Xuất hiện thời tiết dị thường
13 tỉnh miền núi phía Bắc với khoảng 10,6 triệu người thuộc 30 dân tộc sinh sống, sản xuất chủ yếu là lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt trên địa hình núi cao, độ dốc lớn. Trong khi, khu vực có nhiều sông, suối và thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Đặc biệt, vào mùa mưa, tại khu vực tập trung trên 80% lượng mưa, vì vậy thường xuyên xảy ra băng giá, rét đậm, rét hại, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, mưa đá, dông lốc, sét, động đất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Chỉ những ngày đầu tháng 7, tại Lào Cai, mưa lũ gây thiệt hại hơn 27,5 ha lúa, mạ; 5,57 ha ngô và rau màu bị ngập úng; 11,6 ha cây trồng bị gãy đổ, nhiều gia súc bị chết do bị lũ cuốn trôi. Tuyến tỉnh lộ 156b Bản Vược - Mường Hum - Y Tý có nhiều vị trí sạt lở, hư hỏng nền đường và lề đường… Hồ Nhuần 4, xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) bị sạt lở chân đập phía taluy âm dài khoảng 60m, gây nguy cơ mất an toàn thân đập. Ước thiệt hại do đợt mưa lũ trong đợt vừa qua lên đến trên 10 tỷ đồng.
Tại Lai Châu, mưa lũ gây sạt sở đất và vùi lấp 100 m2 lúa mùa ở xã Khun Há, Hồ Thầu và hơn 2.000 m2 ngô ở xã Bản Hon, Hồ Thầu của huyện Tam Đường và gây sạt lở đất, đá tại một số tuyến đường như tỉnh lộ 133, 135, 136. Hàng nghìn khối đất đá phải di dời để thông tuyến… Chỉ một đợt mưa lớn gây thiệt hại cho tỉnh này hơn 3 tỷ đồng.
Ngày 13/7, tại Lào Cai, 13 Sở NN-PTNT các tỉnh miền núi phía Bắc đã ký giao ước thi đua chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn 2020-2025.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, các tỉnh miền núi phía Bắc đã ghi nhận 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó có 8 đợt trên diện rộng. Đặc biệt mưa đá xuất hiện ngay trong đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, một hiện tượng thời tiết dị thường rất hiếm gặp. Ngoài ra còn có 2 trận lũ quét, sạt lở đất và 12 trận động đất. Trong đó, có trận động đất xảy ra lúc 13h12 trưa 16/6/2020, với độ lớn 4,9 độ richter, rủi ro thiên tai cấp độ 4 tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Tính đến ngày 9/7, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 căn nhà bị sập, 52.015 nhà bị hư hại, tốc mái; khoảng 10.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính về kinh tế 610 tỷ đồng.
TS Mai Văn khiêm – Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia – dự báo từ tháng 7-12/2020, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO 3.4 có xu hướng giảm dần, nhưng vẫn có khả năng duy trì ở trạng thái trung tính và nghiêng về pha lạnh trong những tháng cuối năm 2020 nên mùa đông năm nay sẽ rất lạnh. Ngoài ra, do tác động của pha lạnh nên thời tiết, khí hậu có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể mưa, bão có khả năng gia tăng hơn từ từ tháng 9-12/2020.
Chủ động ứng phó
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, miền núi phía Bắc có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng đặc biệt là vấn đề môi trường. Vùng có lưu vực sông lớn, là nơi đảm an ninh năng lượng, với các hệ thống thủy điện lớn nằm tại đây. Đây cũng là vùng có biên giới dài liên quan hệ thống sông quốc tế chính là hệ thống sông Hồng.
Từ đầu năm tới nay, khu vực này xảy ra gần 100 dạng hình thái thiên tai, gấp đôi trung bình hằng năm cho thấy dự báo về thiên tai rất khốc liệt.
Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay tới cuối năm tiếp tục có những hình thái cực đoan, hạn hán tháng 6-7, nhưng dự báo mưa lũ vào tháng 9 tới. Còn Viện địa lý toàn cầu dự báo tới đây vùng này có khả năng xảy ra động đất cấp độ rất lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai trao bằng khen cho 2 tập thể (Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTN và TKCN tỉnh Lào Cai; Ban an toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và 3 cá nhân (ông Dương Văn Lượng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; ông Lê Đức Long – Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức (TP Thái Nguyên); ông Khương Thế Anh – Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La) đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai 2019.
Trước tình hình dự báo thiên tại như vậy, Bộ NN-PTNT tiến hành ngay công tác triển khai sau hội nghị ngày 15/5 của Chính phủ, đây sẽ là một trong những vùng trọng tâm về công tác phòng chống thiên tai phải đặt ra. Trong đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng, hệ thống chính trị về chuẩn bị tinh thần vào cuộc quyết liệt chủ động ứng phó tình hình, diễn biến thiên tai có thể xảy ra từ nay tới cuối năm.
Cũng theo Bộ trưởng, thách thức đặt ra là với những dạng hình thiên tai lũ ống, lũ quét, sạt lở đất những năm gần đây xảy ra thường xuyên tại khu vực miền núi phía Bắc, gây ra thương vong đối với người dân cao nhất.
Thứ hai, nguy cơ rủi ro cao với các hồ thủy điện lớn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, nếu trong công tác phòng chống, ứng phó nguy cơ rủi ro không chủ động từ đầu thông qua liên hồ chứa, vận hành quy trình hợp lý hài hòa, biện pháp tổng hợp thì dễ sinh ra nguy cơ rủi ro rất cao.
Thứ ba, trong khi đang hạn hán, nắng nóng nhưng phải lường trước việc mưa lũ lớn, mùa đông lạnh đã được dự báo ngay từ bây giờ.
“Đây là vùng điển hình, luôn cần chuẩn bị trước kịch bản ứng phó với hai đầu cực đoan, nóng nhất, lạnh nhất, hạn nhất, lũ nhất. Để đối phó phải tăng cường năng lực dự báo, ứng phó, phục hồi, tái sản xuất theo phương châm 4 tại chỗ và là một trong những biện pháp quyết định”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần rà soát lại lại khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách, những vấn đề trước mắt và giải pháp lâu dài về các vấn đề tác động biến đổi khí hậu…