| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng trả lời những băn khoăn của bà Thái Hương về nông nghiệp

Chủ Nhật 29/05/2022 , 11:32 (GMT+7)

'Chúng ta có nguồn lực và đã bố trí nguồn lực để làm, không phải tính cua trong lỗ', Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Bà Thái Hương đưa ra câu hỏi tại Hội nghị.

Bà Thái Hương đưa ra câu hỏi tại Hội nghị.

Bày tỏ sự băn khoăn tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 4 sáng 29/5, bà Thái Hương, Nhà sáng lập Tập đoàn TH, cho rằng 4 tháng đầu năm xuất khẩu nông sản đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ 2021, nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

“Không ai giỏi bằng người nông dân khi làm nông nghiệp. Nhưng để nông nghiệp trở thành hàng hoá thì rõ ràng rất cần những chính sách hỗ trợ, tiếp sức từng ngành nghề, từng thời điểm. Tôi nghĩ cùng với nguồn lực về cây ăn trái, chúng ta cần đánh giá lại nguồn lực về nông nghiệp. Để phát huy các nguồn lực này, rất cần chính sách để khích lệ cho khoa học kỹ thuật phát triển, nhất là đề án phát triển thương hiệu nông sản”, bà Thái Hương bày tỏ quan điểm.

Trả lời băn khoăn này của bà Thái Hương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, Chính phủ đã đề xuất và đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Ngay trong thời gian phòng chống dịch vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ như giảm lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước.

“Chính phủ cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…, đặc biệt là hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc để giảm chi phí logistics. Đây là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước ta, chúng ta có nguồn lực và đã bố trí nguồn lực để làm, không phải tính cua trong lỗ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tại khu vực nông thôn.

Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tại khu vực nông thôn.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, xác định lực lượng doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung như:

Trình tự thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp được rà soát, chỉnh sửa rõ ràng, minh bạch và đồng bộ với các Luật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, thực hiện chính sách; đồng thời công tác quản lý nhà nước được triển khai thuận lợi hơn.

Đối tượng hỗ trợ được điều chỉnh phù hợp với đối tượng đầu tư vào nông nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Tập trung vào hỗ trợ chủ yếu ngành chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn thị trường và vùng nguyên liệu nhằm phát triển nông nghiệp hiệu quả cao với mức hỗ trợ tối đa 15 tỷ đồng/dự án chế biến, bảo quản nông sản; xác định đây là một nút thắt quan trọng để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…

Nội dung hỗ trợ chủ yếu vào đầu tư kết cấu hạ tầng của dự án với các hạng mục chính là giao thông, điện, cấp thoát nước, nhà xưởng và xử lý chất thải, nhằm đảm bảo thuận lợi trong thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả.

Bổ sung quy định đối với trường hợp địa phương không cân đối được nguồn vốn hỗ trợ thì các Bộ sẽ tham gia thực hiện hỗ trợ, tạo thêm nguồn lực, điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, giảm gánh nặng chi ngân sách cho các địa phương.

Để hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả, bền vững, an toàn; bên cạnh thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp về giống, vật tư, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm nguồn cung vật tư nông nghiệp và đầu vào thiết yếu phục vụ sản xuất; hỗ trợ gián tiếp thực hiện thông qua các chính sách về đầu tư, đất đai, tài chính, bảo hiểm nông nghiệp, tín dụng ưu đãi, phát triển thị trường, khuyến khích đổi mới sáng tạo; ưu đãi thuế cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp...

Xem thêm
Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.