo thời gian, tất cả những hình ảnh đó cũng chỉ bởi một lẽ rất giản đơn là vì sự an toàn, thông suốt và bình yên của dòng điện để phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Nhớ lại những lần trực bão, anh Nguyễn Thế Phương không khỏi bồi hồi: "Đã 14 năm làm nghề thợ điện, nhưng cứ đến mùa mưa bão, anh em chúng tôi lại phải ứng trực 24/24 giờ, với 100% quân số. Đồng thời, phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, phương tiện, lương thực, thực phẩm để chống bão. Vậy mà, có những đêm, bụng đói cồn cào và lạnh tái tê vì mưa rét…
Còn chuyện ăn mì tôm sống, bánh mì khô khi trực bão là quá bình thường. Điển hình như năm 2006, một cơn bão đổ bộ vào huyện đảo đã gây ra sự cố đường dây 35 kV – 372, nhánh 688, gây mất điện ba ngày liền. Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, tâm trạng mọi người đứng ngồi không yên.
Nửa đêm, khi trời vừa ngớt gió nhưng mưa vẫn xối xả, tất cả anh em phải chia nhau ra từng nhóm để đi sửa chữa. Gian nan, vất vả là vậy nhưng rất đỗi tự hào. Bởi mỗi khi xử lý xong sự cố, những tiếng hò reo phát ra từ mọi nhà "a, có điện rồi, có điện rồi" lại làm cho chúng tôi ấm lòng”.
Đội quản lý điện, đường dây và trạm biến áp số 2 phát quang hành lang tuyến tại TBA 22 kV và các vị trí cột trên xã đảo Thanh Lân. |
Nhiệm vụ của người thợ điện ở đâu cũng vậy. Thế nhưng, tình cảm của người dân dành cho ngành Điện thì mỗi vùng lại có một cách thể hiện sự cảm thông và sẻ chia khác nhau.
“Càng ở những vùng khó khăn, bà con càng sống tình cảm và quý mến thợ điện. Họ coi chúng tôi như con cái trong nhà vậy. Lúc đi làm thiếu nhân lực mang vác vật tư, bà con đều xúm lại giúp đỡ. Đôi khi nhỡ bữa được bà con nấu cơm cho ăn, lạnh rét thì được người dân cho mượn áo mặc... Tôi còn nhớ, tại nhiều điểm trên đảo, để lắp đặt một trạm biến áp mới thì người công nhân phải đưa được máy biến áp và vật tư thiết bị lên núi cao.
Trong khi, phương tiện, máy móc lại thiếu thốn. Anh em thì không đủ người. Vậy là bà con lại tận tình giúp đỡ, cùng nhau gùi lưng cõng máy biến áp lên đồi cùng ngành Điện. Mệt nhọc là vậy nhưng được người dân giúp đỡ thì ai cũng thấy cảm động và yêu nghề hơn”, anh Phương trải lòng thêm.
"Nhiệt tình, chân thành và trách nhiệm", đó là những cảm nhận của bà Nguyễn Thị Thu và các hộ dân tại khu 4, trị trấn Cô Tô khi chia sẻ với phóng viên về những người công nhân thợ điện nơi huyện đảo này.
Bà bảo: “Chất lượng điện trên đảo bây giờ tốt lắm, không mấy khi bị mất điện cả. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, giông lốc, sét đánh nên đôi khi lưới điện vẫn xảy ra sự cố. Nhiều hôm, tôi thấy anh em thợ điện phải làm suốt đêm đến sáng, rồi quá cả trưa mà bữa ăn chỉ vỏn vẹn có chút cơm nắm, muối vừng được đóng trong hộp. Thương các chú ấy lắm nhưng tôi chẳng thể giúp gì được, chỉ có chút đồ ăn nguội, cốc nước trắng ra mời và động viên anh em cố gắng sửa chữa để giúp dân có điện trở lại”.
Một ngày theo chân những người thợ điện nơi huyện đảo Cô Tô dường như như trôi nhanh. Câu chuyện giữa tôi với các anh tưởng chừng không có hồi kết nhưng thời gian nán lại nơi đây với tôi không còn. Tạm biệt các anh, tôi nhớ mãi trong tâm trí những hình ảnh của người thợ điện trằn mình ngày đêm trong cái thời tiết khắc nghiệt để giữ bình yên cho dòng điện. Thế nên dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, người thợ điện vẫn được ví như những người lính giữa thời bình, chẳng ngại khó, ngại khổ đương đầu với mọi thử thách vì dòng điện tỏa sáng.