| Hotline: 0983.970.780

Thời vụ, cách chăm bón cho cây bí xanh và dưa hấu

Thứ Tư 16/12/2020 , 07:45 (GMT+7)

Cả hai cây đều là những loại rau màu chủ lực được trồng ở nhiều vùng miền khắp cả nước…

Bí xanh

Còn gọi là bí đao, bí phấn, bí trắng là cây thân bò, leo có nguồn gốc từ Nam Trung Quốc, Ấn Độ. Hạt bí xanh có thể nẩy mầm ở nhiệt độ 10 - 15 độ C, nhưng thích hợp nhất là 25 độ C. Ở giai đoạn cây con (vườn ươm) cây bí xanh yêu cầu nhiệt độ từ 20 - 22 độ C. Nhiệt độ thích hợp nhất để cây bí xanh sinh trưởng và phát triển tốt là 25 - 27 độ C. Bí xanh có các chủng loại như bí trạch, bí bầu, bí lông.

Yêu cầu về đất và dinh dưỡng:

Có thể trồng bí xanh trên nhiều loại đất, tốt nhất là đất phù sa, thịt nhẹ, pH = 6,5 - 8,0. Cây bí xanh yêu cầu độ ẩm đất ở thời kỳ từ cây con đến ra hoa là 65 - 70%, ở thời kỳ ra hoa kết quả là 70 - 80%. Bí xanh chịu úng kém, khi gặp độ ẩm lớn do mưa nhiều hoặc do tưới không hợp lý thì sẽ bị vàng lá, rụng hoa, rụng quả, ảnh hưởng xấu đến năng suất.

Thời vụ và kỹ thuật trồng:

Có ba thời vụ: Xuân hè, hè thu và vụ đông sớm. Vụ xuân hè gieo hạt từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Xử lý hạt bằng nước nóng 40 - 45 độ C trong thời gian khoảng từ 2 - 3 giờ đến 10 - 12 giờ; khi hạt nứt nanh thì đêm gieo vào bầu ươm. Khi cây có 1 - 2 lá thật thì đem trồng vào hốc ngoài đồng ruộng. Vụ hè thu gieo trồng từ tháng 4, tháng 5 hoặc sau khi gặt lúa xuân. Vụ đông sớm gieo hạt vào bầu, trồng bầu ra ruộng ngay sau khi gặt lúa mùa vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10.

Làm đất, lên luống cao 20 cm (nếu trồng vụ hè thu hoặc xuân hè muộn có mưa rào nhiều thì lên luống cao 25 - 35 cm, rãnh luống rộng 30 cm), mặt luống rộng 1,2 - 1,3 m (nếu làm giàn). Trồng 2 hàng dọc theo luống, hàng cách hàng 60 cm, hốc cách hốc 40 - 50 cm. Các hốc phân bố trên luống theo kiểu nanh sấu. Mỗi hốc trồng 1 cây, tương ứng với mật độ 20 - 25 nghìn cây/ha.

Bí xanh leo giàn. Ảnh: NNVN.

Bí xanh leo giàn. Ảnh: NNVN.

Nếu không làm giàn, để cây bò trên mặt luống thì lên luống rộng 3,5 m; trồng 2 hàng giữa luống, cách mép luống 15 - 20 cm, hàng cách hàng 2,5 - 3,0 m, hốc cách hốc 40 - 50 cm. Để cho bí xanh bò trên mặt luống và để đỡ quả thì cần có rơm, rạ phủ trên mặt luống. Đào hốc, bón phân lót, trộn đều với đất, phủ lớp đất mỏng lên trên rồi trồng, tưới nước duy trì đủ độ ẩm cho cây con.

Khi thân cây bí bò ra dài 50 cm thì lấp đất lên các vị trí các đốt, cứ cách 1 - 2 đốt lại lấp đất lên 1 đốt để cây ra nhiều rễ bất định, hướng cho ngọn bí bò từ hốc này sang hốc kia. Sau đó mới nương dây cho bí bò lên giàn, buộc thân cây bí vào giàn bằng lạt mềm hoặc bằng rơm rạ, buộc ở vị trí dưới nách lá.

Sử dụng phân bón:

Bón phân cho bí xanh vào các thời kỳ sau: Bón lót - trước khi trồng; Bón thúc lần 1 khi cây con có 5 - 7 lá thật; Bón thúc lần 2 khi cây chuẩn bị ra hoa, sau khi cây ra tua, buộc cây vào dàn; Bón thúc lần 3 khi cây hình thành quả.

Lượng phân bón tính trên 1 ha như sau: Bón lót: 20 - 25 tấn phân chuồng hoai ; 420 - 500 kg phân NPK-S Lâm Thao: 5.10.3-8.  Bón thúc 1, 2, 3 mỗi lần bón 280 - 310 kg phân NPK-S Lâm Thao: 12.5.10-14 hoặc NPK-S Lâm Thao 10.5.10.5. Lượng phân bón tính trên 1 sào Bắc bộ (360 m2) như sau: Bón lót: 720 - 900 kg phân chuồng hoai; 15 - 18 kg phân NPK-S Lâm Thao: 5.10.3-8.  Bón thúc 1, 2, 3 mỗi lần bón 10 - 11 kg phân NPK-S: 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10.

Dưa hấu

Là loại thân thảo, bò dưới mặt đất, có mức độ phân cành rất lớn, ở những nơi có điều kiện thích hợp, dưa hấu có thể có tới 32 cành các cấp. Lá có lớp phấn trắng. Bộ rễ ăn sâu tới trên 0,6 m, phát triển bề ngang rất mạnh bằng việc phát triển các rễ thứ cấp đan xen như tấm lưới có đường kính tới 8 - 10 m.

Dưa hấu có khả năng thích nghi rộng rãi với điều kiện môi trường về đất đai, ẩm độ đất, không khí tuy nhiên không chịu được tuyết, sinh trưởng kém ở nhiệt độ thấp, nhiệt độ dưới 15 độ C cây ngừng sinh trưởng, tỷ lệ đậu quả thấp, năng suất rất thấp.

Yêu cầu đất, chất dinh dưỡng:

Dưa hấu thích đất nhẹ, thịt pha cát, đất trung tính, hoặc hơi chua pH 5,5 - 6,5 hoặc có thể trồng trên đất cát, đất xám bạc màu. Nếu trồng dưa hấu trên đất thành phần cơ giới nặng thì bộ rễ kém phát triển, cây sinh trưởng kém, quả nhỏ, chất lượng quả kém.

Một ruộng dưa hấu chăm sóc đúng kỹ thuật.

Một ruộng dưa hấu chăm sóc đúng kỹ thuật.

Thời vụ:

Ở các tỉnh miền Bắc có mùa đông lạnh do vậy có 2 thời vụ chính là vụ xuân hè và vụ đông. Vụ xuân hè gieo hạt cuối tháng 1 cho đến đầu tháng 3, thu hoạch cuối tháng 5 đầu tháng 6. Gieo vào thời gian đầu của vụ này thường gặp rét nên cần phải xử lý hạt, khi gieo phải che phủ bằng rơm rạ mục giữ ấm. Vụ đông gieo cuối tháng 9 cho đến cuối tháng 10, không quá 5/11. Ở Nam bộ sau mùa lũ là có thể gieo hạt, từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau, còn đối với các tỉnh miền Trung thì cũng sau mùa lũ tức là vào tháng 12 tháng 1. Ngoài ra có thể gieo trồng lệch thời vụ để có dưa hấu bán rải vụ, bán quanh năm.

Đất trồng, mật độ gieo và kỹ thuật:

Đất cày bừa kỹ, lên luống cao 20 - 30 cm, trường hợp trồng vụ xuân hè muộn hoặc vụ đông sớm gặp mưa lớn thì lên luống cao 30 cm. Mặt luống rộng 180 - 200 cm trồng 2 hàng, khoảng hàng cách hàng 90 - 120 cm cây cách cây 70 - 80 cm. Vụ xuân hè thì trồng thưa hơn vụ đông. Đào hốc cho phân vào hốc rồi trộn đều với đất. Có thể gieo thẳng hạt, hoặc trồng cây con. Nếu gieo thẳng phải xử lý hạt trước khi gieo. Ngâm hạt vào nước ấm 30 độ C trong 3 - 5 giờ, đãi sạch hạt đem ủ với cát hoặc trấu ẩm ở 25 - 30 độ C trong 24 giờ cho hạt nảy mầm rồi đem gieo; gieo mỗi hốc 2 - 3 hạt sau khi cây lớn thì nhổ tỉa. Không chỉ có dưa hấu mà hầu hết các cây trong họ bầu bí như: bầu, bí xanh, bí đỏ, mướp ta, mướp đắng, dưa leo, dưa chuột, dưa lê, dưa gang, dưa hồng, dưa bở… đều có thể trồng bằng nhiều cách, trong đó có 2 cách chủ yếu là trồng cho bò trên mặt đất và trồng cho leo giàn.

Tuy nhiên, do chi phí đầu tư ban đầu có hơi cao (vật tư để làm giàn) mà tập quán của nông dân thường chỉ trồng cho leo giàn những cây cho quả nhỏ như mướp ta, mướp đắng, dưa chuột, dưa leo… còn những cây cho quả to, nặng thì thường cho bò trên mặt đất.

Bón phân:

Tính theo 1 sào Bắc bộ 360 m2. Bón lót: Phân chuồng 600 - 700 và NPK-S Lâm Thao 5.10.3-8 bón 20 - 22 kg.  Bón thúc 1: Khi cây 5 - 7 lá thật NPK-S 12.5.10-14 bón 11 - 13 kg. Bón thúc 2: Khi cây ra hoa NPK-S 12.5.10-14 bón 11 - 13 kg.  Bón thúc 3: Khi cây hình thành quả NPK-S 12.5.10-14 bón 11 - 13 kg.

Tính cho 1 ha: Bón lót:  Phân chuồng 15.000 - 20.000 kg và NPK-S Lâm Thao 5.10.3-8 bón 550 - 600 kg. Bón thúc 1: Khi cây 5 - 7 lá thật NPK-S 12.5.10-14 bón 300 - 350 kg. Bón thúc 2: Khi cây ra hoa NPK-S 12.5.10-14 bón 300 - 350 kg. Bón thúc 3: Khi cây hình thành quả NPK-S 12.5.10-14 bón 300 - 350 kg. Cần chú ý trên đất bạc màu, đất cát biển thì bón nhiều hơn đất phù sa. 

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.