Ngày 8/11, Quốc hội họp phiên cuối cùng và bế mạc Phiên họp Chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.
Tiếp tục phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, sau khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo thêm, giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Lâm Thành liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, Thủ tướng khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng, để phân định rõ hơn trách nhiệm của các cấp, phát huy tính năng động, sáng tạo chủ động của các cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đáp ứng yều và mong muốn của cử tri và nhân dân.
Nguyên nhân là chưa thực hiện triệt để, nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp phân quyền; năng lực cán bộ còn hạn chế, bất cập, nhất là việc lớn, việc mới còn khó khăn; việc đáp ứng yêu cầu của người dân liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên công tác này chưa đạt yêu cầu đề ra.
Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo, phân cấp phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.
Nêu lại câu hỏi chất vấn Thủ tướng của đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ này, Chính phủ trình thực hiện thí điểm nhiều và có thể dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách hoặc cơ chế xin cho. Quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Vừa qua chúng ta trình cơ chế đặc thù cho một số địa phương, một số ngành. Đây là yêu cầu khách quan của thực tiễn trong bối cảnh nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, tình hình thế giới và thực tiễn trong nước thay đổi rất nhanh, có văn bản, quy định theo kịp tình hình, sạt thực tế, có văn bản, quy định thì chưa, trong khi quy trình xây dựng quy định qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian và công sức.
Thủ tướng khẳng định việc này có cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.
Về cơ sở chính trị, Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII và Nghị quyết 19 của Trung ương khóa XIII đều có tinh thần: Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện và có thể luật hóa; những vấn đề chưa rõ, chưa chín, có quy định luật pháp nhưng không còn phù hợp hoặc chưa có quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Về cơ sở pháp lý, Luật Ban hành quy phạm pháp luật cho phép việc này tại điểm a, khoản 2 điều 15. Về cơ sở thực tiễn, vừa qua chúng ta đã ban hành một số nghị quyết, như Nghị quyết 30 của Quốc hội được ban hành rất kịp thời hay một số nghị quyết thí điểm cho một số địa phương và đang thực hiện có hiệu quả.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng cần điều chỉnh cho phù hợp thực tế; sắp tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, tiếp tục lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, các cơ quan liên quan, các đại biểu Quốc hội và người dân để điều chỉnh phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật phải bao trùm, xuyên suốt và thống nhất.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh đặt vấn đề, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã yêu cầu Chính phủ thể chế hóa, nhưng sau 15 năm vẫn chưa triển khai. Thủ tướng nêu rõ: Chúng tôi nhận khuyết điểm về việc này, phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng phải vào cuộc, chỉ đạo, cùng các Bộ tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Kim Nhung tranh luận liên quan tới việc đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính gây phiền hà, tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Theo Thủ tướng, thủ tục hành chính rườm rà là một nguyên nhân gây tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, cùng với đó là thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Do đó, cùng với tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, cần bảo đảm lợi ích tinh thần và vật chất phù hợp cho cán bộ, công chức để làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành tiếp tục rà soát lại các thủ tục để cắt giảm, đơn giản hóa, đề nghị các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục vào cuộc, đặc biệt là lãnh đạo các cấp ủy huy động hệ thống chính trị vào cuộc để thúc đẩy, giám sát và động viên, xác định nhiệm vụ cơ bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
“Căn cơ vẫn là các giải pháp liên quan tới tăng cường ý thức, trách nhiệm, năng lực cán bộ và chế tài xử lý các vi phạm. Chúng ta đã có các chủ trương, đường lối của Đảng, cần cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và các cán bộ, công chức, thực hiện nhiệm vụ theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật”, Thủ tướng khẳng định.
Cần cơ chế đặt hàng của các cơ quan, của xã hội dành cho báo chí
Trả lời câu hỏi của đại biểu về cơ chế đặt hàng báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trước đây nguồn thu của báo chí gần như 100% dựa vào quảng cáo, không quan tâm nhiều đến chuyện đặt hàng. Đến khi truyền thông xã hội, mạng xã hội bùng nổ đã lấy mất 70% nguồn thu từ quảng cáo của báo chí. Lúc đó các cơ quan báo chí mới thấy vấn đề đặt hàng quan trọng, tuy nhiên khi bắt tay triển khai lại gặp khó do liên quan đến 3 Thông tư của Bộ Thông tin - Truyền thông đã ban hành trước đó, liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật như đại biểu đã nêu.
“Chúng tôi đã nhận ra vấn đề và nhận trách nhiệm về việc đã ban hành những Thông tư khi đưa vào thực tế khó thực hiện. Đích thân tôi đã nhiều lần làm việc với các cơ quan báo chí, các đơn vị của Bộ và đã có hướng giải quyết, xử lý theo hướng Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ sửa 3 Thông tư nêu trên, ban hành hướng dẫn để các cơ quan báo chí chủ động thực hiện xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật. Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi các nội dung liên quan đến Nghị định 60 để đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Về việc sửa 3 Nghị định của Bộ Thông tin - Truyền thông thì trong quý I/2024 chúng tôi sẽ xong”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Về giải pháp căn cơ, lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của cơ quan báo chí thay vì dựa vào quảng cáo thì thêm nguồn thu từ cơ chế đặt hàng, của các cơ quan, của xã hội. Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, cho nên cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động.
Thứ hai là tăng cường phát triển sản phẩm báo chí chất lượng cao có thu phí, đây là xu hướng lớn của thế giới.
Thứ ba, mạng xã hội thu đến 70% quảng cáo nhưng lại sử dụng nhiều sản phẩm báo chí, vi phạm bản quyền báo chí, cho nên trong sửa đổi thể chế sắp tới, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ quy định mạng xã hội khi sử dụng sản phẩm báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí.
Trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Còn các đại biểu chưa được chất vấn và tranh luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành để được trả lời trực tiếp bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội cho biết: Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Với phạm vi chất vấn rất rộng, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.