| Hotline: 0983.970.780

Thi tuyển vào lớp 10: Càng chậm càng lãng phí và mệt mỏi

Thứ Hai 10/06/2019 , 07:34 (GMT+7)

Thời điểm này đã có nhiều địa phương đã tổ chức kì thi tuyển sinh 10, nhưng vẫn có những địa phương mới đang vào giai đoạn đầu ôn thi cho học trò.

1-uxxf19403619
Các tỉnh, TP nên tổ chức kỳ thi vào lớp 10 càng sớm càng tốt

Bởi mãi tháng 7, Sở GD- ĐT mới tổ chức thi cũng đồng nghĩa với tốn kém tiền bạc, sự mệt mỏi cho cả thầy và trò khi kéo dài thời thời ôn tập.

Từ các kênh thông tin đại chúng, chúng ta cảm nhận được sự khó khăn khi các em lớp 9 bước vào kì thi tuyển sinh 10. Bởi đây là một kì thi quan trọng, khắc nghiệt đối với nhiều thí sinh. Nhất là các TP lớn như Hà Nội, TPHCM chỉ lấy khoảng 60-70% số lượng thí sinh vào các trường công lập.

Thực tế, không chỉ riêng 2 TP lớn mà các tỉnh, thành khác cũng xảy ra hiện tượng cạnh tranh gay gắt khi thi đầu vào lớp 10 ở các trường ở TP, TX…Đặc biệt ở các trường chuyên, các trường điểm, các TP, TX, các huyện có tỉ lệ chọi và điểm đầu vào tương đối cao, tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt khi các em thi tuyển vào các trường này.

Tuy nhiên, những trường có điểm đầu vào càng cao lại càng có nhiều phụ huynh muốn cho con em mình thi vào bởi phụ huynh nào cũng hy vọng con em mình vào được các trường đó sẽ có tương lai hơn. Chính vì thế, các kì thi tuyển sinh 10 phần lớn hiện nay là cạnh tranh rất lớn, nhiều trường còn gay gắt, khốc liệt nữa.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỉ lệ chọi tương đối cao và sẽ có rất nhiều học sinh rớt khi thi vào các trường công lập. Nếu thi rớt, các em phải học ở các trường tư thục, dân lập hoặc các Trung tâm giáo dục thường xuyên. Những trường mà có học phí cao hơn rất nhiều đối với trường công lập. Vì thế, nhiều phụ huynh rất khó có thể cho con vào học ở các trường này.

Chính từ tâm lí sợ con mình sẽ rớt trường công lập, trường điểm mà cha mẹ đã kì vọng và hướng tới cho con nên nhiều bậc phụ huynh phải tập trung đầu tư cho con suốt cả 4 năm cấp Trung học cơ sở. Người thì mời thầy cô về nhà dạy, người thì đưa con đến các trung tâm gia sư. Nhất là khi năm học lớp 9 kết thúc cũng là lúc tập trung cho con mình học nước rút, học nhiều thầy, nhiều nơi.

Phải nói rằng khi hè đến không có giáo viên nào cũng như các em học sinh có hứng thú học tập giảng dạy để sang tháng 7 mới thi tuyển sinh bởi lịch thi trễ như vậy thì xem như cả thầy và trò không có mùa hè. Lịch thi chậm trễ chưa hẳn đã nâng cao được chất lượng đầu vào bởi càng trễ càng tạo sự mệt mỏi cho thầy trò. Nhất là càng khiến cho các bậc phụ huynh đầu tư thêm tốn kém.

Bởi thực tế, trường THCS nào cũng phải tổ chức ôn thi cho học trò. Mặc dù số tiền các em đóng để ôn thi không nhiều nhưng vẫn có rất nhiều em chốn thôn quê cảm thấy khó khăn. Những học sinh TP thì mức độ đầu tư tốn kém hơn rất nhiều. Ngoài việc nhiều trường học qui định bắt buộc học sinh phải học ở trường, các em còn đăng kí học ở các trung tâm gia sư. Số tiền các em phải đóng gấp hàng chục, thậm chí là hơn chục lần đóng ở trường.

Ngoài thì giờ học ở trường thì gần như quãng thời gian còn lại trong ngày, các em đều có mặt ở trung tâm gia sư để học. Ngoài việc học các môn để thi tuyển sinh được thầy cô dạy, các em còn phải trả bài các môn học này theo đề cương mà giáo viên đã chuẩn bị sẵn. Vì thế, chỉ trừ những tiết ôn ở trường thì các em luôn có mặt ở trung tâm gia sư để học và trả bài.

Ra khỏi nhà lúc hơn 6h sáng và trở về nhà vào lúc 10h đêm là chuyện bình thường của nhiều học sinh. Với một thời gian học tập như vậy nên nhiều em thể hiện rõ sự phờ phạc, mệt mỏi của mình trên gương mặt. Song, không mấy em khi vào học ở trung tâm gia sư có ý định bỏ học bởi em nào cũng sợ sẽ trượt tuyển sinh 10. Nhiều em học sinh luôn trong trạng thái thiếu ngủ. Chỉ mấy phút chuyển tiết các em cũng tranh thủ gục xuống để ngủ…

Đối với thầy cô bị phân công ôn thi tuyển sinh 10 ở trường cũng không lấy gì làm hứng thú. Nhất là những trường nhỏ ở nông thôn, giáo viên dạy 1-2 lớp thì mỗi tuần chỉ có mấy tiết dạy nhưng vẫn phải chạy đến trường. Nhiều khi mưa gió vẫn phải vào dạy 1-2 tiết học rồi về. Những thầy cô gần trường còn đỡ, thầy cô ở xa trường thì việc chạy hàng mấy chục cây số lên dạy 1-2 tiết là một cực hình …

Thù lao cho mỗi tiết dạy chỉ mang tính tượng trưng nhưng đôi lúc lỡ nhiều kế hoạch của bản thân và gia đình đã có kế hoạch từ trước. Vì thế, nhiều giáo viên khi bị phân công giảng dạy họ rất ngại. Cái ngại không chỉ là ngày hè, khi những đồng nghiệp khác được nghỉ ngơi, còn mình thì cứ phải lẽo đẽo đến trường mỗi tuần vài tiết dạy mà còn cả áp lực trong việc ôn thi khi nhà trường luôn lấy tỉ lệ đỗ vào lớp 10 ra để so sánh. Năm nào bị phân công ôn thi coi như năm đó không có mùa hè.

Việc tổ chức thi tuyển sinh 10 là việc làm thường xuyên của các Sở GD-ĐT hàng năm. Vì thế, việc một số nơi tổ chức thi muộn cũng là điều mà lãnh đạo nên cân nhắc thấu đáo. Thi càng muộn thì càng gây tốn kém cho phụ huynh và tạo nên sự mệt mỏi cho cả thầy và trò trong quá trình ôn thi.

Có lẽ, chỉ cần kết thúc năm học mươi ngày, nửa tháng tổ chức thi tuyển sinh 10 là vừa. Đừng để đến tháng 7 mới tổ chức thi gây nên rất nhiều khó khăn cho thầy và trò, các bậc phụ huynh và ngay cả các trường THPT khi làm các thủ tục tiếp nhận học sinh đầu cấp.

 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.