Hiệu quả bước đầu từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Nửa đầu tháng 10, xuất khẩu cà phê đạt hơn 125 triệu USD. Gia Lai: Sẽ có 33 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thanh Hóa: Lo sạt lở đất, dân dựng lều sống tạm.
Tin 1
Hiệu quả bước đầu từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Thực hiện: Văn Vũ
Một năm qua, Bộ NN-PTNT cùng với các địa phương và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) triển khai 7 mô hình thí điểm Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” trên địa bàn 5 tỉnh, thành gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Đến nay, các mô hình đều cho hiệu quả rất tốt.
Hiện, 4/7 mô hình thí điểm vụ hè thu 2024 đã báo cáo, với kết quả tích cực: giảm 20-30% chi phí sản xuất; năng suất tăng 10%; thu nhập của nông dân tăng thêm 20-25%; giảm trung bình 5-6 tấn CO2 tương đương trên mỗi ha. Đặc biệt, tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg. Kết quả đạt được từ các mô hình thí điểm đã tạo khích lệ lớn cho các hộ nông dân và HTX tin tưởng và tiếp tục tích cực tham gia Đề án 1 triệu ha.đề án 1 triệu ha.
Tin 2
Nửa đầu tháng 10, xuất khẩu cà phê đạt hơn 125 triệu usd
Thực hiện: Linh Giang - Văn Vũ
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 10, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 21.489 tấn, kim ngạch 125,8 triệu USD, giảm 23,2% về lượng và 21,1% về kim ngạch so với nửa cuối tháng 9, nhưng tăng 20,5% về lượng và 98% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến ngày 15 tháng 10, Việt Nam đã xuất khẩu 1,13 triệu tấn cà phê với kim ngạch thu về 4,44 tỷ USD, giảm 11,1% về lượng nhưng tăng 39,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, mặc dù sản lượng giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn thiết lập mức cao kỷ lục mới chỉ sau hơn 9 tháng, vượt qua con số 4,24 tỷ USD đạt được trong cả năm 2023.
Tin 3
Gia Lai: sẽ có 33 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Linh Giang - Văn Vũ
Những năm qua, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được chú trọng tại tỉnh Gia Lai. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 18 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 3.400ha, tập trung vào các sản phẩm chính như bơ, sầu riêng, thanh long, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa, dược liệu… Tỉnh có 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Gia Lai cũng đã thu hút được 295 dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, hơn 130 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư. Địa phương này định hướng đến năm 2030 phát triển lên 33 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, công nhận từ 8 - 10 doanh nghiệp đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tin 4
Thanh Hóa: lo sạt lở đất, dân dựng lều sống tạm
Thực hiện: Quốc Toản
Do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở đất, toàn xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa có hơn 30 hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ và nguy cơ cao sạt lở đất. Trong đó có 5 hộ dân với hơn 19 nhân khẩu tại thôn Ấm Hiêu phải di dời khẩn cấp tới vị trí khác. UBND xã Lũng Cao đã bố tạm quỹ đất để các hộ dựng lều, lán tránh trú tạm thời, đồng thời hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà con ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, tại nơi tạm trú, cuộc sống sinh hoạt của nhiều hộ dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Khi mưa to gió lớn, các gia đình đều phải di chuyển chỗ ở, tránh trú tạm tại các nhà dân lân cận. Dù địa phương đã đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí quỹ đất, di dời người dân đến chỗ ở mới để ổn định cuộc sống lâu dài do ảnh hưởng thiên tai, thế nhưng sau 3 tháng người dân vẫn phải cư trú tạm ở những lều lán ven đường.