| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính, buộc tăng cường xuất khẩu chính ngạch

Chủ Nhật 29/05/2022 , 11:52 (GMT+7)

Trung Quốc không còn là một thị trường dễ tính, Việt Nam buộc phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch, nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời câu hỏi của người dân tại Hội nghị. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời câu hỏi của người dân tại Hội nghị. 

Đặt câu hỏi tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 4 sáng 29/5, ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) cho biết thời gian qua, người nông dân Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng, đã được xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên từ năm 2020, các chính sách kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc đã khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn.

Theo đó ông Trần Như Kiên đặt câu hỏi, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có các giải pháp gì để hỗ trợ hoạt động thông quan, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của người dân về vấn đề xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Thủ tướng đã có giao thiệp với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, tiếp xúc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cùng Bộ Công thương có buổi làm việc với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản. Hiện vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các tỉnh biên giới làm việc với tỉnh bạn để giao lưu hàng hoá giữa 2 nước.

“Tuy nhiên, chính sách chống dịch của Trung Quốc và của chúng ta khác nhau, đây là một trong những nguyên nhân khách quan tác động đến việc xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc. Trung Quốc cũng không còn dễ tính như trước đây, họ tăng cường kiểm soát hàng hoá chặt chẽ hơn; quy định của họ cũng ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung Quốc muốn tăng cường xuất nhập khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Do đó, người đứng đầu Chính phủ cho biết, muốn xuất khẩu được hàng hoá thuận lợi sang thị trường Trung Quốc, Việt Nam buộc phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch, tập trung làm thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối doanh nghiệp, người dân để cùng nâng cao giá trị nông sản.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trên thực tế, rất nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng nên còn gặp tình trạng ách tắc.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trên thực tế, rất nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng nên còn gặp tình trạng ách tắc.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, 2 năm qua, Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” nên việc thông quan nông sản gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có trái cây, chưa ký được hiệp định hiệp thư với phía Trung Quốc. Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng nên còn gặp tình trạng ách tắc.

“Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công thương đã duy trì chính sách giao thiệp với Trung Quốc để thống nhất với nhau về cách thông quan hàng hoá. Đồng thời, tiếp cận việc ký Nghị định thư về xuất khẩu nông sản”, Bộ trưởng Diên cho hay.

Trong thời gian tới, để giải quyết việc xuất khẩu nông sản sang chính ngạch Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng điều trước hết cần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, từ tư duy sản xuất tự phát sang sản xuất theo tín hiệu thị trường. Các địa phương cần có chiến lược rõ ràng, quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và có hướng dẫn rất cụ thể về quy trình canh tác, quy trình sản xuất đảm bảo được chất lượng sản phẩm của chúng ta đạt tiêu chuẩn.

“Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta thống nhất với nhau là không nên quá phụ thuộc vào một thị trường nhưng phải khẳng định rằng Trung Quốc là thị trường lớn và phù hợp với nền sản xuất của Việt Nam. Có điều thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước đây”, Bộ trưởng Diên phân tích.

Phía Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt tiêu chuẩn về hàng hoá. Đặc biệt, Trung Quốc đã tham gia hiệp định RCEP với cùng với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN. Theo đó, tư lệnh ngành Công thương đề nghị các địa phương, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất nên sản xuất theo tín hiệu thị trường, sản xuất theo xuất khẩu chính ngạch, sản xuất theo tiêu chuẩn và đáp ứng được tiêu chuẩn.

“Bộ NN-PTNT chỉ muốn nói rằng xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch là cả một quá trình. Chúng ta phải chuẩn bị xây dựng quá trình đó. Chúng ta không chỉ bán ở tiểu ngạch ở cửa khẩu biên giới mà cần phải bán sâu vào nội địa phía Bắc của Trung Quốc thì mới đảm bảo tính an toàn. Thực tế có rất nhiều địa phương đàm phán với các thương nhân Trung Quốc đưa nông sản vào sâu nội địa”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ.

Xem thêm
Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.