| Hotline: 0983.970.780

Thu nhập cao nhờ chuyển đổi cây trồng

Thứ Năm 14/01/2016 , 06:31 (GMT+7)

Cách đây chưa lâu, xã Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định) còn là địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thế nhưng sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập trên cùng đơn vị diện tích tăng cao...

Đất chuyển mình

Theo ông Đặng Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Cát Hải, ngay sau khi hồ chứa nước Đá Bàn, đập dâng Thanh Hà, tràn xả lũ hồ Tân Thắng được xây dựng nhờ vào nguồn vốn 135, sản xuất nông nghiệp ở Cát Hải đã nhanh chóng chuyển mình. Xác định trong SX nông nghiệp muốn đổi đời phải phá thế độc canh cây lúa.

Ngay sau khi trên địa bàn có các công trình thủy lợi, nông dân Cát Hải đã chuyển toàn bộ diện tích SX 1 vụ lúa/năm sang trồng cây màu, chủ yếu là hành và đậu phộng (lạc), những loại cây trồng phù hợp với đất cát nên cho hiệu quả kinh tế cao.

10-55-13_1
Nông dân xã Cát Hải thu hoạch đậu phộng

Hiện nay, hành và đậu phộng là 2 loại cây làm giàu của nông dân xã Cát Hải. “Để thực hiện chuyển đổi cây trồng, chúng tôi khoanh vùng, bố trí sản xuất luân canh, xen canh cây trồng từ 2 đến 3 vụ trong năm, mở rộng diện tích cây trồng cạn có giá trị thu nhập cao. Ví như cây hành hiện đã trồng được 280 ha, cây đậu phộng 305 ha; cây mè 95 ha.

Khi thực hiện công tác chuyển đổi, cả hệ thống chính trị của xã vào cuộc để chỉ đạo sâu sát, cán bộ khuyến nông xã phải ngày đêm bám sát ruộng đồng để hướng dẫn bà con áp dụng nhiều công thức luân canh cây trồng phù hợp.

Nhờ đó có 348/357 ha canh tác  cho giá trị thu nhập trên 50 triệu đồng/ha. Đặc biệt trong đó có 123 ha cho giá trị thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm. Giá trị thu nhập bình quân 1 ha canh tác là 205,7 triệu đồng”, ông Hà phấn khởi cho biết.

Hướng chuyển đổi hiệu quả

Những hình thức luân canh, xen canh đối với cây hành và cây đậu phộng đã cho thấy hiệu quả như: Hành đông xuân, đậu phộng vụ hè, hành thu đông; hoặc ngược lại. Riêng năm 2015, trong 3 vụ sản xuất ĐX, hè thu và vụ mùa, toàn xã Cát Hải trồng 335 ha đậu phụng, trong đó có 2 cánh đồng mẫu lớn diện tích 70 ha, SX giống đậu L14 và HL25, thu nhập bình quân 84 triệu đồng/ha/vụ; SX 333 ha hành, năng suất hơn 70 tạ/ha/vụ, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 60 triệu đồng/ha/vụ; 122 ha được trồng mè, chủ yếu sản xuất giống mè đen V6, năng suất 8 tạ/ha/vụ, thu nhập 32 triệu đồng/ha/vụ; cây bắp đạt năng suất 55 tạ/ha, thu nhập 33 triệu đồng/ha/vụ.


Bạt ngàn cánh đồng “cây làm giàu” ở Cát Hải

Ông Mai Sào, cán bộ khuyến nông xã Cát Hải, cho biết thêm: Tuy phá thế độc canh cây lúa nhưng Cát Hải vẫn duy trì đất SX lúa. Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng luân canh theo phương thức lúa ĐX - đậu phụng hè - hành vụ mùa; hay lúa ĐX - mè vụ hè - hành vụ mùa, kết hợp ứng dụng tiến bộ KHKT đã đưa năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng; kết hợp nông sản bán được giá nên hầu hết diện tích cho thu nhập từ 162 - 224 triệu đồng/ha/năm. Mặt khác, việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn SX đậu phộng giúp bà con nông dân tiếp cận được tiến bộ KHKT trong đầu tư thâm canh, mang lại hiệu quả tích cực. 

“Trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nông dân được hướng dẫn áp dụng công nghệ cao vào SX, sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị trường tiêu thụ, mỗi loại cây trồng sẽ được gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ để giảm bớt áp lực về đầu ra của sản phẩm”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.

“Đặc biệt, vụ mùa năm 2015 bà con còn trồng xen hành với bắp, hành vừa thu hoạch xong, bắp phát triển lên xanh phục vụ cho chăn nuôi bò”, ông Sào nói.

Bà Nguyễn Thị Sương ở thôn Chánh Oai, xã Cát Hải chia sẻ: “Hầu hết bà con sản xuất lúa là để kiếm gạo ăn quanh năm; còn tiền xây nhà, mua xe máy, sắm sửa vật dụng đắt tiền trong nhà chủ yếu từ các loại cây trồng cạn. Riêng tui trồng 7 sào hành trong vụ mùa này, sản lượng 1,5 tấn, thu về 30 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 20 triệu. Hiện giá hành lá củ cao hơn năm ngoái từ 4.000-6.000 đ/kg; riêng củ hành giống giá tăng cao gần 20.000 đ/kg”.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.