Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và HTX
Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau hơn 2 năm hoạt động, Diễn đàn 970 thực sự trở thành một thương hiệu, lan tỏa rộng khắp trong các thành phần xã hội.
Theo báo cáo của Tổ Điều hành diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Diễn đàn 970), trong năm 2022, Tổ đã phối hợp với các đơn vị của Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các địa phương tổ chức triển khai 24 Diễn đàn Kết nối tiêu thụ nông sản với hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Các Diễn đàn tập trung các chủ đề về chuyển đổi số, mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu, nguồn hàng nông sản, thực phẩm phục vụ tết Quý Mão; thông tin kết nối cung cầu nông sản, lương thực thực phẩm cho Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh trong cả nước.
Ngoài ra, Năm 2022, Báo Nông nghiệp Việt Nam, các thành viên Tổ 970, Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức tuyên truyền, cập nhật kịp thời các quy định về SPS của các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ… kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX… liên quan đến các quy định SPS, kiểm soát dịch bệnh vùng…, được cộng đồng doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân đánh giá cao.
Ông Trần Văn Cao - Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, sau mỗi Diễn đàn, các ý kiến tham luận, công tác điều hành, thông tin kết nối tiêu thụ nông sản được Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục lan toả trên các nền tảng báo in, báo điện tử, mạng xã hội… để tạo hiệu ứng truyền thông đại chúng.
Đồng thời, cơ quan Thường trực của Tổ 970 đã xây dựng, thiết kế chuyên trang Kết nối tiêu thụ nông sản (https://ketnoi.nongnghiep.vn) với mục tiêu ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy kết nối cung cầu, quản lý và truy xuất nhật ký sản xuất - mã vùng trồng, xây dựng mã vùng trồng theo yêu cầu của người mua, thống kê và kết nối cung cầu trong tương lai đồng thời tạo trang thông tin riêng.
Qua đó, từng bước hướng đến một sàn thông tin kết nối cung cầu nông sản dưới sự điều hành sản xuất trực tiếp của Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng sự phối hợp cung cấp thông tin liên quan của các đơn vị, cơ quan quản lý cục, vụ, viện, trường, trung tâm trong ngành.
Năm 2022, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổ 970 thực hiện 13 bộ phim dài từ 10-20 phút; trong đó có phim Chuyện hạ nguồn Mekong dài 7 tập. Các bộ phim khác gồm: “Tâm lực kiều bào kết nối tinh hoa nông sản Việt”, “Khát vọng nông nghiệp đất Chín Rồng”; “Xây dựng nông thôn mới - Những miền quê đáng sống”, “Kết nối tiêu thụ nông sản Tây Nguyên”, “Nông sản Việt - Giá trị Việt - Tinh hoa Việt”,… Đây là điểm mới và một nỗ lực rất lớn của báo và thành viên Tổ điều hành Diễn đàn.
Các diễn đàn tiếp tục thu hút được sự quan tâm của đơn vị, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối nông sản và các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất nông sản; được dư luận đánh giá là hiệu quả, thiết thực, thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ, kết nối tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước.
Điển hình như hai diễn đàn "Mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu" và "Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc" thu hút trên 300 điểm cầu khắp cả nước tham dự, được dư luận đánh giá cao.
Ngày 10/8/2022, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn khai mạc Tuần lễ quảng bá nông sản tại Hà Nội và tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề "Kết nối tiêu thụ na, nông sản, đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022".
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, việc kết nối giao thương giữa các địa phương gặp khó khăn. Tuần lễ quảng bá na, nông, đặc sản Lạng Sơn tại Hà Nội, do đó có ý nghĩa quan trọng, giúp kết nối doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh của Lạng Sơn và Thủ đô.
Diễn đàn Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp đã thu hút gần 100 HTX và hàng chục doanh nghiệp khu vực phía Nam tham dự trực tiếp, tổ chức trưng bày gian hàng tại diễn đàn và nhiều điểm cầu tham dự trực tuyến, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc kết nối tiêu thụ nông sản cho các HTX.
