Thời gian qua, có một số ý kiến cho rằng phương án “cắt container” để vận chuyển hàng hóa qua biên giới đang triển khai ở cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Hữu Nghị của Lạng Sơn gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu.
Để làm rõ hơn vấn đề này, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (BQL) đã có văn bản giải thích rõ về phương án này, đồng thời nêu ra những hiệu quả mà giải pháp này đem lại trong thông quan hàng hóa kể từ khi được áp dụng.
Giải pháp linh hoạt
Hiện nay, phía Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero Covid, trì hoãn mở cửa nền kinh tế với mục tiêu quét sạch các ca nhiễm trong cộng đồng, có sự khác biệt so với chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Việt Nam.
Trong các cuộc hội đàm giữa Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn với cơ quan chức năng Trung Quốc, phía bạn thể hiện quan điểm rất rõ ràng về yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá.
Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng cho biết tình hình dịch bệnh phát sinh của tỉnh Lạng Sơn đã không còn phù hợp với quy định trong việc kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của phía họ.
Vì vậy, nếu không thống nhất được các biện pháp phòng, chống dịch cao hơn trong hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thông quan hàng hoá, trường hợp xấu nhất sẽ phải đóng cửa khẩu, tạm dừng thông quan.
Để đảm bảo duy trì hoạt động thông quan hàng hoá xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh phương thức giao nhận hàng hoá mới tại 2 cặp cửa khẩu theo mô hình không tiếp xúc là cần thiết. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, đây là phương án tối ưu trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Sau rất nhiều nỗ lực trao đổi, đàm phán của tỉnh Lạng Sơn, hai bên đã thống nhất được phương thức giao nhận hàng hóa mới, có thể gọi là “cắt container”.
Tại các cuộc hội đàm giữa Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, các sở, ngành của tỉnh và thị Bằng Tường, phía Trung Quốc đưa ra đề nghị bắt buộc trong việc thực hiện phương thức giao nhận hàng mới tại cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài là toàn bộ xe đầu kéo của Việt Nam và lái xe chuyên trách phải cố định (xe đầu kéo phải cố định và lái xe chuyên trách phải cố định theo xe đầu kéo đó, trường hợp lái xe đầu kéo đó nghỉ thì xe đầu kéo cũng không được sang Trung Quốc), danh sách xe đầu kéo và lái xe chuyên trách phải cung cấp cho phía Trung Quốc để cùng quản lý.
Bên cạnh đó, tổ chức lựa chọn container phải có kích thước cố định, thống nhất, có trọng lượng phù hợp với yêu cầu của Hải quan và Biên phòng Trung Quốc…Ngoài ra các lái xe chuyên trách phải thực hiện quản lý tập trung, khép kín, phải được xét nghiệm Covid-19 định kỳ hàng ngày và cũng phải gửi kết quả cho phía Trung Quốc cùng theo dõi.
Thông quan tốt hơn
Tại cửa khẩu Tân Thanh, khi mới thực hiện (chính thức từ ngày 26/2), các lực lượng chức năng cũng như các doanh nghiệp của hai bên trong công tác phối hợp còn chưa được nhịp nhàng dẫn tới kết quả chưa đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, năng lực thông quan đang dần được cải thiện và bước đầu có một số hiệu quả nhất định.
Theo đại diện Công ty cổ phần vận tải thương mại Bảo Nguyên (Công ty Bảo Nguyên), tính từ 26/2 - 21/3, tổng phương tiện xuất, nhập khẩu đạt 3.273 xe (trong đó 2.028 xe hàng), đặc biệt từ 16/3 đến nay, lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu này thường xuyên đạt trên 70 xe/ngày, cao điểm ngày 21/3 đạt 91 xe.
Theo BQL, đây là dấu hiệu khả quan, cho thấy hiệu quả rõ rệt của phương thức giao nhận hàng hóa mới. Còn ở cửa khẩu Hữu Nghị, hiện tại 2 bên đã cơ bản thống nhất được phương thức giao nhận hàng hóa mới và đang chờ cấp trên phía Trung Quốc phê chuẩn.
BQL đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác chuẩn bị để triển khai phương thức mới này ngay khi nhận được thông tin của phía thị Bằng Tường. Về giá dịch vụ “cắt contaier”, ngày 23/2 Công ty Bảo Nguyên có văn bản gửi Sở Tài chính cho phép Công ty được tạm thu giá dịch vụ lái xe chuyên trách, kết hợp với thuê đầu kéo để kéo hàng hoá xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh với mức giá là 3.850.000 đồng/1 lượt (đã bao gồm thuế GTGT) và thực hiện tạm thu trong 2 ngày là 23/2 và 26/2.
Sau khi có văn bản của Sở Tài chính vào ngày 27/2, Công ty Bảo Nguyên thực hiện thu tiền thuê lái xe chuyên trách, giá thuê đầu kéo hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh với mức giá dịch vụ là: 3.600.000 đồng/1 lượt xe (đã bao gồm thuế GTGT).
Hiện nay, Ban Quản lý đang theo sát việc thực hiện các phương thức thông quan mới này để kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.
Phương án “cắt container” thực hiện thế nào?
Tại khu vực Cửa khẩu Tân Thanh, từ ngày 23/2 đã triển khai thí điểm phương thức thông quan theo mô hình đội xe chuyên trách. Theo đó, lái xe chuyên trách Việt Nam điều khiển đầu kéo cố định kéo container hàng sang địa điểm chỉ định tại bến bãi phía Trung Quốc rồi thực hiện việc “cắt container” để lại bến bãi phía Trung Quốc.
Sau đó, đầu kéo phía Trung Quốc nối container và vận chuyển đi kiểm hoá, giao hàng sau đó kéo container rỗng về địa điểm ban đầu; đầu kéo Việt Nam sau khi cắt container sẽ kéo container hàng hoặc container rỗng về nước.
Trong quá trình lưu thông trên lãnh thổ Trung Quốc lái xe chuyên trách Việt Nam xe niêm phong buồng lái, đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ và đi theo tuyến đường cố định.
Còn ở cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, phương tiện chở hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ dừng đỗ tại khu vực bến bãi cố định gần đường biên giới, thực hiện cắt container, cẩu container để lại bãi chờ. Sau đó lái xe điều khiển đầu kéo rời khỏi bãi, các lực lượng chức năng sẽ ra khỏi bãi, y tế Việt Nam khử khuẩn làm sạch.
Khi đó, Trung Quốc bố trí xe đầu kéo hoặc sơ mi rơ moóc Trung Quốc vào bãi để thực hiện cẩu, nối container. Sau khi hoàn thành lái xe chuyên trách Trung Quốc sẽ kéo xe hàng về phía Trung Quốc giao hàng.
Sau khi hoàn thành việc giao hàng, lái xe chuyên trách Trung Quốc điều khiển phương tiện trả lại container rỗng tại địa điểm chỉ định bên phía Việt Nam.