| Hotline: 0983.970.780

Thiết lập vùng đệm với hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc

Thứ Sáu 31/12/2021 , 15:00 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT nêu nhiều giải pháp trong công văn gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhằm tháo gỡ triệt để tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu.

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thị sát tình hình lưu thông hàng hóa tại cửa khẩu. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thị sát tình hình lưu thông hàng hóa tại cửa khẩu. Ảnh: Tùng Đinh.

3 nhóm giải pháp gỡ khó

Bộ NN-PTNT vừa gửi Công văn số 9056/BNN-CBTTNS tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình ùn tắc nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu biên giới. Trong đó, Bộ nhấn mạnh 3 nhóm giải pháp chính đã và đang triển khai.

Một là, phổ biến thông tin, hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn các doanh nghiệp. Kể từ Quý II/2021, trước tác động của dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản của Bộ NN-PTNT thường xuyên ban hành Bản tin thị trường chuyên đề định kỳ, tập trung thông tin khuyến cáo về mùa vụ, cập nhật các chính sách, quy định tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Bộ NN-PTNT cũng tổ chức các đoàn công tác, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai và các đơn vị chức năng tại cửa khẩu triển khai các giải pháp đồng bộ như: tăng cường xử lý trực tuyến, đẩy mạnh mở cửa kỹ thuật, tăng xuất khẩu chính ngạch...

Ngày 20/12/2021, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND Lạng Sơn và Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức họp về tình trạng ùn tắc nông sản. Qua đó, Bộ hướng dẫn doanh nghiệp phối hợp chặt với cơ quan chức năng, nhất là tại cửa khẩu, để điều tiết hàng hóa. Ngoài ra, Bộ xúc tiến hội đàm trực tuyến với Tổng cục Hải quan và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, để bàn giải pháp lâu dài trong việc tháo gỡ ùn tắc nông sản.

Liên quan tới vấn đề kiểm dịch, Bộ NN-PTNT yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các Chi cục đóng tại cửa khẩu và địa phương thực hiện 3 việc: (1) Phối hợp cơ quan y tế địa phương phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch “5K” cho người, phương tiện và hàng hoá nông sản xuất khẩu; chỉ hoàn tất thủ tục xuất khẩu hàng hóa nếu đảm bảo quy định “5K” và các quy định liên quan của cơ quan chức năng Trung Quốc.

(2) Khuyến cáo doanh nghiệp thường xuyên kết nối thông tin với tổ công tác của Lạng Sơn để kịp thời nắm bắt thông tin, khả năng thông quan tại các cửa khẩu nhằm điều tiết lượng hàng xuất khẩu phù hợp; (3) Phối hợp với lực lượng hải quan, biên phòng chủ động trao đổi với Trung Quốc để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu về phòng, chống Covid-19.

Với lượng xe đang ùn tắc tại cửa khẩu, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho doanh nghiệp được gửi hàng vào kho lạnh của hệ thống kho ngoại quan tại các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai. 

Hai là, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nâng sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bộ NN-PTNT đã triển khai đồng bộ 5 vấn đề. (1) Chỉ đạo địa phương rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo như giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, vật tư..., xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất, điều chỉnh mùa vụ phù hợp với tình hình thị trường;

(2) Chỉ đạo, phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu bảo quản, nâng cao giá trị gia tăng; (3) Thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, xây dựng mã định danh, mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm. Phối hợp các chuỗi phân phối trong nước, Hiệp hội các nhà bán lẻ tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh quảng bá trực tuyến tiêu thụ trong nước;

(4) Chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương thúc đẩy mở cửa thị trường, bổ sung các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc vào nội dung các cuộc đàm phán cấp cao; Đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc duy trì công nhận các vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở bao gói, chế biến nông sản, thủy sản đã được cho phép xuất khẩu sau thời điểm Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực;

(5) Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thực hiện các quy định của Lệnh 248, 249 có hiệu lực từ 1/1/2022. Hướng dẫn đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc theo quy định mới về đảm bảo về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng nông sản.

Ba là, đàm phán, mở cửa thị trường, hợp tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Bộ NN-PTNT chủ trương thiết lập cơ chế họp thường niên cấp Bộ trưởng giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Ngoài ra, Bộ tiếp tục trao đổi trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để mở cửa thị trường với sầu riêng, chanh leo; đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường với các sản phẩm như: bưởi, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa.

