Đề tài Thương binh Liệt sĩ cũng là một mảng thao thức đáng kể trong văn học nghệ thuật. Hầu như tất cả các thể loại đều có tác phẩm tri ân sự hy sinh thầm lặng của những người con đã quên thân mình cho hòa bình và hạnh phúc dân tộc.
Thật khó để kể hết những tác phẩm về Thương binh Liệt sĩ ở lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, hội họa, âm nhạc, thi ca, tiểu thuyết… Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2020), chúng tôi xin giới thiệu một bài thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Thái Sơn và một ca khúc ít người biết đến của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn sinh năm 1948 tại Hà Nam, đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và cuộc phản kích ở biên giới phía Bắc. Bản thân là một thương binh, nên nhà thơ Nguyễn Thái Sơn có sự đồng cảm sâu sắc với những người đã ngả xuống chiến trường. Bài thơ “Thăm mộ chiều cuối năm” chỉ có bốn câu, nhưng từ hành động thật “nhang trầm một thẻ” đến khấn nguyên tâm linh “hương khói đừng quên một mộ nào” khiến tác phẩm mang lại những rung cảm xa rộng.
“Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội
Nhang trầm một thẻ - biết làm sao
Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió
Hương khói đừng quên nấm mộ nào”
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) để lại cho đời hơn 600 ca khúc. Trong đó, có ca khúc “Ngày mai đây bình yên” không được phổ biến như những bản tình ca của Trịnh Công Sơn, nhưng lại chan chứa sự biết ơn dành cho Thương binh Liệt sĩ.
“Bao nhiêu người đã ra đi/ Ngày mai đây bình yên vì mọi nơi đã lên mồ hoang. Ngày mai đây nhìn quanh lòng sẽ thấy xót xa vô cùng. Mẹ già đi lom khom tìm trên bãi vắng/ Tìm mộ đứa con hôm nay không còn để đón thanh bình.
Nơi đây còn những thương binh/ Ngày mai đây ruộng xanh là niềm tin cấy trên lòng anh/ Vì quanh đây nhờ anh, người người đã sống trong yên lành. Vượt lầm than tên anh là cây đuốc sáng/ Một vạn cánh chim bay lên trong trời hót mãi tình anh.
Dọn đường về ngày mai, trường học dựng mọi nơi/ Tay mãi dựng phố nhà trong kiến thiết mới/ Bệnh viện đầy niềm tin/ Chợ người về càng đông/ Ta sẽ tự phú cường cho thoát cùm gông.
Trên cánh đồng, lúa lên cao/ Đời dân ta cần lao, mồ hôi đã thắm trong ruộng sâu/ Ngày mai đây rừng hoang thành bãi lúa quyết nuôi dân nghèo/ Triệu người dân hăng say dựng đời sống mới/ Hòa bình đến đây dân ta đắp đường khai phá ruộng nương.
Trên cánh đồng, lúa ra bông/ Ngày mai đây Việt Nam dựng cờ tươi sáng trong lòng dân/ Ngày mai đây Việt Nam là bàn chân tiến lên không ngừng/ Ngày Việt Nam con tim hồng lên ánh sáng/ Dựng lại nước ta vinh quang trong trời sáng chói Việt Nam”.