| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc mở cửa thị trường: Tin mừng song hành thách thức

Thứ Sáu 10/02/2023 , 08:07 (GMT+7)

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng việc Trung Quốc mở cửa thị trường từ ngày 8/1 vừa qua là tin mừng đối với doanh nghiệp hai nước song cũng là thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Hình ảnh điểm cầu chính tại Bộ NN-PTNT.

Hình ảnh điểm cầu chính tại Bộ NN-PTNT.

Để thúc đẩy việc xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Vân Nam (Trung Quốc), Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) tổ chức diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)”.

Sự kiện bắt đầu từ 8h00 ngày 10/2, với 3 điểm cầu chính tại Bộ NN-PTNT, Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam và UBND tỉnh Lào Cai.

Diễn đàn dự kiến sẽ có tham luận về tổng quan thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và tỉnh Vân Nam trong năm 2023 và các năm tới (Vụ Á - Phi, Bộ Công Thương).

Tổng quan thương mại nông, lâm, thủy sản với Trung Quốc và Vân Nam (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT).

Tổng quan thương mại, xuất nhập khẩu sản phẩm thực vật và sản phẩm thực phẩm nguồn gốc thực vật Việt Nam - Trung Quốc và Vân Nam với Việt Nam (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT).

Thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Hải quan tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Cùng với đó là các ý kiến thảo luận của phía Trung Quốc và Việt Nam về nhu cầu giao thương, xuất nhập khẩu rau quả, nông sản, thực phẩm giữa hai nước… của các địa phương, doanh nghiệp, HTX…; các Cục, Vụ của Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương; UBND tỉnh Lào Cai, các sở ngành, Ban Quản lý cửa khẩu tỉnh Lào Cai; Hải quan Vân Nam (Trung Quốc)…

Zoom cuộc họp: https://zoom.us/j/91717702505?pwd=Q096ZW52cFM2NDB4MTJmMDJwaS95Zz09

ID cuộc họp: 917 1770 2505

Mật mã: 202312

Tất cảTổng thuật

11 giờ 45 phút

Trung Quốc mở cửa thị trường: Tin mừng song hành thách thức

z4097749865920_b43d4db9912afbe7d48547630225d7cc

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu kết luận diễn đàn.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá: “Diễn đàn cho thấy sự cần thiết và nhu cầu thiết yếu của các doanh nghiệp trong việc nắm thông tin về xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai sang thị trường Vân Nam (Trung Quốc)”. Đây là cầu nối cần thiết, được duy trì để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng cho rằng việc Trung Quốc mở cửa thị trường từ ngày 8/1 vừa qua là tin mừng đối với doanh nghiệp hai nước song cũng là thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng nâng cao, đặc biệt là yêu cầu từ Lệnh 248, 249, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật; kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu; phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu phía bạn.

Về thực hiện liên kết, các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ các đơn vị như Ban Quản lý Cửa khẩu để nắm bắt thông tin về tiến độ thông quan, tránh ùn tắc, đảm bảo chất lượng hàng nông sản, thời gian thông quan và chi phí vận tải.

Về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Cục Chăn nuôi sớm trình Thông tư hướng dẫn về xác định mã số nhà nuôi yến, hang nuôi yến, để sớm hoàn tất các thủ tục.

Về chuẩn bị cho xuất khẩu ớt, khoai lang, chanh leo, các tỉnh có nhiều sản phẩm này cần rà soát cơ sở đóng gói, vùng nguyên liệu để đăng ký; các tỉnh muốn tổ chức lễ xuất hàng lô đầu tiên cần đề nghị sớm với Bộ.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT thông tin, hiện nay có 16 mặt hàng thực vật đang xuất khẩu sang Trung Quốc là chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo. Trong đó, khoảng 7 sản phẩm đã có Nghị định thư và Bộ đang hoàn thiện chuẩn hóa các Nghị định thư cho khoai lang, ớt.

Hiện nay, Bộ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía bạn để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả, đẩy mạnh đàm phán. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phối hợp về cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng.

Bộ chỉ đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường liên hệ Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc để thảo luận nội dung; cử đoàn sang tỉnh Vân Nam đẩy mạnh xúc tiến nông sản vào thị trường này, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản.

11 giờ 25 phút

Bạn hàng Trung Quốc mong chờ sản phẩm tổ yến Việt Nam

to yen

Dây chuyền sản xuất yến tinh chế. Ảnh: TTXVN.

Chia sẻ thông tin tại Diễn đàn, ông Trần Phương Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển tổ yến Việt Nam, cho biết, phía khách hàng Trung Quốc đặc biệt đánh giá cao sản phẩm tổ yến Việt Nam.

