| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt trên 20.000 tỷ đồng

Thứ Ba 11/07/2023 , 13:32 (GMT+7)

Nhiều dự án được giao đất nhưng chậm tiến độ. Việc đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp qua nhiều năm vẫn còn chậm và thiếu đồng bộ...

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Quốc Toản.

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Quốc Toản.

Thu tiền sử dụng đất giảm đến 60%

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Thanh Hóa trong 6 tháng đầu năm 2023 đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ; năng suất lúa vụ chiêm xuân đạt cao nhất từ trước đến nay; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,49%…

Mặc dù đạt được nhiều khả quan trong phát triển kinh tế, xã hội, nhưng 6 tháng đầu năm 2023 nhiều lĩnh vực không đạt theo kế hoạch, giảm so với cùng kỳ năm 2022, như: Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 66 nghìn tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt gần 40% kế hoạch giao.

Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt hơn 11,8 nghìn tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt hơn 8,7 nghìn tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ…

Một số lĩnh vực thu ngân sách giảm mạnh so với cùng kỳ như: Thu tiền sử dụng đất giảm đến 60%; thu thuế bảo vệ môi trường giảm 48%; thu thuế thu nhập cá nhân giảm 31%…

Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi báo cáo trước HĐND tỉnh cũng chỉ ra một số khó khăn địa phương đang gặp phải như, nhiều dự án được giao đất nhưng chậm tiến độ; việc đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp qua nhiều năm vẫn còn chậm và thiếu đồng bộ...

Tại kỳ họp một số đại biểu hội đồng nhân dân chỉ ra sự "xung đột", trong quản trị nhà nước ở địa phương và vấn đề phát triển kinh tế xã hội nói chung, thu hút đầu tư nói riêng. Theo đó, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của Thanh Hóa đứng đầu miền Trung, xếp thứ 8 cả nước, tuy nhiên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn khiêm tốn. 

Số doanh nghiệp đóng cửa nhiều hơn thành lập mới

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa phải gồng mình, đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp phải đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp thành lập và tái gia nhập thị trường.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do, sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp lại phải đóng cửa do vướng quy định về phòng cháy chữa còn nhiều bất cập.

Một số doanh nghiệp đã đáp ứng theo quy định nêu trên nhưng lại gặp sự cố mất điện đột ngột và liên tục trong thời gian qua, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó nguồn tín dụng bị thắt chặt, lãi suất tăng cao, dòng vốn cho sản xuất bị ngưng trệ khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, sản xuất cầm chừng.

“Những khó khăn dồn dập khiến một số doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm việc. Thậm chí có doanh nghiệp chọn phương án “án binh bất động”, chờ cơ hội tái thiết dẫn đến người lao động mất việc làm, giảm nguồn thu ngân sách của tỉnh”, ông Cao Tiến Đoan cho hay.

Cũng theo ông Đoan, thời gian qua xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

“Những rào cản này khiến thủ tục hành chính bị trì trệ, dẫn đến nhiều công trình, dự án bị kéo dài gây thất thoát, lãng phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống người lao động và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa”, ông Đoan thẳng thắn.

Từ thực tế trên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa kiến nghị lãnh đạo tỉnh, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, bãi bỏ quy định không còn phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; có quy định động viên, khích lệ cán bộ có trách nhiệm, dám xả thân, cống hiến; loại bỏ cán bộ có hành vi né tránh đùn đẩy, nhũng nhiễu trong công việc; cắt giảm đầu mối các thủ tục hành chính (một vụ việc chỉ nên giao cho một đơn vị chủ trì phối hợp với các ngành để tổng hợp ý kiến), nhằm rút ngắn thời gian xử lý công việc; các ngân hàng thực hiện khoanh nợ, giãn nợ, giãn thời gian trả lãi đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.