Kênh xúc tiến thương mại hiệu quả
Đánh giá về hoạt động của Diễn đàn Kết nối nông sản 970 trong năm 2022, ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai chia sẻ: “Qua mỗi Diễn đàn, địa phương nắm bắt rất tốt thị trường trong và ngoài nước cũng như yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường.
Cũng qua đây, các HTX, doanh nghiệp và cơ quan quản lý có cơ hội kết nối, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, năm 2022 giá trị xuất khẩu của Gia Lai tăng nhanh, đạt 690 triệu USD, trong đó riêng ngành hàng cà phê tăng giá trị xuất khẩu từ 350 triệu USD năm 2021 lên 490 triệu USD”.
Nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, tỉnh Gia Lai tổ chức lại sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 233.000ha cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic,… 237.000ha cây trồng có liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Cùng với đó, Gia Lai từng bước hình thành các cánh đồng 1 giống có chất lượng và giá trị cao. Một số HTX đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu với đối tác xuất khẩu sang châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản.
Ông Vũ Đức Côn - PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk cho rằng, cùng với công cuộc chuyển đổi số đang được triển khai rộng khắp trên nhiều lĩnh vực của đời sống, các hoạt động của Diễn đàn Kết nối nông sản 970 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến để tiêu thụ nông sản trong 2 năm qua có tác động lớn đến sản xuất và tiêu thụ nông sản của các địa phương.
“Không chỉ cán bộ khối quản lý nhà nước mà nhiều doanh nghiệp, nông dân thấy gần gũi, thân mật, gắn bó hơn. Đồng thời, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ đắc lực của các cơ quan chuyên môn của Bộ từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Văn phòng SPS Việt Nam,…”, ông Côn cho biết.
Theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh Đăk Lăk có 3 mặt hàng “mới nổi” có dư địa phát triển lớn là sầu riêng, tổ yến và mắc ca. Để xúc tiến thương mại phát triển thị trường đạt hiệu quả, ông Côn đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, đồng hành để kết nối cung - cầu đạt hiệu quả cao.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thái Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm (là doanh nghiệp chuyên sản xuất rau quả ứng dụng công nghệ cao và chế biến nông sản xuất khẩu) cho biết: Năm 2022, Công ty Ban Mê Green Farm bóc tách vỏ hơn 2.000 tấn sầu riêng xuất khẩu sang Thái Lan, Nhật Bản và châu Âu.
Năm 2023, đơn hàng đối tác đặt công ty cung ứng 6.000 - 7.000 tấn sầu riêng, nhưng giá sầu riêng ở Việt Nam biến động rất thất thường. Bởi vậy, công ty rất khó có dữ liệu tham chiếu để đàm phán giá với đối tác. Đây là trở ngại rất lớn, bởi chắc chắn không có bất cứ đối tác nước ngoài nào chấp nhận sự điều chỉnh về giá sản phẩm trong thời gian ngắn.
Bà Thanh đề nghị thông qua Tổ 970, các thông tin liên quan đến giá cả nông sản sẽ được cập nhật thường xuyên để giúp doanh nghiệp có cơ sở tham chiếu trong từng thời điểm, qua đó giúp các nhà cung cấp thương thảo được mức giá sản phẩm phù hợp với đối tác và có sự ổn định.
Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho rằng, sự ra đời của Diễn đàn Kết nối nông sản 970 ra đời trong thời khắc rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, trong năm 2021 và 2022, nhờ kết nối của Diễn đàn, Doveco đã tiêu thụ được số lượng rất lớn trái cây bao gồm chuối, xoài từ Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL bị ứ đọng khi Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid”.
“Để doanh nghiệp như chúng tôi tiếp xúc được với đại diện của nhiều địa phương cùng một lúc như thế này là rất khó. Những ý kiến của đại biểu tuy ngắn gọn nhưng đối với chúng tôi lại rất giá trị”, ông Khuê kiến nghị, Tổ 970 cần tổ chức các diễn đàn chuyên biệt để kết nối từng ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh, ví dụ như diễn đàn kết nối cung - cầu sầu riêng; diễn đàn tiêu thụ chuối; diễn đàn tiêu thụ xoài.