“Ngay khi có thông tin tổ yến Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các đối tác nước bạn liên tục đề nghị cung cấp hồ sơ để hỗ trợ. Phía bạn rất mong chờ được nhập khẩu sản phẩm tổ yến theo con đường chính ngạch”, ông Trần Phương Tuấn cho hay.

Chính vì vậy, doanh nghiệp đã kiến nghị các cơ quan quản lý của Bộ NN-PTNT đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ và bày tỏ mong muốn Văn phòng SPS Việt Nam hướng dẫn đăng kí doanh nghiệp xuất khẩu yến trên hệ thống đăng kí của Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo Lệnh 248 và hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm theo Lệnh 249.

Đại diện doanh nghiệp cũng đề nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y hướng dẫn thủ tục hồ sơ đăng kí nhà yến và xưởng sơ chế yến.

Trả lời những đề xuất từ phía doanh nghiệp, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay, Cục đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là hướng dẫn cấp mã số cho các nhà yến cũng như các hang yến để thực hiện kiểm soát theo đúng yêu cầu của Trung Quốc và sẽ trình Bộ ban hành trong tuần tới.

Ông Tống Xuân Chinh lưu ý thêm, các cơ sở nuôi yến cần đăng kí theo quy định; các cơ sở xuất khẩu yến phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi chim yến theo quy định; các sản phẩm tổ yến phải đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch, điều kiện chăn nuôi.

“Khi các cơ sở đã đáp ứng được yêu cầu sẽ cần đăng kí trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Chăn nuôi. Dựa theo hồ sơ và tài liệu, Cục sẽ xem xét cấp mã số cho các nhà yến và các cơ sở đăng kí xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc. Những mã số này là cơ sở làm hồ sơ để trình Tổng cục Hải quan Trung Quốc”, đại diện Cục Chăn nuôi cho hay.

11 giờ 15 phút

Vì sao nhiều doanh nghiệp khó đăng ký xuất khẩu gạo sang Trung Quốc?

ong huynh tan dat

Trước việc nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn trong quá trình đăng ký xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc, ông Huỳnh Tấn Đạt (ảnh) – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Với gạo và cám gạo thì hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư chính thức để xuất khẩu chính ngạch với hai sản phẩm này từ năm 2016. Và trong phụ lục các doanh nghiệp được phép xuất khẩu thì có 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu chính thức.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian vừa qua, do sự thay đổi các điều kiện về an toàn thực phẩm cũng như đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh 248, 249, hiện nay Cục Bảo vệ thực vật đã có hướng dẫn cho các doanh nghiệp để đăng ký theo các bước, trên cơ sở đó chúng ta sẽ nộp hồ sơ để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, phê duyệt.

Trong thời gian qua, rất nhiều loại hồ sơ, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đang được phía bạn nỗ lực để phê duyệt. Cục Bảo vệ thực vật cũng đang phối hợp với Văn phòng SPS để thống kê, tổng kết các số liệu các doanh nghiệp có hồ sơ mà Bộ NN-PTNT đã gửi cho phía Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy họ phê duyệt các hồ sơ này.

Để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định, chứng minh đầy đủ thành phần hồ sơ liên quan đến công đoạn sản xuất ngoài đồng ruộng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm HACCP.

Do vậy, trong quá trình thực hiện chúng ta cần phải hoàn thiện hết các hồ sơ này cũng như gửi cho Cục để Cục tiếp tục giới thiệu sang phía bạn.

"Theo thông lệ, từ 2-3 tháng/lần, tùy từng nhóm mặt hàng, chúng tôi sẽ gửi các danh sách này cho phía bạn", ông Đạt nói.

Cục Bảo vệ thực vật cũng đã báo cáo lãnh đạo Bộ trong thời gian tới sẽ chủ động hơn nữa để phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để tiếp tục đầu mối tiếp nhận, xử lý nhanh chóng và hiệu quả các hồ sơ chúng ta đã phê duyệt.

11 giờ 05 phút

Nghịch lý nhập khẩu dược liệu tại Việt Nam

duoc lieu

Dược liệu Việt Nam có nhiều lợi thế (Ảnh minh họa).

Ông Phan Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty KFIVE PHARMA cho biết, dược liệu Việt Nam có nhiều lợi thế. Hiện Việt Nam có 8 vùng dược liệu được quy hoạch, hơn 5.000 loài được ứng dụng làm thuốc, trong đó có hơn 100 loài dược liệu quý.

