| Hotline: 0983.970.780

Phục hồi cây khôi nhung ở huyện Vân Hồ

Thứ Sáu 15/12/2023 , 17:22 (GMT+7)

SƠN LA Là loài cây bản địa, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nhưng loài cây dược liệu này nhiều năm qua bị người dân khai thác tận diệt nên số lượng giảm mạnh.

Khôi nhung nằm trong danh mục 100 loài cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao. Theo đông y, lá khôi nhung có tác dụng chữa bệnh viêm dạ dày, đồng thời còn cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe như hỗ trợ làm lành vết thương, thanh nhiệt, giải độc và hỗ trợ tiêu hóa.

Tại Việt Nam, cây khôi nhung mọc dại và phân bố chủ yếu ở các khu rừng miền thượng du các tỉnh như Sơn La, Quảng Ninh, Ninh Bình, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc...

Ông Đinh Văn Chiến, Trưởng bản Suối Sấu (xã Song Khủa, huyện Vân Hồ). Ảnh: Hoàng Hiệp.

Ông Đinh Văn Chiến, Trưởng bản Suối Sấu (xã Song Khủa, huyện Vân Hồ). Ảnh: Hoàng Hiệp.

Khan hiếm vì khai thác tận diệt

Vài năm trước, do khai thác không có kế hoạch, người dân huyện Vân Hồ (Sơn La) đã đổ xô đi “săn” cây khôi nhung, dẫn đến số lượng cây giảm mạnh.

Thường từ tháng 8 tới tháng 10 là giai đoạn cây khôi nhung tự nhiên phát triển tốt, các thương lái sẽ xuất hiện và tiến hành thu mua với giá cao, dao động từ 120.000 - 150.000đ/kg lá khôi nhung.

Ông Đinh Văn Chiến, Trưởng bản Suối Sấu (xã Song Khủa, huyện Vân Hồ) chia sẻ: “Bà con cũng không biết lá cây khôi nhung được sử dụng với mục đích gì và việc khai thác bừa bãi sẽ gây hậu quả nghiêm trọng với hệ sinh thái rừng, chỉ biết có người thu mua là vào rừng tìm kiếm. Người dân địa phương đã khai thác cây khôi nhung từ mấy năm qua. Trước không có ai mua cây khôi nhung mọc rất nhiều, giờ muốn khai thác phải vào sâu hơn”.

Thu nhập người dân không ổn định, cộng thêm việc chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của cây dược liệu, cũng như không có kế hoạch khai thác hợp lý khiến cây khôi nhung ngày càng trở nên khan hiếm và dần biến mất trên khắp những cánh rừng Vân Hồ.

Khi số lượng lá cây khôi nhung không còn đủ để cung cấp, các thương lái tiếp tục chèo kéo người dân đào gốc, bới rễ mà không cần phân biệt cây non hay cây trưởng thành. 

Người dân chăm sóc cây khôi nhung. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Người dân chăm sóc cây khôi nhung. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Phục hồi cây khôi nhung trên những cánh rừng Vân Hồ

Nhận thấy vấn đề trên, Công ty Cổ phần Dược liệu VietRAP Sơn La đã trồng thí điểm loài cây này ở huyện Vân Hồ. Ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc quản lý vùng nguyên liệu của Công ty chia sẻ: “Vân Hồ có khí hậu mát mẻ, có điều kiện tự nhiên phù hợp cho sự phát triển của cây khôi nhung. Cùng với đó, địa hình đồi núi hình thành nhiều vùng tiềm năng sản xuất cây dược liệu”. 

Trong giai đoạn thí điểm, Công ty hỗ trợ cung cấp giống cây, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, theo dõi và hướng dẫn cho bà con nông dân phòng trừ sâu bệnh, đồng thời cam kết bao tiêu sản phẩm. 

Về dài hạn, cây khôi nhung sẽ được trồng thí điểm trên diện tích 10ha ở địa bàn bản Suối Sấu (xã Song Khủa, huyện Vân Hồ). Sau đó, các bên liên quan sẽ cùng mở rộng quy mô ra 30ha trên toàn huyện Vân Hồ, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Là một trong những hộ đi đầu trong công tác phục hồi cây khôi nhung, ông Đinh Văn Chiến, Trưởng bản Suối Sấu cho biết: “Trước đây, bà con thường trồng cây ăn quả, cây ngô nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập lại bấp bênh. Việc trồng cây chủ yếu mang tính tự phát, sản xuất bằng kinh nghiệm dẫn đến năng suất, chất lượng thấp, chưa theo kịp nhu cầu thị trường.

Cây khôi nhung cao 30cm sau một thời gian chăm sóc. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Cây khôi nhung cao 30cm sau một thời gian chăm sóc. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Sau khi tìm hiểu và được Công ty Cổ phần Dược liệu VietRAP Sơn La vận động, tôi đã tiến hành trồng 10.000 cây khôi nhung trên diện tích 5.000m2. Hiện tại, cây đang trong giai đoạn phát triển tốt, có cây đã cao 30cm.

Là trưởng bản, tôi thấy mình có trách nhiệm phải tiên phong chuyển đổi cây trồng. Để cây khôi nhung sớm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch phát triển bền vững loài cây dược liệu này".

Cây khôi nhung khi trưởng thành cao trung bình từ 1,5 - 2m. Cây mọc thẳng đứng, thân cây bên ngoài màu xanh, bên trong rỗng xốp, cực ít hoặc không phân nhánh.

Loài cây dược liệu này có thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch ngắn, ít tốn công chăm sóc và cho thu hoạch nhiều lần trong năm. Thông thường, khôi nhung trưởng thành và đến kỳ thu hoạch sau 3 tới 4 tháng trồng.

Người dân sẽ chọn những lá già, lành lặn, to khỏe phía dưới ngọn cây, hái bằng tay hoặc dùng kéo cắt sát cuống lá, để lại các lá non phía trên. Lá khôi nhung được thu hoạch vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Sau khi thu hái, lá được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Xem thêm
Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.