| Hotline: 0983.970.780

Chống biến đổi khí hậu nhìn từ cuộc chiến với Covid-19: Trì hoãn nghĩa là chết

Thứ Bảy 28/03/2020 , 06:10 (GMT+7)

Chính phủ cánh hữu đã bác bỏ vấn đề và chậm trễ trong hành động. Với dịch Covid–19 và biến đổi khí hậu, thiệt hại là mạng sống con người.

Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp báo về phòng chống Covid-19 tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP.

Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp báo về phòng chống Covid-19 tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP.

Đại dịch Covid–19 đã đưa tới yêu cầu cấp bách giải quyết vấn đề chính trị mang tính thời đại hiện nay: làm thế nào để phân tán rủi ro. Cũng như trong cuộc khủng hoảng khí hậu, chủ nghĩa tư bản tân tự do đang tỏ ra đặc biệt không phù hợp với điều này.

Giống như vấn đề nóng lên toàn cầu, dịch Covid-19 cho thấy sống hay chết tùy thuộc vào mức độ thừa nhận rủi ro, hành động nhanh chóng để ngăn chặn và chia sẻ hậu quả của chính phủ.

Về những vấn đề này, năng lực và ý thức hệ chồng chéo. Các chính phủ sẵn sàng can thiệp tỏ ra có hiệu quả trong việc ngăn chặn virus hơn là các nhà tư bản tự do kinh doanh.

Chính phủ càng có tư tưởng cánh hữu, càng có xu hướng trì hoãn hành động và đổ lỗi cho người khác. So sánh giữa các nước trên thế giới cho thấy điều này có thể làm tăng tỉ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Lấy Hoa Kỳ làm ví dụ, Donald Trump chỉ mới thừa nhận mức độ nghiêm trọng của đại dịch sau nhiều tuần tuyên bố nỗi sợ hãi đã bị phóng đại. Cho đến gần đây, chính phủ của ông đã dùng nhiều tiền hơn để bảo hộ ngành công nghiệp dầu mỏ hơn là để cung cấp bộ dụng cụ thử nghiệm virus.

Trump đã ra lệnh cho các quan chức hạ thấp cảnh báo sớm vì không muốn có tin xấu trong năm bầu cử. Hoa Kỳ hiện nằm trong danh sách những nước có số lượng ca nhiễm mới tăng nhanh nhất trên thế giới.

Ở Brazil, tổng thống cực hữu, Jair Bolsonaro, cũng liều lĩnh không kém . Ông tuyên bố những rủi ro của virus Corona đã bị thổi phồng, cho đến khi 17 trợ lý và cố vấn an ninh có kết quả xét nghiệm dương tính sau chuyến thăm Mỹ.

Cuối tuần trước, Bolsonaro đã phớt lờ các lời khuyên, tiếp tục bắt tay và tạo dáng để chụp ảnh với người ủng hộ trong buổi mít-tinh đông đúc. Trái với số ca nhiễm mới và tử vong tăng lên, tỉ lệ ủng hộ ông giảm mạnh.

Ở Anh, Boris Johnson thừa nhận rủi ro, nhưng ít đề ra hành động giải quyết. Mặc dù không cực đoan trong việc bác bỏ như Trump hay Bolsonaro, nhưng chính phủ của Johnson từ bối rối ban đầu, sau đó thực hiện chính sách “miễn dịch cộng đồng”, theo mong muốn bảo vệ nền kinh tế của cố vấn an ninh Dominic Cummings, ngay cả khi có thể phải trả giá bằng mạng sống của người hưu trí.

Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng như đại dịch Covid-19, trì hoãn đồng nghĩa với cái chết. Ảnh minh họa: AFP.

Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng như đại dịch Covid-19, trì hoãn đồng nghĩa với cái chết. Ảnh minh họa: AFP.

Vương quốc Anh sau đó thay đổi chiến thuật và thực thi phong tỏa, nhưng các biện pháp kiểm soát của nước này vẫn còn rất khó hiểu. Tuần trước, so sánh cho thấy tỉ lệ tử vong hàng ngày do virus ở Anh cao hơn so với tỉ lệ của Italia trong cùng giai đoạn.

Ngược lại, nhiều chính phủ can thiệp tích cực hơn, thường là chính phủ trung tả hay cánh tả, cũng như chia sẻ rủi ro cùng công dân. Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển dường như đang giảm tốc độ lây nhiễm và tử vong do virus. Tây Ban Nha và Pháp thực hiện phong tỏa khi có 200 trường hợp tử vong, cùng lúc, tỉ lệ tử vong ở Anh và Mỹ đã vượt xa mức này.