Theo ông Dũng, nguồn lực và diện tích là thế mạnh lớn của Việt Nam và thời gian gần đây cũng ghi nhận nhiều tập đoàn trong cũng như ngoài nước chuyển hướng sang đầu tư về dược liệu.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng chỉ ra một số tồn tại, “nghịch lý” cho thấy nhu cầu của Việt Nam lớn nhưng có đến 80% dược liệu phải nhập khẩu. Một số nhập khẩu tiểu ngạch, không đảm bảo nguồn gốc, phần lớn bị hư hỏng, gây ảnh hưởng cho quá trình sản xuất; giá thành dược liệu nước ngoài rẻ hơn trong nước, việc khai thác không đi đôi với bảo tồn phát triển gây nguy cơ tuyệt chủng; vấn đề trồng dược liệu mang tính quảng canh, tự phát, không mang lại lợi ích lớn trong quá trình thu hoạch, phần lớn giống dược liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Ông Dũng đề xuất Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu phát triển lĩnh vực dược liệu; vào cuộc phát triển các vùng trồng lớn, chuyên canh đạt tiêu chuẩn thực hành - thu hái - trồng trọt (GICP) của WHO, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư tín dụng, vay vốn, hỗ trợ giống, kỹ thuật cho các vùng trồng.

11 giờ 00 phút

Doanh nghiệp Lào Cai kiến nghị kéo dài thời gian thông quan đến 22h

“Doanh nghiệp nông sản nếu phải dừng quá lâu ở cửa khẩu sẽ bị thiệt hại do khâu bảo quản. Các doanh nghiệp Trung Quốc khi xuất khẩu sang Việt Nam được tạo điều kiện tối đa để thông quan nhanh nhất, an toàn nhất. Tôi hy vọng phía Vân Nam cũng tạo điều kiện như vậy với hàng hóa từ Lào Cai sang. Mặt khác, đề nghị phía bạn kéo dài thời gian thông quan đến 22h hàng ngày”, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Lào Cai, cho biết.

10 giờ 55 phút

Thị trường Trung Quốc khó tính không khác Mỹ, Nhật Bản

Tiến sĩ Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc.

Tiến sĩ Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc.

“Quan điểm sai lầm của nhiều người là thị trường Trung Quốc dễ tính. Chúng tôi hoạt động nhiều năm tại đây, thấy rằng sự thật không phải như vậy. Chúng ta cần lưu ý về chất lượng, số lượng”, Tiến sỹ Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, cho biết.

Bà My lưu ý các doanh nghiệp trong nước về việc “gò ép” số lượng mà quên đảm bảo chất lượng. “Hôm trước tôi đến một kho hàng sầu riêng, thấy nhiều quả vẫn còn sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy thì khả năng cao sẽ bị trả lại”, bà My nói. “Không những thế, việc xuất hàng không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín ngành hàng. Việc một số doanh nghiệp mượn mã số để xuất khẩu, thì sẽ gây hậu quả rất lớn”.

Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc nói bà cảm thấy “rất đáng tiếc” khi nông dân và doanh nghiệp chưa chủ động học cách nghiên cứu về việc bán tận nơi cho đối tác Trung Quốc.  Lần này về nước, bà My mang theo nhiều đơn hàng, trong đó có hai đơn 60.000 tấn mỗi năm, đơn nhỏ nhất 10.000 tấn, tổng 150.000 tấn.

Kiến nghị tiếp theo được đưa ra là doanh nghiệp lâu nay tập trung vào đường bộ, mà quên mất đường biển có nhiều ưu thế. Gợi mở vấn đề, bà My cho biết Hiệp hội có các thành viên ở Sơn Đông, Thượng Hải, sẵn sàng hỗ trợ nếu doanh nghiệp và bà con đi đường biển.

“Bài học thương hiệu cho nông sản Việt Nam là việc rất đau đầu. Trong khi đó, chất lượng trái cây Việt Nam không thua kém các nước bạn. Ví dụ, một trái sầu riêng bán được 200.000 đồng, nhưng nếu có thương hiệu được đăng ký thì giá cao hơn. Malaysia có loại sầu riêng bán được tới 1.000 USD. Thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao hơn nguyên liệu đơn thuần”, bà My nói.

Hiện Hiệp hội đã đầu tư showroom Gian hàng Việt Nam ở Trung Quốc, giúp doanh nghiệp trưng bày sản phẩm miễn phí. Khác với các hội chợ, gian hàng này hoạt động 24/7, chỉ trừ ngày Tết. Chỉ có hàng đông lạnh, hàng trái cây tươi do vấn đề bảo quản nên chưa trưng bày. Còn lại các mặt hàng đã qua sơ chế thành phẩm, bán thành phẩm đều trưng bày được, khai trương từ 28/9 năm ngoái.

Sơn Đông là tỉnh có diện tích chỉ bằng nửa Việt Nam, nhưng dân số nhiều hơn Việt Nam (với 107 triệu dân) và GDP đứng thứ 3 toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, đa phần người tiêu dùng khu vực này chỉ biết tới sầu riêng Thái Lan, chuối Philippines.