Ngoài ra, có thể tổ chức diễn đàn tiêu thụ sản phẩm cây ngắn ngày như ngô ngọt ở khu vực Tây Nguyên hay đậu tương rau tại các tỉnh phía Bắc. Bởi đây là các sản phẩm như Doveco đang rất thiếu nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến.
Ông Khuê cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, Bộ NN-PTNT cũng cần có cơ chế để thành viên của Tổ 970 có điều kiện nắm bắt thông tin thị trường, xu thế tiêu dùng sản phẩm của các thị trường thông qua các hội chợ, hội thảo, triển lãm trong lĩnh vực nông nghiệp quốc tế. Đây là cơ sở thực tiễn để Diễn đàn hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chia sẻ: Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam thổi tung các mảng sản xuất hàng hóa. Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã ra đời giống như sợi dây kết nối các nhà sản xuất, tiêu thụ gắn chặt với nhau thông qua các diễn đàn kết nối, tiêu thụ nông sản. Thậm chí, các sáng kiến của Tổ 970 như “combo nông sản” được các nhà cung cấp đưa đến từng người dân của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Đầu năm 2022, khi Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid", hàng nghìn xe tải chở nông sản không thể thông quan. Tổ 970 đã kết nối các chủ hàng với các doanh nghiệp chế biến nông sản để mua thanh long, xoài… Sự phản ứng nhanh nhạy đó mang lại ý nghĩa rất lớn đối với các nhà cung cấp danh nghiệp chế biến.
Mời doanh nghiệp tham gia Tổ điều hành
Thay mặt lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam biểu dương hoạt động của Tổ Điều hành Diễn đàn 970 trong năm qua, đạt nhiều kết quả ý nghĩa, được các doanh nghiệp, các sở, ngành, kể cả Sở Công thương, Sở NN-PTNT đánh giá cao và kiến nghị tiếp tục phát huy hiệu quả của Diễn đàn kết nối nông sản 970 ở tầm cao hơn, chất lượng hơn.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, mục đích của Diễn đàn chỉ là thông tin kết nối cung cầu nông sản trong bối cảnh thị trường bị đứt gãy do dịch bệnh. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai, những kết quả đạt được của Diễn đàn đã vượt ra khỏi mục tiêu ban đầu.
Ba kết quả nổi bật chúng ta thấy rõ. Thứ nhất là là thông tin đã được kết nối từ vùng sản xuất đến các đơn vị thu mua, phân phối sản phẩm gồm các doanh nghiệp thương mại, chế biến…
“Lúc đầu, nhiều doanh nghiệp phía Nam không thể biết các vùng sản xuất của phía Bắc diễn biến như thế nào. Có lãnh đạo Sở NN-PTNT đề nghị Tổ 970 tiêu thụ giúp trái bơ, sầu riêng, thanh long đang ế thừa trong khi doanh nghiệp đang rất cần mua những trái cây này. Nếu không có Diễn đàn 970 thì không thể nào kết nối được để người sản xuất, doanh nghiệp và cơ quan quản lý gặp nhau”, ông Nam chia sẻ.
Thứ hai, thông qua Diễn đàn, các cơ quan quản lý từ Sở NN-PTNT, Sở Công thương rút ra được bài học là phải luôn luôn bám sát vùng sản xuất và tổ chức sản xuất để gắn với từng thị trường. Các doanh nghiệp cũng hiểu được rằng, muốn kinh doanh bền vững thì phải gắn chặt với vùng nguyên liệu, xây dựng vùng nguyên liệu, không thể đi mua sản phẩm trôi nổi để xuất khẩu được nữa. Vùng trồng, cơ sở đóng gói phải có mã số để truy xuất nguồn gốc.
Thứ ba, người sản xuất hiểu rằng, họ không thể cứ sản xuất tự phát mà phải tuân thủ quy trình theo yêu cầu của từng thị trường.
