| Hotline: 0983.970.780

Cửa khẩu ách tắc, người trồng dưa hấu lo thom thóp

Thứ Hai 27/12/2021 , 16:03 (GMT+7)

GIA LAI Quá ngày thu hoạch nhưng thương lái không đến mua do cửa khẩu ách tắc, nhiều người dân trồng dưa ở vùng biên giới Gia Lai có nguy cơ trắng tay.

Ba tháng trước, vợ chồng ông Tân (47 tuổi) ở Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định vượt gần 200 km lên vùng đất biên giới xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) thuê đất để trồng dưa hấu. Với diện tích 1,5 ha, gia đình ông Tân thuê với giá hơn 25 triệu đồng.

Những ngày đầu đặt chân lên đây, công việc đầu tiên của hai vợ chồng ông Tân là dựng căn lều bạt ngay bên cạnh cánh đồng. Sau đó, vợ chồng cày bừa, lên luống, lắp đặt máy móc và hệ thống tưới nước, trước khi trồng dưa hấu.

Ông Tân có nguy cơ mất trắng vườn dưa hấu do không tiêu thụ được. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Tân có nguy cơ mất trắng vườn dưa hấu do không tiêu thụ được. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo ước tính của ông Tân, 1,5 ha dưa hấu từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch, gia đình phải đầu tư hơn 200 triệu đồng. Chưa kể, năm nay bọ trĩ xuất hiện nhiều nên người trồng dưa cũng phải bỏ thêm nhiều khoản chi phí để phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Dù chi phí đầu tư lớn nhưng bù lại vườn dưa của gia đình ông Tân cho quả tươi tốt, tổng sản lượng ước đạt 45 tấn, hứa hẹn mùa vụ gặt hái được nhiều thành ông. Cứ ngỡ mọi chuyện suôn sẻ, ai ngờ cửa khẩu phía Bắc không lưu thông khiến cho nông sản bị ùn ứ, dưa hấu không thể xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Gia đình tôi rất nóng ruột khi vườn dưa đã quá đợt thu hoạch 5 - 6 ngày rồi mà chưa thấy thương lái nào đến mua, gọi hỏi thì họ trả lời cửa khẩu chưa cho lưu thông nên chưa thể tiêu thụ cho người dân. Nếu để vài ngày nữa thương lái không đến mua, mùa vụ xem như mất trắng”, ông Tân buồn bã cho biết.

Cả tuần nay, ngày nào ông Tân cũng mở điện thoại xem tình hình lưu thông ở cửa khẩu phía Bắc và gọi điện các chủ vườn lân cận xem có thương lái nào mới vào hỏi thu mua dưa hay không.

Ông Tân cho biết, hơn 10 năm làm nghề trồng dưa, chưa năm nào gia đình rơi vào cảnh có nguy cơ mất trắng như năm nay. "Những vụ mùa trước, giá tuy thấp nhưng còn vớt vát được phần nào, còn năm nay muốn bán cũng không có ai mua”, ông Tân cho biết.

Dưa hấu năm nay cho năng suất cao nhưng người dân lại không bán được. Ảnh: Tuấn Anh.

Dưa hấu năm nay cho năng suất cao nhưng người dân lại không bán được. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng ngồi thấp thỏm không yên, anh Tào Kim Sơn (31 tuổi) ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cho biết, vườn dưa của gia đình còn khoảng 1 tuần nữa đến thời điểm thu hoạch, nhưng hiện giờ vẫn chưa có thương lái nào đến hỏi mua. “Ngày nào chúng tôi cũng ngóng thông tin từ cửa khẩu 24/24 giờ với hi vọng phía Trung Quốc sớm cho lưu thông hàng nông sản. Nếu không, thương lái sẽ không tìm đến mua dưa, người dân chúng tôi xem như mất trắng”, anh Sơn lo lắng.

Cũng thuê đất trồng dưa tại xã xã Ia Piơr (huyện Chư Prông), ông Nguyễn Tiến Doãn (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cho biết, năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, một số thương lái cũng không liên hệ để đặt cọc nên gia đình không dám trồng nhiều như năm trước mà chỉ trồng gần 2 ha, giảm gần một nửa so với năm ngoái.

Theo ông Doãn, công sức bỏ ra nhiều, cộng với chi phí đầu tư lớn nên khi dưa thu hoạch phải có giá từ 5.000 đồng/kg trở lên mới có lãi. “Năm nay tôi xuống giống sớm hơn 10 ngày so với năm trước, sau khi xuống giống gần nửa tháng thì một số diện tích bị bọ trĩ làm trắng ngọn, lá nhăn nheo và chết dần nên tôi phải đành nhổ bỏ gần 20% diện tích.

May mà vườn dưa thu hoạch sớm nên thương lái đến mua với giá gần 6.000 đồng”, ông Doãn nói và cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các cửa khẩu không mở cửa cho thương lái xuất khẩu, dẫn đến dưa của người dân bị ùn ứ.

Những vườn dưa hấu đang ngóng thương lái đến mua. Ảnh: Tuấn Anh.

Những vườn dưa hấu đang ngóng thương lái đến mua. Ảnh: Tuấn Anh.

Ghi nhận tại xã Ia lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), một số vườn dưa đang bước vào giai đoạn thu hoạch và cũng có một số ít thương lái đến thu mua. Chính vì không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, các thương lái đã tìm đường tiêu thụ đi các tỉnh thành trong nước.

Bà Nguyễn Thị Thu (thương lái người Quảng Nam) cho biết: “Trước đó, chúng tôi đã đặt cọc một số nhà vườn, giờ đến thời điểm thu hoạch mà không hái thì vài ngày nữa dưa sẽ mềm và thối hết. Nên giờ chúng tôi bắt buộc phải thu hái, không xuất được thì đem đi các tỉnh để tiêu thụ, may ra gỡ lại được chút vốn”.  

Ông Lê Thành Công, Chủ tịch UBND xã Ia Lâu cho biết, trên địa bàn xã có hơn 60 ha trồng dưa, trong đó 40% diện tích là người dân ở địa phương tự trồng, còn lại là người từ nơi khác đến thuê đất để làm. Nửa tháng trước, nhiều hộ còn bán được giá 5.000 - 6.000 đồng/kg nên họ đã tháo dỡ lều trại về quê.

Đối với những vườn dưa bắt đầu thu hoạch nhưng chưa có thương lái đến mua, ông Công cho biết, nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, xã sẽ đề xuất, kêu gọi người dân, tổ chức trên địa bàn "giải cứu" dưa giúp bà con.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.