Thời gian tới, Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc sẽ phối hợp với Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tổ chức Diễn đàn đầu tư thương mại Việt Nam – Thượng Hải lần thứ nhất (địa điểm diễn ra tại Thượng Hải), dự kiến vào tháng 4, nội dung chính bàn về xuất khẩu nông sản Việt Nam sang nước bạn.

10 giờ 45 phút

Năm 2023 là năm triển vọng của ngành rau quả Việt Nam

3418_09_11_rau_qua_Copy

Năm 2023 sẽ là một năm khả quan cho xuất khẩu rau quả Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T; Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ năm 2023 sẽ là một năm khả quan cho xuất khẩu rau quả Việt Nam. Ngay từ tháng 1, ngành rau quả đã ghi nhận sự tăng trưởng ở các thị trường Mỹ (20-30%), Australia, Canada, EU.

Ông Tùng thông tin, Hiệp hội có khoảng 20 doanh nghiệp đang tham gia hội chợ trái cây lớn nhất thế giới tại Berlin, Đức. Từ sau khi Trung Quốc mở cửa thị trường (ngày 8/1), hội cũng đón nhiều đoàn từ Đông Âu, và các tập đoàn lớn từ Hồng Kông, Thượng Hải và dự kiến sẽ tổ chức nhiều cuộc họp kết nối tiêu thụ nông sản với phía bạn trong thời gian tới.

Từ đó, ông Tùng cho rằng nhu cầu thị trường rau quả trên thế giới đang có tín hiệu tích cực và vị trí mặt hàng rau quả Việt Nam hiện có chỗ đứng nhất định.

“Đây là thuận lợi song cũng là khó khăn khi các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, giữ được giá trị sau khi các sản phẩm lên kệ tại siêu thị nước ngoài. Mỗi thị trường có yêu cầu khác nhau và đặt ra những hàng rào kỹ thuật riêng nên phía doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đáp ứng các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, đóng gói, hoạt chất cấm... đối với rau quả xuất khẩu”, ông Tùng nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, theo ông Tùng, cần thiết để cho thế giới thấy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, vùng nguyên liệu lớn có khả năng đáp ứng nhu cầu khắt khe, khắc phục tồn tại về vùng nguyên liệu nhỏ lẻ, manh mún đã diễn ra nhiều năm qua. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển công nghệ bảo quản để thúc đẩy xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn nữa.

10 giờ 35 phút

Bộ NN-PTNT cần đề xuất Trung Quốc cho phép xuất khẩu sầu riêng cấp đông

sau-rieng-dong-lanh-3

Bà Bùi Thị Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Haiyang (Bình Thuận) chia sẻ: Hiện nay công ty đã xây dựng nhà máy chế biến nông sản và phối hợp với bà con nông dân xây dựng vườn sầu riêng mẫu theo các yêu cầu kỹ thuật để cho ra sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh, sạch.

Bà Hải mong muốn Bộ NN-PTNT đề xuất với Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch mã sản phẩm sầu riêng cấp đông, số lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chưa đáp ứng được sản lượng bà con sản xuất ra. Đặc biệt, khi xuất quả tươi sẽ tăng chi phí sản xuất, bảo quản và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

10 giờ 25 phút

Cách nhanh nhất để bạn hàng tiếp cận sản phẩm nông sản Việt

Nhập chú thích ảnh

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chọn thông quan bằng đường biển, trong đó có DOVECO.

Theo ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), đối với DOVECO, Trung Quốc là thị trường có tiềm năng rất lớn. Năm 2022, doanh nghiệp đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường này và đạt mức tăng trưởng 130% so với năm 2021.

Doanh nghiệp đã tập trung vào xuất khẩu các mặt hàng chanh leo tươi, chanh leo chế biến, nước chanh leo vào thị trường Trung Quốc; xuất khẩu sản phẩm chuối vào các tỉnh phía Bắc Thượng Hải, Bắc Kinh; và nhiều sản phẩm trái cây khác như dứa, xoài, sầu riêng, thanh long…

Bên cạnh mặt hàng hoa quả tươi, DOVECO đã tập trung vào công tác chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

“Chúng tôi chủ yếu xuất khẩu theo đường tàu biển nên dù thời gian qua việc xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu có gặp nhiều khó khăn nhưng DOVECO vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều”, ông Phạm Ngọc Thành chia sẻ.

Đại diện DOVECO bày tỏ quan điểm, để có thể xuất khẩu sản phẩm rau quả một cách thuận lợi, việc xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới bạn hàng Trung Quốc là rất quan trọng.

