Thời gian gần đây, báo chí phản ánh hoạt động xuất khẩu một số dược liệu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Ngoài nguyên nhân do thị trường khó khăn, giá giảm, còn có nguyên nhân vướng mắc trong thực hiện một số quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 04/3/2021.
Để tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất, nhập khẩu dược liệu; bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định. Việc sửa đổi các quy định cho hoạt động này hoàn thành trước ngày 25/4/2024.
Trước đó, ngày 1/2, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) đã có văn bản kiến nghị các Bộ Y tế, Công thương, NN-PTNT; Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền về việc kiến nghị tháo gỡ vướng mắc xuất khẩu tinh dầu quế.
Theo VPSA, thời gian qua một số doanh nghiệp phản ánh gặp phải khó khăn trong quá trình xuất khẩu tinh dầu chiết xuất từ gia vị, đặc biệt là tinh dầu quế theo quy định Thông tư 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế ban hành Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Việc tất cả các loại tinh dầu đều phải áp dụng quy định về kinh doanh dược liệu sẽ gây rất nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện sản xuất, sản phẩm và thị trường tiêu thụ cũng như năng lực chế biến quy mô nhỏ lẻ của ngành chế biến tinh dầu quế Việt Nam hiện nay. Do đó, làm phát sinh nhiều chi phí, đòi hỏi thêm các giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong khi đây là các sản phẩm nông nghiệp có biên lợi nhuận không cao.
Sản phẩm tinh dầu quế yêu cầu công nghệ chế biến và tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, là sản phẩm tận thu của cây quế (cành lá khi cắt tỉa có tỷ lệ sản xuất cao, 150 tấn lá cành cho ra 1 tấn tinh dầu) và không sử dụng làm thuốc mà chỉ được xuất khẩu làm nguyên liệu cho thực phẩm, đồ uống theo yêu cầu thị trường nhập khẩu.
Ngày 4/3/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BYT về việc bãi bỏ một phần quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT, các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Theo đó, bãi bỏ một số danh mục hàng hóa như cam, gừng, chanh, húng quế, quế chi, quế vỏ nhưng lại không bãi bỏ các loại tinh dầu tương ứng. Như vậy, vô hình trung chúng ta chỉ chú trọng xuất khẩu thô mà không khuyến khích sản xuất chế biến, làm gia tăng giá trị hàng hóa trước khi xuất khẩu, sử dụng 100% giá trị sản phẩm cây quế. Trước việc vướng các quy định liên quan đến xuất khẩu nêu trên, ngày 2/4, VPSA đã có kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ.