| Hotline: 0983.970.780

Thúc đẩy hợp tác công tư trong mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm

Thứ Tư 31/01/2024 , 16:54 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp để triển khai hiệu quả Đề án Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam.

Thứ trưởng Hoàng Trung phát biểu tại Hội nghị toàn thể nhóm đối tác công tư (PPP) với chủ đề 'Doanh nghiệp với Chuyển đổi xanh và Đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp'. 

Thứ trưởng Hoàng Trung phát biểu tại Hội nghị toàn thể nhóm đối tác công tư (PPP) với chủ đề “Doanh nghiệp với Chuyển đổi xanh và Đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp”. 

Ngày 31/1, Trong khuôn khổ Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị toàn thể nhóm đối tác công tư (PPP) với chủ đề “Doanh nghiệp với Chuyển đổi xanh và Đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp”.

Đề án Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm

Trong bối cảnh an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng đang đối mặt với nhiều thách thức, hệ thống lương thực, thực phẩm cần phải đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất và tính bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong đó, thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết; từ đó thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để tái cơ cấu, chuyển đổi lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sinh thái và bền vững.

Tháng 12/2023, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (FIHV). Đề án được thực hiện sẽ góp phần phát triển ngành nông nghiệp xanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu và kết nối với hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu theo hướng “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, Đồng Chủ trì PSAV, đại diện khối công cho biết, Bộ NN-PTNT đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào chuỗi sản xuất, chế biến, dự trữ, hậu cần và kinh doanh nông lâm thủy sản tại Việt Nam. 

“Có thể nói doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng và trung tâm, nhất là trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Doanh nghiệp tạo việc làm và thu nhập, nâng cao trình độ sản xuất cho người nông dân. Doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, nâng cao giá trị cho nông sản. Doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm cao hơn không chỉ về tăng trưởng kinh tế mà cả các vấn đề xã hội và môi trường”, Thứ trưởng đánh giá. 

Để triển khai hiệu quả FIHV, Bộ NN-PTNT kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là những đơn vị có kinh nghiệm và chuyên môn về đổi mới sáng tạo. 

Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, Việt Nam là một trong ba nước đầu tiên trên thế giới được WEF lựa chọn làm thí điểm Mạng lưới FIH. Mục tiêu cụ thể của FIH là phát triển được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm bằng cách huy động chuyên gia và nhà khoa học trong nước và quốc tế liên kết với các doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong chuỗi giá trị.

Ngoài ra, đề án còn hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm lương thực, thực phẩm Việt Nam, từng bước tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, góp phần đưa tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Từ đó, giúp cải thiện thu nhập của nông dân và doanh nghiệp nông thôn đến năm 2030 tăng từ 2-3 lần so với năm 2020.

Đại diện Bộ NN-PTNT cho biết, 5 lĩnh vực đổi mới sáng tạo cần ưu tiên trong khuôn khổ đề án gồm nguyên liệu đầu vào mới; thực phẩm dinh dưỡng và sức khỏe; sản xuất, chế biến “xanh”; chất lượng và an toàn thực phẩm; tiếp thị sản phẩm nông nghiệp và hậu cần. 

Thúc đẩy hợp tác PPP trong phát triển nông nghiệp xanh

Chia sẻ về đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp cũng như đóng góp của doanh nghiệp vào quá trình này, ông Huỳnh Tấn Dũng, Tổ chức IDH Việt Nam, Đồng trưởng Nhóm công tác PPP về Hồ tiêu và gia vị cho biết IDH đã triển khai một số dự án kết hợp giữa nhà mua quốc tế, Việt Nam và nông dân để  giảm các bon trong chuỗi cà phê, hồ tiêu. Tuy nhiên, chưa có chính sách, chỉ đạo rõ ràng xoay quanh vấn đề tín chỉ các bon. 

