Nếu tính bình quân, thì tuy không phải là một nước có chiến sự, nhưng ngày nào nước ta cũng có một vụ đánh bom liều chết làm 22 người chết và 40 người bị thương, thiệt hại vật chất lên tới hàng chục ngàn tỷ.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 mới đây, bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề xuất và nhấn mạnh, trong năm 2019, cần giảm bớt TNGT bằng những biện pháp cứng rắn, trong đó hai biện pháp chủ yếu là xiết chặt việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và thu hồi bằng lái vĩnh viễn đối với những lái xe gây những vụ tai nạn nghiêm trọng.
Thu hồi vĩnh viễn bằng lái đối với những lái xe gây nên những tai nạn nghiêm trọng? Tuy mới chỉ là đề xuất, nhưng việc này đã gây nên những câu hỏi không dễ trả lời. Thứ nhất, là trong nghị định số 46 của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chỉ cho phép thu hồi bằng lái có thời hạn, nhiều nhất là 6 tháng. Vậy lấy gì làm căn cứ để thu hồi vĩnh viễn. Muốn thực hiện được điều này, phải sửa nghị định.
Thứ hai, việc thu hồi vĩnh viễn bằng lái có đồng nghĩa với việc cấm người bị thu hồi bằng đi học, đi thi lấy bằng khác không? Nếu cấm thì vi hiến. Bởi Hiến pháp năm 2013 quy định: công dân có quyền có việc làm. Còn không cấm thì việc thu hồi bằng vĩnh viễn có cũng như không. Chỉ cần mấy triệu học phí, vài tháng học là lại có một tấm bằng lái xe mới.
Kể cả với những lái xe vi phạm luật lệ giao thông, gây nên những vụ tai nạn làm chết nhiều người, bị xử lý trách nhiệm hình sự, sau khi chấp hành xong hình phạt trở về, được xóa án tích, thì họ có quyền đi học, đi thi lấy bằng lái xe, có được tiếp tục lái xe nữa không ? Bởi một bị án, sau khi đã được xóa án tích, thì theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự, người đó hoàn toàn trong sạch, không bị coi là có tiền án nữa. Và khi đó họ hoàn toàn có quyền đi học, đi thi lấy bằng lái xe, điều mà pháp luật không cấm.
Xem ra, chỉ có biện pháp xiết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe là khả dĩ góp phần giảm bớt TNGT. Bởi hiện tại, tình trạng mua bằng lái xe và học giả bằng thật trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Báo chí đã không ít lần bóc gỡ các đường dây sản xuất bằng lái xe giả. Còn nạn học giả bằng thật, cũng phổ biến không kém gì nạn học giả bằng thật của các ngành khác (kể cả bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ) trong xã hội. Muốn học lái xe, chỉ cần nộp học phí, thêm một khoản tiền nữa để không phải đến lớp. Xong, về tự học qua loa. Đến khi thi, lại nộp thêm tiền “chống trượt” nữa là OK.
Chính những lái xe có bằng bởi hai con đường trên mới chính là những kẻ gây tai nạn giao thông nhiều nhất.