| Hotline: 0983.970.780

Thới Thạnh quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

Thứ Hai 22/03/2021 , 07:17 (GMT+7)

Cuối năm 2019, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sau hơn 1 năm, diện mạo của xã tiếp tục có sự khởi sắc.

Từ nền tảng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2021.

Vườn dừa hữu cơ của thành viên HTX nông nghiệp Thới Thạnh. Ảnh: Minh Mừng

Vườn dừa hữu cơ của thành viên HTX nông nghiệp Thới Thạnh. Ảnh: Minh Mừng

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xã, đến nay Thới Thạnh đã thực hiện đạt 12/15 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, tăng 6 tiêu chí so với cuối năm 2019, bao gồm các tiêu chí về: quy hoạch, điện, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo và tiêu chí về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. 3 tiêu chí còn lại gồm tiêu chí số 2 – giao thông, tiêu chí số 13 – môi trường và an toàn thực phẩm và tiêu chí số 15 về quốc phòng và an ninh, xã đã thực hiện đạt hơn 85%.

Hiện tại, cơ cấu kinh tế của xã tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Xã xác định phát triển kinh tế là cái gốc, là đòn bẩy để xây dựng các tiêu chí còn lại nên quan tâm triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả như: trồng dừa hữu cơ, trồng bưởi da xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Qua đó, đời sống của nhân dân được nâng lên với mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 46 triệu đồng/người/năm vào năm 2019 lên 60,2 triệu đồng/người/năm cuối năm 2020.

Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, cuối năm 2020, toàn xã còn 55 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,54%. Số lao động trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động của xã hơn 5.400 người; trong đó, có 1.120 người đã được đào tạo qua chuyên môn trình độ kỹ thuật. Bên cạnh, xã quan tâm giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động nông thôn thông qua các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và tổ chức sản xuất.

Thới Thạnh hiện có 1 HTX dịch vụ nông nghiệp với 119 thành viên HTX thực hiện nhiều dịch vụ theo phương án sản xuất kinh doanh như: thu mua dừa trái, phun xịt thuốc, bồi bùn, mua bán phân hữu cơ,…đáng chú ý là liên kết đầu ra cho dừa trái. Thời gian qua, hợp tác xã hoạt động khá hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, riêng khâu sơ chế dừa đã đã thu hút gần 50 lao động. Bên cạnh, xã còn có 9 tổ hợp tác về nuôi dê sinh sản và dê thịt, nuôi gà thả vườn, nuôi heo sinh sản và heo thịt, nuôi bò sinh sản và bò thịt.

 Bộ mặt nông thôn tại xã ngày thêm đổi mới. Ảnh: Minh Mừng

 Bộ mặt nông thôn tại xã ngày thêm đổi mới. Ảnh: Minh Mừng

Trên cơ sở đó, Thới Thạnh đang tập trung liên kết các chuỗi giá trị cho hàng hóa, nhất là đối với sản phẩm chủ lực là cây dừa. Hiện nay đã liên kết đầu ra cho dừa trái theo hướng hữu cơ với Công ty cổ phần chế biến dừa Lương Quới.

Bên cạnh đó, HTX đang tập trung phối hợp tuyên truyền vận động nông dân chuyển sản xuất dừa từ truyền thống sang hướng hữu cơ, sạch và ngày càng mở rộng diện tích dừa hữu cơ trên địa bàn xã, hiện nay khoảng 30ha. Địa phương cũng đang tập trung xây dựng chuỗi giá trị đối với con gà thả vườn, đây là sản phẩm chủ lực của huyện. Bước đầu đã kết nối với công ty cổ phần Freenfeed Việt Nam trong việc tiêu thụ đầu ra cho con gà, còn đối với đầu vào về thức ăn, con giống, thuốc thú y,…đã được kết nối ổn định.

Bà Phạm Thị Thủy, ngụ ấp Xương Thới 3 bày tỏ: “Sau khi xây dựng thành công xã nông thôn mới người dân rất phấn khởi. Hiện người dân đang cùng với địa phương tiếp tục thực hiện phong trào này, nhất là tham gia thực hiện Ngày Chủ nhật nông thôn mới, thực hiện tốt các nội dung “5 không, 3 sạch””.

Theo bà Lâm Thị Hoàng Lan, Bí thư Đảng ủy xã, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo xã, còn 3 tiêu chí chưa đạt, xã Thới Thạnh sẽ phấn đấu hoàn thiện trong năm 2021 này để về đích xã nông thôn mới nâng cao. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.