Ở châu Á, Trung Quốc ban đầu cố gắng che giấu thông tin trước công chúng khi virus mới xuất hiện ở Vũ Hán, sau đó đã huy động các nguồn lực công khổng lồ để thực thi phong tỏa và cung cấp thêm giường bệnh.

Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan dường như cũng đã xoay chuyển tình thế nhờ sự kết hợp khác nhau giữa thử nghiệm rộng rãi, các biện pháp kiểm dịch và giáo dục sức khỏe cộng đồng.

Đại dịch lần này đã khuếch đại tầm quan trọng của việc đánh giá và kiểm soát rủi ro trước khi việc xử lý vượt khỏi tầm tay. Nhưng các nhà lãnh đạo cánh hữu tân tự do, như Trump và Bolsonaro, có khuynh hướng phủ nhận và trì hoãn hơn, như trong vấn đề chính trị biến đổi khí hậu mà chúng ta chứng kiến trong những năm gần đây.

Khi liên quan đến một đại dịch như Covid-19, quan điểm đó có hậu quả khôn lường. Không có nhà lãnh đạo nào có thể bác bỏ khoa học, họ cũng không thể liên tục trì hoãn hành động như họ đã làm vấn đề trái đất nóng lên.

Không giống như khủng hoảng khí hậu, virus chủ yếu đe dọa người già - nhóm hỗ trợ cốt lõi của cánh hữu - chứ không phải là thế hệ thiên niên kỉ.

Cho đến nay, các khu vực bị ảnh hưởng xấu nhất cũng gần trung tâm sức mạnh kinh tế: các nước công nghiệp hóa phương bắc có khí hậu mát mẻ hơn là các nước đang phát triển phương nam có khí hậu ấm hơn (mặc dù các nước đang phát triển phương nam có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn trong tương lai do hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém hơn).

Đối với cánh hữu, điều này khiến cho đại dịch trở thành một mối đe dọa chính trị lớn hơn so với cuộc khủng hoảng khí hậu đã từng gây ra. Nếu họ không thể nhanh chóng vượt qua đỉnh dịch, họ sẽ mất khẳng định cam kết bảo đảm an ninh quốc gia.

Các nhà hoạt động môi trường tại Chicago phản đối Tổng thống Donald Trump do quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Ảnh: AP.

Các nhà hoạt động môi trường tại Chicago phản đối Tổng thống Donald Trump do quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Ảnh: AP.

Hoàn toàn có khả năng những ảnh hưởng của đại dịch này có thể là một trong những thất bại thảm khốc nhất của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do .

Đây cũng nên là một bài học cho cánh tả. Nếu sự can thiệp của nhà nước và lời khuyên khoa học có hiệu quả trong việc đối phó với virus, thì các nguyên tắc tương tự nên được áp dụng trước đe dọa do biến đổi khí hậu và sự sụp đổ của tự nhiên. Cho đến bây giờ, cánh tả đã nhận ra những nguy hiểm này, nhưng ít hành động vì ưu tiên tăng trưởng kinh tế.

Đại dịch đã chứng minh rằng chậm trễ gây chết người và tốn kém. Nếu chúng ta muốn tránh một loạt các cuộc khủng hoảng trong tương lai, các chính phủ phải nghĩ xa hơn mong đợi trở lại lối sống bình thường.

Chúng ta sẽ cần đầu tư vào các hệ thống hỗ trợ cuộc sống tự nhiên như khí hậu ổn định, không khí trong lành và nước sạch. Trong quá khứ, những mục tiêu đó đã bị lờ đi do phi thực tế hoặc tốn kém, nhưng những tuần gần đây đã cho thấy chính trị có thể thay đổi nhanh như thế nào.

Trước hết, chúng ta cần chấp nhận - và chia sẻ rủi ro. Thay vì trì hoãn để rủi ro cho các thế hệ tương lai xử lý, dân số yếu hơn và hệ thống tự nhiên suy thoái, chính phủ cần chuyển rủi ro thành trách nhiệm mà tất cả chúng ta phải gánh vác. Chúng ta càng do dự lâu, chúng ta sẽ càng có ít tài nguyên và sẽ phải chịu nhiều rủi ro hơn.

(Theo TheGuardian)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.