| Hotline: 0983.970.780

Gỡ vướng cho xuất khẩu tinh dầu quế

Thứ Tư 31/01/2024 , 06:00 (GMT+7)

Một lượng lớn tinh dầu quế với giá trị cao đang bị ách tắc về xuất khẩu do vướng các thủ tục liên quan đến xuất khẩu dược liệu.

 

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), thông tin từ một số doanh nghiệp trong ngành gia vị, cho hay, khi xuất nhập khẩu sản phẩm tinh dầu gia vị (tinh dầu quế …), các doanh nghiệp này đang gặp khó khăn và vướng mắc với Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế ban hành Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu, được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Do tinh dầu quế nằm trong Danh mục nói trên, nên khi thực hiện xuất khẩu sản phẩm này, các doanh nghiệp phải làm thủ tục xuất nhập khẩu tương tự các loại dược liệu.

Cụ thể, theo Thông tư số 03/2016/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 21/1/2016 quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu, thì các cơ sở xuất khẩu dược liệu phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc có phạm vi kinh doanh dược liệu. Mà để cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc có phạm vi kinh doanh dược liệu, yêu cầu bắt buộc là người quản lý chuyên môn của cơ sở phải có chứng chỉ hành nghề dược theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 79/2006/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 9/8/2006.

Để đạt được những thủ tục nói trên, với các cơ sở chỉ chuyên sản xuất tinh dầu quế, không phải là điều dễ dàng. Trong khi đó, trên thế giới, tinh dầu quế không chỉ được sử dụng trong sản xuất dược phẩm mà còn được sử dụng phổ biến trong công nghiệp thực phẩm và đồ uống.

Do những khó khăn, vướng mắc về thủ tục, một lượng lớn tinh dầu quế hiện đang bị tồn đọng ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho biết, hiện ở Lào Cai đang tồn hơn 200 tấn tinh dầu quế, Yên Bái tồn gần 100 tấn. Với giá hiện nay khoảng 370 triệu đồng/tấn, thì giá trị của lượng tinh dầu quế đang bị tồn ở Lào Cai và Yên Bái là khá lớn.

VPSA đang thu thập thông tin để báo cáo Bộ NN-PTNT và đề nghị Bộ có ý kiến với Bộ Y tế về giải pháp để gỡ vướng cho xuất khẩu tinh dầu quế. Theo đó, nếu như Bộ Y tế chưa thể sửa ngay Thông tư 48/2018/TT-BYT, thì Bộ NN-PTNT có thể đề nghị Bộ Y tế cho phép doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế để sử dụng trong công nghiệp thực phẩm, đồ uống, có thể tự kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo VPSA, thông tin từ Bộ NN-PTNT cho thấy, năm 2018, giá quế ở mức cao nên nông dân bắt đầu mở rộng trồng quế, vì vậy, diện tích quế Việt Nam đang tăng lên và đến năm 2023 ước đạt 180 ngàn ha. Sản lượng quế năm 2023 khoảng 70 nghìn tấn. Trong năm qua, Việt Nam xuất khẩu được 89 nghìn tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 260,9 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và nhưng giảm 10,7% về giá trị so với năm 2022.

Ngoài vỏ quế, nhiều cơ sở đang sản xuất tinh dầu quế từ quế vụn, quế cành và lá quế để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sản lượng tinh dầu quế mỗi năm ở Yên Bái hiện khoảng 600 tấn, ở Lào Cai khoảng 450 tấn/năm. Tinh dầu quế Việt Nam hiện được xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ …

Xem thêm
Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý nhiều hướng phát triển cho Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong đó nhấn mạnh chất lượng và thị trường.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bảo Châu Phú Yên phát triển xanh và bền vững

PHÚ YÊN Công ty TNHH Bảo Châu Phú Yên hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp từ trồng, khai thác rừng đến chế biến lâm sản xuất khẩu luôn chú trọng phát triển xanh, bền vững.