| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn triển khai dự án 225ha cây dược liệu tập trung gắn với chế biến

Thứ Tư 10/04/2024 , 16:19 (GMT+7)

BẮC KẠN Tỉnh Bắc Kạn thực hiện dự án trồng cây dược liệu quý theo chuỗi liên kết khép kín từ trồng, chế biến, sản phẩm đủ chất lượng hướng đến xuất khẩu.

Đến thôn Nà Săm, xã Thượng Giáo (huyện Ba Bể) những ngày này, trên cánh đồng không khí bà con làm việc tấp nập. Thôn có 3,5ha ruộng bậc thang, trước đây người dân chủ yếu trồng ngô, hiệu quả kinh tế thấp, nay toàn bộ đã chuyển sang trồng cây dược liệu.

Gia đình bà Sằm Thị Lịch có 1.300m2 ruộng, trước đây trồng ngô, nhưng do thường xuyên thiếu nước nên thu nhập chả đáng là bao. Được xã, thôn tuyên truyền, bà Lịch quyết định chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cây cà gai leo.  

Bà Sằm Thị Lịch chăm sóc diện tích trồng cây cà gai leo của gia đình. Ảnh: Đình Hợi. 

Bà Sằm Thị Lịch chăm sóc diện tích trồng cây cà gai leo của gia đình. Ảnh: Đình Hợi. 

Bà Lịch cho biết, bước đầu thấy trồng cây cà gai leo cũng không quá khó, gia đình thực hiện đúng hướng dẫn kỹ thuật nên sau khi trồng 3 tháng cây phát triển tốt.

Không xa ruộng của bà Lịch, dù trời nắng chang chang nhưng anh Đàm Văn Khanh vẫn miệt mài tưới những luống cà gai leo mới trồng. Gia đình bà Lịch có 5 nhân khẩu, trước đây thu nhập chủ yếu từ trồng ngô, lúa, đời sống bấp bênh. 

“Khi có dự án trồng cà gai lai về thôn, được đầu tư cây giống, được doanh nghiệp chuyển giao kỹ thuật nên gia đình mạnh dạn trồng 2.000m2 cây cà gai leo. Thấy mô hình trồng dược liệu ở nhiều nơi có hiệu quả, đồng đất lại phù hợp nên gia đình tôi tham gia, hi vọng sẽ có thu nhập cao hơn trồng ngô”, anh Khanh chia sẻ.

Ông Triệu Văn Thiên, Bí thư chi bộ thôn Nà Săm cho biết, thôn có 22 hộ tham gia dự án trồng cây cà gai leo. Đồng đất của thôn thường xuyên bị hạn nên bà con kỳ vọng cây cà gai leo sẽ mở ra hướng đi mới để phát triển kinh tế.

Tỉnh Bắc Kạn có khoảng 20 loài cây dược liệu quý, hiếm. Thời gian gần đây, một số dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu triển khai trên địa bàn tỉnh cho kết quả khả quan.

Phát huy lợi thế này, năm 2024, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Ba Bể.

Dự án gồm các hạng mục: Nhà máy chế biến dược liệu tại xã Chu Hương (huyện Ba Bể); xây dựng vùng nguyên liệu tại 8 xã (Đồng Phúc, Hoàng Trĩ, Quảng Khê, Mỹ Phương, Yến Dương, Thượng Giáo, Cao Thượng, Chu Hương). Tổng quy mô dự án là 225ha.

Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn vay tín dụng chính sách của trung ương và địa phương, vốn xã hội hóa và nguồn lực hợp pháp khác. Tổng mức đầu tư dự án từ nay đến năm 2025 là 229 tỷ đồng.

Hiện cây cà gai leo trong dự án đang phát triển tốt. Ảnh: Đình Hợi.

Hiện cây cà gai leo trong dự án đang phát triển tốt. Ảnh: Đình Hợi.

Trong tổng số 225ha, dự án sẽ xây dựng 70ha vùng trồng dược liệu tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hơn 150ha khác đạt chuẩn GACP-WHO.

Mục tiêu quan trọng của dự án là nhằm hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu trên cơ sở liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học.

Ngoài ra, dự án còn hướng tới xây dựng 10 hợp tác xã sản xuất và sơ chế dược liệu, hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết với 1.000 hộ (ít nhất 80% là đồng bào dân tộc thiểu số). Dự án nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết, qua đó giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dự án từ 3 - 5%/năm.

Ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, dự án phát triển trồng dược liệu quý tại huyện Ba Bể là mô hình liên kết chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và đơn vị thực hiện. Dự án sẽ xây dựng nhà máy, mục tiêu chế biến tại chỗ, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Quy trình khép kín từ trồng đến chế biến tại chỗ cũng sẽ giúp người dân không phải phụ thuộc vào tư thương.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.