Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh, đặc biệt là các hộ nuôi lồng bè trên biển. Ước tính, tổng thiệt hại lên tới gần 4.000 tỷ đồng, với hàng nghìn cơ sở nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, tổn thất hàng chục nghìn tấn cá và nhuyễn thể các loại.
Gần 5 tháng sau bão, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã có các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX để nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5/9 địa phương gồm TX Quảng Yên, TP Cẩm Phả và 3 huyện ven biển gồm Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà giao khu vực biển cho 470 cá nhân với tổng diện tích gần 300ha. Tạm bàn giao ranh giới khu vực biển để khôi phục sản xuất sau bão cho tổng số 1.208 cá nhân với diện tích gần 8.600ha.
Đây là cơ sở để các hộ nuôi trồng thủy sản yên tâm khôi phục hoạt động sản xuất. Nhờ đó, ngành thủy sản Quảng Ninh đã có sự hồi sinh mạnh mẽ.
Theo ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển, đã tiệm cận với thời điểm trước bão. "Các cơ sở nuôi đã có sự đầu tư bài bản hơn về quy trình nuôi cũng như sử dụng vật liệu bền vững, có sức chống chịu với môi trường, bão gió".
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự nỗ lực của người dân và chính quyền trong công tác khắc phục hậu quả sau bão cũng như hoạt động tái thiết nuôi trồng thủy sản trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra những điểm tỉnh Quảng Ninh cần khắc phục và công tác chuẩn bị cho vụ nuôi trồng năm 2025. Ví dụ như vấn đề về con giống, các cơ chế chính sách hỗ trợ người dân để ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2024.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, Quảng Ninh cần tập trung hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ nuôi, chế biến đến xuất khẩu, vì đây là một trong những địa phương đóng góp rất lớn cho xuất khẩu thủy sản. Cùng với đó, địa phương cần quản lý đội tàu khai thác một cách chặt chẽ, góp phần gỡ "thẻ vàng" IUU trong thời gian sớm nhất.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, trong năm 2025, tỉnh tập trung cấp phép, giao mặt nước nuôi trồng thủy sản. Các sở, ngành tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng quy trình nuôi bền vững, hỗ trợ về giống, công nghệ trong nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh mong muốn thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh để xây dựng các chuỗi liên kết trong nuôi trồng thủy sản, hướng đến xuất khẩu trong thời gian tới.