“Thời gian qua DOVECO vẫn tích cực tham gia các Hội chợ tại nước bạn. Đó là con đường nhanh nhất để người tiêu dùng Trung Quốc tiếp cận sản phẩm nông sản Việt”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo đó, đại diện doanh nghiệp kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia những chương trình quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản Việt trong thời gian tới.

10 giờ 10 phút

Hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã khôi phục bình thường

h7

Hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.

Ông Vương Trịnh Quốc, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Cửa khẩu cho biết, từ 8/1 đến nay, các hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã khôi phục bình thường như trước khi chưa có dịch.

“Một tháng qua có hơn 6.000 lượt phương tiện xuất nhập hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chủ yếu là Cửa khẩu Kim Thành. Trong đó có 2.000 lượt xe xuất và 4.000 lượt xe nhập khẩu, với các mặt hàng chủ yếu là hoa quả tươi, đậu xanh, lạc, sắn trong đó thanh long tươi chiếm 80%”, ông Quốc thông tin.

Tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, các xe nông sản đến làm thủ tục xuất khẩu trong ngày. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai và Ban Quản lý Cửa khẩu tỉnh Vân Nam phía Trung Quốc đã trao đổi thay đổi phương thức vận tải, theo đó, bỏ xe trung chuyển và cho phép xe chở nông sản vào thẳng bãi chuyển hàng hóa của hai bên. Năm 2019, có khoảng 800 lượt xe qua lại tại Cửa khẩu Kim Thành, và sau thời gian dịch, hiện nay có khoảng 300 lượt xe, xe Trung Quốc chiếm 70%.

Lào Cai cũng tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh Vĩnh Long, Long An, Ninh Thuận xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu của tỉnh. Tỉnh cũng kiện tạo điều kiện cơ sở hạ tầng, biện pháp thủ tục đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Dự kiến khi mở cửa, sẽ có lượng lớn thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc, tỉnh đã tăng cường các điều kiện về bến bãi để đáp ứng nhu cầu thông quan tại Cửa khẩu Kim Thành.

10 giờ 00 phút

Nhiều sản phẩm chủ lực của Lào Cai chờ xuất khẩu chính ngạch

Pho giam doc so nn-ptnt lao cai

Về định hướng sản xuất, chế biến, xuất khẩu 6 ngành hàng nông sản chủ lực của Lào Cai, ông Lê Tân Phong (ảnh) – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho biết: Đến nay tỉnh có 6.500ha chè, 3.300 ha dược liệu, 1.500ha dứa, nhưng chưa tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ NN-PTNT cùng các đơn vị trực thuộc hỗ trợ để có thể xuất khẩu được chè sang Trung Quốc.

Đối với sản phẩm chuối, toàn tỉnh có 3.300ha, đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nhưng giá bấp bênh, khiến người sản xuất gặp khó khăn nhất định. Sở đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương giúp kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu ngoài thị trường Trung Quốc để đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm.

Đối với cây quế, dự kiến đến năm 2025 tỉnh sẽ phát triển diện tích trồng khoảng 70.000ha. Hiện sản phẩm quế đã có đầu tư của doanh nghiệp chế biến sâu nhưng mới chỉ ở bước đầu, chủ yếu là chế biến tinh dầu. Đặc biệt, sau khi Luật Chăn nuôi được ban hành, Lào Cai là tỉnh có dư địa khá tốt để đáp ứng quy định về chăn nuôi lợn. Lào Cai đã ban hành cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế đất đai, nhiều nhà đầu tư lên khảo sát để xây dựng vùng nguyên liệu và đầu tư cơ sở chế biến.

Tỉnh rất mong các nhà đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi để phát triển cả chăn nuôi quy mô lớn, tham gia chuỗi của các công ty đa quốc gia và phát triển chăn nuôi cộng đồng với các vật nuôi bản địa để tiêu thụ thị trường trong nước.

9 giờ 45 phút

Vĩnh Long: Cần đơn giản hóa thủ tục cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

khoai lang

Thu hoạch khoai lang ở Vĩnh Long.

Thông tin tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết, tuy quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp của địa phương khá khiêm tốn, chỉ khoảng 120.000ha, nhưng do triển khai đa dạng hóa cây trồng nên có số lượng nông sản của tỉnh đạt mức khá. Các sản phẩm trái cây và khoai lang của Vĩnh Long hiện có nhu cầu xuất khẩu đi nhiều thị trường, trong đó tập trung ở thị trường Trung Quốc.