Để có được những kết quả nổi bật đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, sự đóng góp, đồng hành của cộng đồng các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng với Diễn đàn 970 là rất quan trọng. Do đó, ông đề nghị Tổ 970 xem xét, mở rộng thành viên của Tổ, trong đó bổ sung đại diện các nhà cung ứng, nhà tiêu thụ sản phẩm nông sản. Bởi không ai hiểu thị trường bằng các doanh nghiệp.
Để đáp ứng mong đợi của các địa phương và doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, phải tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, quy mô của Diễn đàn.
“Sở dĩ lãnh đạo Bộ NN-PTTN giao cho Báo Nông nghiệp Việt Nam làm cơ quan Thường trực của Tổ 970 vì chúng ta phải gắn truyền thông với hoạt động của Diễn đàn. Công tác truyền thông phải đi sâu vào phân tích thị trường, dự báo thị trường trên cơ sở dữ liệu của Diễn đàn chứ không phải chỉ kết nối tiêu thụ sản phẩm”, ông Nam nói.
Ông cũng cho rằng, năm 2022, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt hơn 53 tỷ USD. Tuy nhiên, những số liệu Bộ NN-PTNT cập nhật được trong tháng 1/2023 cho thấy sức mua một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, thủy sản, gỗ… của các thị trường đều có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ năm trước. Nếu không có giải pháp và chuẩn bị tốt để thích ứng với tình hình mới, chúng ta sẽ gặp phải vấn đề được mùa rớt giá.
Do đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị không nên tự hào, say sưa với chiến thắng của năm 2022. Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, cơ quan quản lý nhà nước các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, HTX và nông dân cần tăng cường phối hợp với nhau để thích ứng với tình hình mới, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Đặc biệt, đây là thời điểm chúng ta phải tập trung đi sâu vào chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa vùng trồng, chuẩn hóa quy trình canh tác để nâng giá trị gia tăng cho nông sản. Nếu chạy theo số lượng là rất nguy hiểm vì sức mua cả trong nước và nước ngoài đều giảm.
“Thị trường luôn luôn là chiến trường. Bởi vậy, chúng ta phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ nông sản”, ông Nam nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, trong năm 2023, Diễn đàn 970 cần vạch rõ kết hoạch tổ chức các diễn đàn định kỳ, trong đó có các diễn đàn cấp vùng, diễn đàn cấp tỉnh và diễn đàn kết nối cung cầu cho từng ngành hàng nông sản chủ lực. Có diễn đàn tổ chức trực tiếp tại thực địa, có diễn đàn tổ chức đột xuất để giải quyết những vấn đề mới phát sinh.
Đặc biệt, cần tổ chức các diễn đàn nhằm thông tin kết nối cung cầu đối với các thị trường chúng ta có thế mạnh, nhất là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Tại các diễn đàn trên, sự tham gia của tham tán thương mại ngành nông nghiệp là rất quan trọng, họ là sợi dây kết nối các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài gặp gỡ, hiểu nhau hơn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản, Tổ điều hành Diễn đàn nông sản 970 tiếp tục triển khai Diễn đàn kết nối nông sản năm 2023, tiếp tục mục tiêu kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước và xúc tiến thương mại với các thị trường quốc tế.
Phát triển chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa thị trường xuất - nhập khẩu, xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu trên thị trường tiềm năng, gợi mở định hướng, giải pháp cho chính quyền các địa phương, hiệp hội ngành hàng trong việc nâng cao khả năng cung cấp hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển xuất khẩu bền vững trong thời gian tới.
Về điểm mới, ngoài hình thức kết nối nông sản trực tiếp, trực tuyến, Tổ 970 sẽ đẩy mạnh kết hợp thực tế các mô hình, các hội nghị, hội thảo đầu bờ (bờ ruộng/bờ biển, ao, vườn...) theo các phân vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm, tăng khả năng tương tác trực tiếp và thực tế nhằm đem lại hiệu quả cao từ các diễn đàn.