Bộ NN-PTNT đã đề nghị phía Trung Quốc xem xét bổ sung 92 cơ sở và điều chỉnh thông tin của 218 cơ sở chế biến thủy sản, bổ sung 8 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống vào Danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu, 6 cơ sở đóng gói cua, tôm hùm được xuất khẩu mà phía Việt Nam đã gửi hồ sơ đăng ký theo yêu cầu của phía Trung Quốc; bổ sung 5 sản phẩm gồm: nghêu trắng đông lạnh, tôm sú ướp đá, tôm thẻ chân trắng ướp đá, sứa ướp muối và cá bống bớp sống vào danh mục được phép xuất khẩu.

Một số sản phẩm khác như: cá sấu nước ngọt, ngao hai cùi, ngao lụa, ngao hoa, hàu, rươi, sứa - vốn nằm trong danh mục nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc - cũng được Bộ đề nghị phía bạn cho phép xuất trở lại. 

Hình ảnh hàng nghìn container ùn tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Hình ảnh hàng nghìn container ùn tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Đề nghị phía Trung Quốc thông báo trước 10 ngày nếu "đóng biên"

Từ đầu tháng 12/2021, tình trạng ùn tắc ở các cửa khẩu xảy ra liên tục. Tại Lạng Sơn, tổng lượng xe tồn trong 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng 25/12 là hơn 4.200 xe. Các mặt hàng tồn chủ yếu gồm: dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít, xoài, tinh bột sắn...

Tại Quảng Ninh, tổng lượng tồn là hơn 1.600 container, ở Cửa khẩu cầu Bắc Luân II và Lối mở Km3+4 Hải Yên. Nguyên nhân ùn tắc chủ yếu do Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid", cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm, Tân Thanh - Pò Chài dừng thông quan, và Trung Quốc dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết 14 ngày với hàng hóa bảo quản lạnh.

Nhằm giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc nông sản, Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng và các Bộ, ban, ngành liên quan một số biện pháp.

Cụ thể, với Chính phủ, Bộ kiến nghị xem xét chính sách ưu đãi đặc thù, ưu tiên ngân sách nhà nước cho khu vực biên giới, hỗ trợ địa phương đầu tư hạ tầng cửa khẩu, kho, bãi, trung tâm trung chuyển, logistics, bảo quản nông sản.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo địa phương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm với hàng hóa trao đổi sang Trung Quốc nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19, đồng thời phát hiện sớm và cách lý người/ hàng hóa mắc Covid-19, không để phát hiện ở điểm giáp biên giới dẫn đến “đóng biên tức thời”.

Với Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT đề nghị tăng cường phối hợp phía Trung Quốc, tìm giải pháp tăng thời gian thông quan tại cửa khẩu; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng, đơn vị tại cửa khẩu phía Trung Quốc như: hải quan, kiểm dịch, doanh nghiệp dịch vụ vận tải.

Về phía địa phương, Bộ Công thương được đề nghị chỉ đạo các Sở trực thuộc thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu về tình hình ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, và về việc Trung Quốc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cả trên bao bì đựng hàng hoá. Từ đó, doanh nghiệp có biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng hoá, đảm bảo không có virus SARS-CoV-2. Cùng với đó, doanh nghiệp chỉ vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu khi đã ký hợp đồng mua bán với phía Trung Quốc.

Riêng ngành công thương, Bộ NN-PTNT đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc kịp thời nắm thông tin và phối hợp với các địa phương có cửa khẩu để cập nhật thường xuyên các quy định, yêu cầu của phía bạn với hàng nông sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, những hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản, kích cầu tiêu dùng trong nước, dự báo, đánh giá tác động tình hình sản xuất, kinh doanh thời gian giáp Tết cũng cần quan tâm.

Với Bộ Ngoại giao, Bộ NN-PTNT đề nghị đàm phán, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc, giúp đảm bảo Hiệp định thương mại biên giới giữa. Trường hợp có thay đổi về chính sách với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ Ngoại giao cần đề xuất phía bạn thông báo trước ít nhất 10 ngày, tính từ thời điểm áp dụng.

Với Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT đề nghị Tổng cục Hải quan đàm phán, thúc đẩy hợp tác với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thiết lập hạ tầng, kho bãi, kho ngoại quan hai bên để hiện đại hóa cửa khẩu.

Với UBND các tỉnh, thành phố, Bộ NN-PTNT đề nghị duy trì theo dõi, dự báo và lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, nhất là tình hình trước Tết Nguyên đán; chủ động đánh giá, dự báo và báo cáo kịp thời tình hình hoạt động thương mại biên giới và sớm thông tin cho hiệp hội doanh nghiệp.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…