“Vừa qua, nhờ việc kí kết và thông thương giữa Việt Nam - Trung Quốc thuận lợi nên giá một số mặt hàng trái cây của tỉnh đã tăng cao như sầu riêng, nhãn xoài… Đặc biệt là mặt hàng khoai lang đã có nhiều khởi sắc sau khi Nghị định thư được kí”, ông Nguyễn Văn Liêm chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, do diện tích sản xuất của địa phương còn nhỏ lẻ, phân tán nên việc tập trung xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng mã số vùng trồng của Vĩnh Long còn ở mức khiêm tốn.

“Thời gian tới, định hướng của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung vào cây ăn quả, rau màu, khoai lang. Đồng thời, thực hiện tốt quy định trong việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phục vụ cho xuất khẩu”, ông Liêm cho hay.

Để có thể thực hiện được những mục tiêu đó, đại diện tỉnh Vĩnh Long đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ thẩm định, rút ngắn thời gian cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

“Vĩnh Long đã gửi rất nhiều hồ sơ, điển hình như đối với mặt hàng khoai lang là 38 hồ sơ, nhưng mới chỉ được cấp 4 mã số vùng trồng, 6 mã số cơ sở đóng gói. Đặc biệt, việc hoàn thành hồ sơ hiện nay còn rườm rà, phức tạp, phải mất nhiều thời gian, công sức nên đề nghị phía Trung Quốc đơn giản hóa hồ sơ để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Liêm kiến nghị.

9 giờ 35 phút

Long An thành lập 'đội đặc nhiệm' hướng dẫn xây dựng mã số vùng trồng

thanh long

Thanh long là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Long An sang thị trường Trung Quốc.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết, tỉnh xác định chuẩn hóa nguồn nguyên liệu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp địa phương.

Long An có nhiều mặt hàng xuất khẩu như lúa gạo, thanh long, chuối, mít... và thị trường chính là Trung Quốc. Đến thời điểm này, tỉnh đã hỗ trợ cho 111 lượt doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở sản xuất thực hiện chứng nhận GAP, VietGAP, GlobalGAP cho các mặt hàng, trong đó chủ lực là thanh long. Ở lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, tỉnh đã hỗ trợ cho 60 lượt doanh nghiệp đạt chứng nhận GAP.

Về thực thi Lệnh 248, 249, Sở đã thành lập “đội đặc nhiệm” hướng dẫn các cơ sở xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Ngay khi nhận thông tin, Sở đã phối hợp với SPS Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật thực hiện tuyên truyền cho các cơ sở để thực hiện tốt các tiêu chuẩn, yêu cầu của Lệnh và đăng tải thông tin trên trang thông tin của Sở.

Đến nay, Long An cấp được 265 lượt mã số vùng trồng cho các loại cây trồng, 140 lượt cơ sở được cấp mã số đóng gói, trong đó chỉ tính riêng thanh long đã được cấp 222 mã số vùng trồng xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc...; Tăng cường kiểm tra giám sát để tránh mạo danh, mượn danh giảm/mất uy tín của nông sản Việt Nam.

Sở cũng thường xuyên chỉ đạo chuẩn bị cho xuất khẩu thanh long, sầu riêng, khoai lang, xác định làm thực chất để giữ uy tín thị trường. Sở NN-PTNT Long An đề xuất Lào Cai tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình xuất khẩu qua biên giới.

Đối với Nghị định thư xuất khẩu mặt hàng yến sang Trung Quốc, bà Khanh kiến nghị Bộ NN-PTNT đưa ra hướng dẫn cụ thể ở một số nội dung; kiến nghị Vụ Á - Phi (Bộ Công Thương) đưa ra các thông tin dự báo kịp thời để Sở chủ động chỉ đạo sản xuất đáp ứng những thay đổi về thị trường, yêu cầu chất lượng của các nước nhập khẩu.

9 giờ 15 phút

Cần siết chặt quản lý mã số vùng trồng, tránh tình trạng mạo danh

ong huynh tan dat

Ông Huỳnh Tấn Đạt (ảnh) – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết: Hiện nay, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm nông sản gồm: chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo và gạo. Đồng thời, Cục cũng đang đàm phán để ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch một số quả tươi truyền thống như dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải và chôm chôm; hướng dẫn xuất khẩu tạm thời ớt, chanh leo.

Hai bên cũng đang đàm phán kỹ thuật để xuất khẩu: khoai lang (đã ký Nghị định thư, hiện hai bên đang chuẩn bị kiểm tra thực địa các cơ sở đóng gói), dược liệu, bưởi và một số loại quả thuộc nhóm cây có múi và dừa. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng đã nộp hồ sơ đối với quả na và thảo quả để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, tiến hành các bước tiếp theo.

Một số khó khăn, tồn tại trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc được Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt chỉ rõ, đó là vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.

“Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian vừa qua Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố mã số vùng trồng. Đồng thời phối hợp với các chi cục kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu để kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, để công tác quản lý đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự đồng hành của các địa phương, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng như hiệp hội ngành hàng trong vấn đề quản lý mã số đã được cấp”, ông Đạt nói.

Bên cạnh đó, các mặt hàng mới chưa có hồ sơ hoàn thiện và biện pháp kỹ thuật để làm cơ sở đàm phán.

9 giờ 00 phút

Việt Nam mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5% ở thị trường Trung Quốc

ong le thanh hoa1

“Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 53 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỷ USD. Đây là thị trường rộng lớn. Nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc là trên 260 tỷ USD, thì chúng ta mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%”, ông Lê Thanh Hòa (ảnh) – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, mở đầu phần tham luận.

Theo ông Hòa, các nhóm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc gồm gỗ, sắn, rau quả, cao su. Trong đó, ngành quan trọng là cao su, chiếm đến 70% thị phần xuất đi thế giới, chủ yếu qua đường Vân Nam. Từ đó, ông Hòa nhận định Trung Quốc có tác động rất lớn đến giá cao su.

Về thuận lợi trong thời gian tới, ông Hòa cho rằng thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc qua ngả Vân Nam sẽ có khởi sắc. Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào Trung Quốc cần hoàn thiện hồ sơ, từ nay đến 30/6. Riêng với mặt hàng hoa quả, Bộ NN-PTNT đã cấp hơn 2.000 mã số cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

“Chính sách thương mại biên mậu với Trung Quốc cũng có nhiều ảnh hưởng với rau quả tươi. Việc liên quan đến thuế giá trị gia tăng, chúng tôi đã có kiến nghị cụ thể với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công thương liên quan đến RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực). Làm thế nào để giảm bớt cản trở, thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Hòa nói.

Lãnh đạo Văn phòng SPS cho biết Bộ NN-PTNT đang phối hợp tốt với Hải quan Trung Quốc để giữ cho việc xuất khẩu thuận lợi. Bộ Bộ NN-PTNT cũng đang đàm phán với đối tác Trung Quốc về việc đề xuất nhóm hoa quả tiếp theo: bưởi, bơ, na, roi, thảo quả, dứa.

Ông Hòa nêu kiến nghị với UBND tỉnh Lào Cai về việc Biên phòng Trung Quốc đang giám sát chặt chẽ với xe từ bến bãi phía bạn vào thị trường. “Đề nghị Lào Cai đàm phán với phía bạn, tạo điều kiện thông thương tốt hơn”.

Theo ông Hòa, một trong những chiến lược xuất khẩu của Việt Nam là tuyến đường sắt Hà Nội Lào Cai, kết nối với đường biển, đường bộ từ các nước ASEAN qua. Đây là vấn đề cần hoàn thiện, đẩy nhanh tốc độ triển khai.

8 giờ 40 phút

Nhiều điều ‘đáng tiếc’ trong hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc)

ong son

Theo ông Tô Ngọc Sơn (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương, Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD. Tỷ trọng xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm đến 24%.

“Chúng ta thường nhắc đến tầm quan trọng của việc chiếm lĩnh, mở rộng những thị trường mới. Tuy nhiên trước khi muốn làm được điều đó, cần phải đảm bảo việc giữ được những thị trường truyền thống bấy lâu nay. Trong đó có thị trường Trung Quốc”, ông Tô Ngọc Sơn nêu quan điểm.

Đưa ra lí do vì sao Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản Việt Nam, đại diện Bộ Công thương thông tin, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau quả với tỷ trọng 53,7%; của sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,47%; của cao su với tỷ trọng 71%. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Nhật Bản).

Thông tin cụ thể về vai trò của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc trong hợp tác kinh tế, thương mại 2 nước, ông Tô Ngọc Sơn cho biết, tỉnh Vân Nam có đường biên giới với 4 tỉnh Việt Nam là Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên; là cửa ngõ phía Tây Nam của Trung Quốc. Tỉnh Vân Nam nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh và 4 tỉnh/thành phố của Việt Nam. Đặc biệt, dân số của tỉnh là 47 triệu người và đời sống người dân ngày càng cải thiện.

“Tuy có vị trí, vai trò quan trọng và nhiều tiềm năng như vậy nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với địa phương nước bạn còn nhiều điểm đáng tiếc, chưa được như kì vọng”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi bày tỏ.

kim thanh

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Theo đó, năm 2022, kim ngạch thương mại Vân Nam - Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD, chỉ chiếm 5% trong kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nhiều cửa khẩu vẫn chưa phát huy được lợi thế. Tỉnh Vân Nam vẫn chưa có nhiều cơ chế hợp tác với các Bộ, ngành phía Việt Nam. Một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam, điển hình như thủy hải sản, vẫn chưa khai thác được thị trường tiềm năng này.