Theo đó, IDH đề xuất ngành nông nghiệp cần có kế hoạch hành động giảm phát thải các bon cụ thể cho từng lĩnh vực của Bộ; xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu; tìm kiếm công cụ tính toán, đánh giá đơn giản cho từng ngành hàng và giao đơn vị đầu mối về giảm phát thải các bon…

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, đóng góp ý kiến cho chương trình chuyển đổi xanh của PSAV. 

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, đóng góp ý kiến cho chương trình chuyển đổi xanh của PSAV. 

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời cho biết, câu chuyện chuyển đổi xanh có liên quan đến môi trường và tín chỉ các bon là thách thức rất lớn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, xu hướng này cũng thôi thúc trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân, hiểu bối cảnh mà “liệu cơm gắp mắm”.

Từ khi ra đời, Lộc Trời đã đồng hành cùng nông dân đi theo các chương trình phát triển bền vững từ Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM), Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), “3 giảm3 tăng”, PSAV… với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các tổ chức quốc tế và trong nước thông qua tư vấn, hỗ trợ nghiệp vụ và sáng tạo đổi mới trong khoa học.

Ông Thòn cho rằng với cách làm này, phần khó là đảm bảo lợi ích của bà con nông dân khi tham gia chương trình như sinh kế, cuộc sống. Đây cũng là nội dung cần lưu ý khi kêu gọi nông dân tham gia vào quá trình chuyển đổi bền vững. 

Bên cạnh đó, ông cho rằng việc nâng cao vị thế cho nông dân là hết sức cần thiết để khuyến khích và tạo động lực cho nông dân tham gia vào các chương trình bền vững. 

Với một số ý kiến gợi mở, Thứ trưởng Hoàng Trung tóm lại một số nội dung Bộ sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp và đại diện Hiệp hội ngành hàng để triển khai chương trình cụ thể của PSAV trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải, mang lại lợi ích cho người nông dân. 

Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị Vụ Hợp tác quốc tế tổng hợp cụ thể các ý kiến để Bộ làm việc với các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch triển khai cho từng ngành hàng trong thời gian tới. 

Thứ hai, Bộ đã phê duyệt đề án thành lập Mạnh lưới đổi mới sáng tạo trong lương thực, thực phẩm; là căn cứ để Bộ, doanh nghiệp, hiệp hội địa phương cam kết thực hiện 5 nhóm mục tiêu đã đặt ra. Tuy nhiên, cần có kế hoạch cụ thể cho từng nội dung, các giải pháp đưa ra gắn vào nội dung trên và sự đồng nhất của doanh nghiệp địa phương thực hiện. 

Chuyển đổi xanh có liên quan đến môi trường và tín chỉ các bon là thách thức rất lớn với doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Chuyển đổi xanh có liên quan đến môi trường và tín chỉ các bon là thách thức rất lớn với doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Thứ ba, tận dụng tiềm lực của từng đối tác để khơi thông nguồn lực, kêu gọi tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân địa phương cùng đồng hành cùng Bộ NN-PTNT và địa phương… thực hiện các chương trình, cam kết về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Thứ tư, liên quan đến giảm phát thải, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch cụ thể về các nội dung liên quan đến tín chỉ các bon để giúp người dân xây dựng sản phẩm sản xuất mang thương hiệu giảm phát thải khí nhà kính, tham gia thị trường tín chỉ các bon.

Hệ thống giám sát MRV là vấn đề quan trọng trước hết đối với các ngành, đặc biệt là ngành trồng trọt (trong đó có Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp). Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu điều chỉnh và xây dựng khung với sự tham gia của các chuyên gia để có phương thức đo đạc, báo cáo, và thẩm định (MRV) hiệu quả vừa để đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), vừa bán được sản phẩm ở dạng phát thải thấp, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của nông dân. 

Thứ năm, Bộ đang rà soát quy định về vật tư đầu vào, công nghệ mới để thúc đẩy tiếp cận giống mới, thuốc BTVT thế hệ mới… từ đó góp phần điều chỉnh quy trình canh tác, giảm chi phí sản xuất, hiệu quả sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính. 

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.