Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia diễn ra ngày 4/3. Ngay sau đó, Báo Lao động có bài “Nên bỏ ngay kỳ thi học sinh giỏi”, dẫn lời các chuyên gia và nhà giáo.
Có lẽ chúng ta sẽ sốc với quan điểm này, bởi thi học sinh giỏi đã trở thành “truyền thống”, gần như một lẽ tất nhiên trong giáo dục ta. Đặt lại vấn đề, vì thế, không phải là điều dễ dàng.
Là một người từng dạy học trong hệ thống trường chuyên, một hệ thống điển hình của thi học sinh giỏi và trực tiếp phụ trách các đội tuyển quốc gia, tôi chia sẻ phần nào với quan điểm với nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, hiệu trường trường Marie Curie (Hà Nội): “Nên bỏ ngay kỳ thi học sinh giỏi các cấp càng sớm càng tốt”!
Ngoài những lý do cho việc nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi như việc dẫn tới học lệch nội dung, phương pháp thì nhồi nhét, bệnh trạng thành tích ngày càng trầm trọng... như đã được chỉ ra lâu nay, thì thi học sinh giỏi còn gây ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý và nhân cách người học.
Thi là để tìm kiếm tài năng, chứ không phải đào tạo tài năng. Tuy nhiên, quy trình để có được một cái giải học sinh giỏi hiện nay đang có vấn đề, rất nghiêm trọng.
Đơn cử như trường tôi trước đây, khi học sinh vừa bước chân vào lớp 10, sau vài tuần là đã “lấy” danh sách đội tuyển, rồi tiến hành ôn luyện. Những học sinh xuất sắc thì giữa năm lớp 11 có thể tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, còn thông thường là thi vào năm học lớp 12. Suốt 3 năm học phổ thông, các em học sinh trong đội tuyển chủ yếu ôn luyện để phục vụ kỳ thi này.
Các môn học khác sẽ được “châm chước”. Việc “cho” điểm, “khuyến mại” điểm, “cấy điểm” được thực hiện ở hầu hết các môn. Nếu không làm như vậy thì học sinh đội tuyển sẽ không có thời gian để hoàn thành kiến thức bài vở, và các em ấy sẽ lo lắng, phân tán, chương trình ôn luyện vì thế cũng không đảm bảo được.
Tuy nhiên, việc cho khống điểm này để lại nhiều hậu quả: khiến học sinh học lệch đã đành, mà còn tạo ra ảo tưởng khi hầu hết học sinh đội tuyển đều tổng kết từ giỏi đến xuất sắc. Nó cũng gây ra sự bất công, và bất mãn ngầm ở những học sinh khác nằm ngoài đội tuyển. Đó là mầm mống của bất công xã hội được gieo vào đầu trẻ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Mỗi kỳ thi học sinh giỏi là một cuộc chiến thực sự. Đưa học sinh đi “tầm sư học đạo”, mời thầy về trường dạy. Chi phí đi học cho mỗi đội tuyển có thể lên đến cả trăm triệu đồng, không tiếc.
Việc được giải hay không được giải là vô cùng hệ trọng đối với cả thầy cô lẫn học sinh đội tuyển. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu thì giáo viên bị phê bình, học sinh sợ hãi và “sụp đổ”. Đó là một gánh nặng khủng khiếp đối với tất cả.
Những ngôn từ thời chiến được sử dụng thường xuyên như “quân” (đưa quân đi học), “đánh” (đưa quân đi đánh giải), ra quân, xuất quân, thắng lợi... Thành tích trong mỗi kỳ thi học sinh giỏi sẽ củng cố địa vị của lãnh đạo trường, mang tới sự an toàn cho giáo viên dạy đội tuyển. Nó được coi là “bộ mặt” của nhà trường, là danh dự, là sinh mệnh.
Chính vì thế, việc dùng toàn lực cho thi học sinh giỏi để mang giải về được đặt lên hàng đầu. Sẵn sàng chi tiền đi học, dành cho học sinh đội tuyển những đặc quyền đặc lợi. Không hiếm khi những chuyện tiêu cực như “đi đêm” về đề thi, nội dung thi… đã xảy ra lắm lần như báo chí phản ánh.
Những kỳ thi này còn làm méo mó nhân cách người học, làm lệch lạc hành vi nhà giáo, tạo ra bảng thành tích ảo dẫn tới những ảo tưởng về chất lượng giáo dục.
Từ chỗ thi để phát hiện nhân tài, chúng ta từ lâu đã làm cho các kỳ thi học sinh giỏi trở nên kỳ quặc: lấy thi làm mục đích, chứ không phải phương tiện.
Học thì gắn với thi, việc ấy bình thường. Tuy nhiên, việc thi quá nhiều và thi không phải để đánh giá chất lượng giáo dục mà là tạo ra chất lượng ảo đang làm sai lệch bức tranh giáo dục của chúng ta. Từ cái sự “hiểu lầm” này về chất lượng, ngành giáo dục khó mà đề ra được những giải pháp phù hợp và thích đáng để cải thiện. Ngược lại, nó kìm giữ nền giáo dục nước nhà trong tình trạng mang bệnh mà không biết. Hậu quả khôn lường.
Tôi cho rằng, không nhất nhất phải “bỏ ngay kỳ thi học sinh giỏi”. Nhưng cần thi với tinh thần tự nguyện và tự túc kinh phí của học trò, như một trải nghiệm; không dùng kết quả để dán nhãn chất lượng giáo dục lên học sinh và các trường học; thiết kế ngân hàng đề thi một cách khoa học cùng với đáp án kích thích tư duy và sáng tạo… Đó là những giải pháp ban đầu mà chúng ta phải thực hiện, để các kỳ thi học sinh giỏi không trở thành nỗi ám ảnh của học sinh và thầy cô giáo, và để từng bước chấn hưng nền giáo dục nước nhà.