Từ đó, theo ông Tô Ngọc Sơn, đối với công tác tổ chức sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương của Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất, nuôi trồng theo tín hiệu thị trường.

Trong quản lý chất lượng, cần tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng, đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP.

“Để có thể tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai nước. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường”, ông Tô Ngọc Sơn chia sẻ.

Còn đối với các doanh nghiệp, ông Sơn cho rằng cần nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc; tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc; khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản; xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ; nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường; chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu khi nhiều vụ việc mất thương hiệu đáng tiếc đã từng xảy ra.

Trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với tỉnh Vân Nam, đại diện Bộ Công thương Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy hiệu quả của các cửa khẩu đường bộ, đường sắt tiếp giáp với tỉnh Vân Nam; tăng cường quảng bá các mặt hàng có tiềm năng của Việt Nam như thủy hải sản, trái cây…; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi đoàn công tác với tỉnh Vân Nam.

8 giờ 20 phút

Lào Cai đề nghị Vân Nam cùng phối hợp thúc đẩy xuất nhập khẩu

Diem cau lao cai

Ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai - nêu nhiều kiến nghị nhằm góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước.

Ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết hợp tác kinh tế thương mại giữa tỉnh Lào Cai, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Giai đoạn trước dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu tăng trưởng bình quân đạt 20,3%, trong đó giá trị xuất nhập khẩu hàng nông sản chiếm trên 30% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu với khối lượng nông sản xuất nhập khẩu hai bên đạt gần 2 triệu tấn mỗi năm.

Để góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước, tỉnh Lào Cai đề xuất Bộ NN-PTNT xây dựng chuẩn hóa các quy trình sản xuất, đóng gói nông sản xuất khẩu; tích cực trao đổi, hội đàm với cơ quan chức năng phía Trung Quốc nhằm đẩy nhanh việc hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường cho trái cây, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc; tăng sản lượng trái cây được cấp mã vùng trồng xuất khẩu; sớm thống nhất mẫu giấy kiểm dịch đối với sản phẩm tổ yến; sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại nông sản của Việt Nam để giảm bớt thời gian, thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Công Thương tăng cường triển khai có hiệu quả các Bản ghi nhớ giữa Bộ và Chính quyền tỉnh Vân Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về hợp tác thương mại; hỗ trợ tỉnh Lào Cai triển khai một số nội dung hợp tác thương mại với tỉnh Vân Nam.

Đối với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, tỉnh Lào Cai đề nghị cùng phối hợp triển khai các biện pháp thuận lợi hóa, khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành; đẩy nhanh tiến độ báo cáo cấp Trung ương chỉ định cửa khẩu đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu được thực hiện nhập khẩu nông sản, trái cây vào thị trường Trung Quốc; tiếp tục hoàn thiện ”luồng xanh” thông quan nhanh hàng nông sản qua cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai – Hà Khẩu; đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

8 giờ 10 phút

Trung Quốc và Việt Nam luôn xác định là đối tác thương mại lớn nhất của nhau

thu truong nam

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Ngày 8/1 vừa qua, Trung Quốc ra thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản. Đây là tin mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc nói chung nhằm xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Trung Quốc và Việt Nam luôn xác định là đối tác thương mại lớn nhất của nhau”. Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động thúc đẩy và triển khai các quy định giữa hai nước. Các Bộ: Công thương, NN-PTNT, Ngoại giao và Bộ, ngành có liên quan đều phối hợp chặt chẽ với các địa phương biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… để kết nối doanh nghiệp hai nước nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu thương mại giữa hai nước”.

“Hiện nay, tại Lào Cai, một ngày có trên 500 xe xuất khẩu nông sản, còn tại Lạng Sơn bình quân mỗi ngày có trên 800 xe được thông quan. Như vậy, lưu lượng xe bắt đầu có tăng lên”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Đến thời điểm 8h30 phút sáng 10/2, đã có 300 điểm cầu trong nước tham dự diễn đàn, cho thấy các doanh nghiệp, nhà sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương rất quan tâm đến chủ đề này.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các quy định 248 và 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang Trung Quốc và quản lý an toàn thực phẩm. Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.492 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ NN-PTNT cũng cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bộ NN-PTNT đã triển khai rất mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cách đây 2 ngày Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày, cùng với đó chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. Đây là một vấn đề đặt ra cho chúng ta.

Nếu doanh nghiệp của chúng ta không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí thì đây là thách thức trong vấn đề xuất khẩu nông sản của Việ Nam sang thị trường Trung Quốc.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.