| Hotline: 0983.970.780

Thí điểm phương án 'cắt container' để giải quyết ùn ứ tại cửa khẩu

Thứ Năm 24/02/2022 , 18:21 (GMT+7)

Cơ quan chức năng Lạng Sơn đang áp dụng nhiều phương án mới nhằm đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa sang Trung Quốc ở các khu vực cửa khẩu.

Phương án 'cắt container' đang được áp dụng thí điểm tại một số cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Phương án "cắt container" đang được áp dụng thí điểm tại một số cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

“Cắt container”

Theo Sở TT-TT Lạng Sơn, từ 14-22/2, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cùng các sở, ngành tổ chức 4 cuộc Hội đàm trực tuyến với Chính phủ nhân dân thị Bằng Tường để thống nhất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu.

Kết quả bước đầu hai bên đã cơ bản thống nhất triển khai thực hiện các phương thức mô hình thông quan mới theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng cửa khẩu và yêu cầu về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, tại khu vực Cửa khẩu Tân Thanh, từ ngày 23/2 đã triển khai thí điểm phương thức thông quan theo mô hình đội xe chuyên trách. Theo đó, lái xe chuyên trách Việt Nam điều khiển đầu kéo cố định kéo container hàng sang địa điểm chỉ định tại bến bãi phía Trung Quốc rồi thực hiện việc “cắt container” để lại bến bãi phía Trung Quốc.

Sau đó, đầu kéo phía Trung Quốc nối container và vận chuyển đi kiểm hoá, giao hàng sau đó kéo container rỗng về địa điểm ban đầu; đầu kéo Việt Nam sau khi cắt container sẽ kéo container hàng hoặc container rỗng về nước.

Trong quá trình lưu thông trên lãnh thổ Trung Quốc lái xe chuyên trách Việt Nam xe niêm phong buồng lái, đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ và đi theo tuyến đường cố định. Dự kiến, mỗi lượt sẽ kéo 30 - 40 container hàng sang Trung Quốc và năng lực thông quan kỳ vọng sẽ đạt 150 - 200 xe/ngày.

Sở TT-TT Lạng Sơn cho biết, trong ngày 23/2 đã thí điểm mô hình này được 10 xe.

Còn ở Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, phía Trung Quốc đề nghị áp dụng phương thức nhận hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc theo mô hình mới.

Cụ thể, phương tiện chở hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ dừng đỗ tại khu vực bến bãi cố định gần đường biên giới, thực hiện cắt container, cẩu container để lại bãi chờ. Sau đó lái xe điều khiển đầu kéo rời khỏi bãi, các lực lượng chức năng sẽ ra khỏi bãi, y tế Việt Nam khử khuẩn làm sạch.

Khi đó, Trung Quốc bố trí xe đầu kéo hoặc sơ mi rơ moóc Trung Quốc vào bãi để thực hiện cẩu, nối container. Sau khi hoàn thành lái xe chuyên trách Trung Quốc sẽ kéo xe hàng về phía Trung Quốc giao hàng.

Sau khi hoàn thành việc giao hàng, lái xe chuyên trách Trung Quốc điều khiển phương tiện trả lại container rỗng tại địa điểm chỉ định bên phía Việt Nam.

Dự kiến, mỗi lượt sẽ kéo 30-40 container hàng sang Trung Quốc; năng lực thông quan kỳ vọng sẽ đạt 120-150 xe/ngày và 2 bên thống nhất sẽ áp dụng mô hình này từ ngày 1/3 tới.

Trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Vy Công Tường cho biết, đây là các phương án mà Lạng Sơn và phía Trung Quốc đã thống nhất nhằm nâng cao năng lực thông quan mà vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh ở khu vực cửa khẩu.

“Nếu phương án này được áp dụng và hoạt động hiệu quả thì khả năng thông quan ở các cửa khẩu sẽ tăng từ vài chục xe mỗi ngày như hiện nay lên đến 150-200 xe/ngày”, ông Vy Công Tường chia sẻ.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cũng cho rằng đây là phương pháp mới, nền cần có sự thống nhất, đồng thuận giữa các doanh nghiệp với các lực lượng chức năng ở cửa khẩu để có thể triển khai thuận lợi.

Dự kiến, sáng 25/2, các lực lượng chức năng ở cửa khẩu của Lạng Sơn sẽ có buổi làm việc với các doanh nghiệp để giúp các bên hiểu rõ hơn nguyên lý hoạt động của phương pháp này.

Nền tảng cửa khẩu số của tỉnh Lạng Sơn đang bước đầu được triển khai. Ảnh: Tùng Đinh.

Nền tảng cửa khẩu số của tỉnh Lạng Sơn đang bước đầu được triển khai. Ảnh: Tùng Đinh.

Cửa khẩu số

Hiện nay, Lạng Sơn đang triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh.

Theo đó, các doanh nghiệp áp dụng tối đa việc thực hiện các quy trình, thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu khai báo trực tuyến dữ liệu hàng hóa, phương tiện vận tải đầu vào.

Trong khi đó, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu chuyển từ việc nhập dữ liệu thủ công, trực tiếp sang kiểm tra, giám sát, xác nhận trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số.

Theo Sở TT-TT Lạng Sơn, trước ngày 21/2 tất cả các xe nhập khẩu và xe xuất khẩu đã hoàn thành khai báo thông tin với các cơ quan, lực lượng chức năng tại cửa khẩu không khai báo trên nền tảng cửa khẩu số.

Từ ngày 22/2, tất cả các xe xuất khẩu chưa khai báo thông tin với các cơ quan chức, lực lượng chức năng tại cửa khẩu, yêu cầu bắt buộc phải khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi vào cửa khẩu.

Cũng từ ngày 22/2, tất cả các xe nhập khẩu chưa khai báo thông tin trên Nền tảng cửa khẩu số vào bãi tạm để khai báo thông tin thủ tục trên Nền tảng cửa khẩu số.

Liên quan vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết do mới thực hiện thí điểm, bước đầu triển khai có gặp một số vướng mắc nhưng các đơn vị chức năng đã trao đổi, tháo gỡ để tiếp tục hoàn thiện.

“Ngày đầu triển khai thí điểm có phát sinh một số tình huống mà trong quá trình xây dựng chưa đề cập đến được”, ông Vy Công Tường thông tin và cho biết thêm trong trường hợp cần thiết sẽ cho hoạt động song song cả nền tảng cửa khẩu số và làm thủ tục theo phương pháp truyền thống.

Theo báo cáo của Sở TT-TT Lạng Sơn, tính đến cuối ngày 23/2, có 1.764 xe đang còn tồn tại các khu vực cửa khẩu của tỉnh, trong đó có 1.243 xe hoa quả và 521 xe hàng khác. Trong đó, tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị tồn 1.004 xe, Cửa khẩu Tân Thanh 741 xe và Cửa khẩu chính Chi Ma là 19 xe.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.