* Xuất khẩu đạt 1 triệu USD
Việt Nam ngày một tham gia nhiều hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trước ngưỡng cửa hội nhập sâu, nhiều doanh nghiệp, HTX, cả nông hộ buộc thay đổi cách nghĩ cách làm để bắt kịp xu thế chung. NNVN mở chuyên mục: Thực phẩm sạch, ai làm, bán ở đâu?, nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong sản xuất nông sản chất lượng, an toàn, vì cộng đồng...
Trong năm nay, An San SX khoảng 2 triệu bánh, đạt doanh số gần 1 triệu USD, đồng thời chuyển sản phẩm vào trong bộ món ăn Nhật (món tempura gồm cá, hải sâm chiên với nước sốt cá - cua - tôm).
Bánh phối chế Kakiage
Sản phẩm có các thành phần chính gồm khoai lang (nướng, hấp, chiên), đậu bắp hấp, ớt chuông cắt sợi, củ sen hấp, bắp non hấp, bí ngồi hấp, nông sản trộn, xoài cắt hạt lưu, cà tím (hấp, nướng, tươi)…
Phòng Nghiên cứu phát triển sản phẩm của nhà máy trải qua quá trình tìm tòi nhu cầu, thị hiếu khách hàng, tìm hiểu sản phẩm mới và tốn khá nhiều thời gian thử nghiệm với nhiều công thức. Sau cùng, sản phẩm bánh phối chế Kakiage cải tiến đã được khách hàng tín nhiệm.
Bánh Kakiage được chế biến từ bột mì, khoai tây, khoai môn, khoai lang, cà rốt, hành tây… trộn với con ruốc. Tiếp theo nhà máy đã thử nghiệm tăng thêm thành phần tôm thịt bên trên bánh để bánh hấp dẫn hơn và thêm các loại nông sản khác như đậu que, củ sen, tần ô...
Bước đầu SX thử nghiệm bán ra thị trường khá tốt, nhà máy nâng quy mô chế biến, xuất khẩu. Năm 2013 nhà máy chế biến đạt dấu mốc gần 0,9 triệu bánh; năm 2014 SX tăng lên gần 1,5 triệu bánh.
Theo các cán bộ kỹ thuật nhà máy, về nguyên liệu ở nước ta có nguồn nông - thủy sản dồi dào. Trong đó con tôm được cung cấp từ Cty Sao Ta. Tất cả các thành phần nguyên liệu được chọn lọc kỹ lưỡng, không có dư lượng nông dược quá mức quy định của thị trường tiêu thụ. Con ruốc phải đặt hàng ở cơ sở chế biến riêng, kiểm tra nghiêm ngặt không lẫn tạp chất.
Bánh Kakiage mới có thêm tôm, giá đắt gấp 3 lần mẫu bánh gốc
Tuy nhiên, khó nhất là khâu chế biến thử nghiệm ban đầu, tìm hương vị sản phẩm phải phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Hơn nữa sản phẩm xuất sang Nhật Bản phải bị kiểm tra kháng sinh (tôm) lẫn nông dược (thành phần củ quả).
Do có nhiều rủi ro nên sản phẩm không thể phát triển nhanh từ đầu và phải có thời gian thử nghiệm rõ ràng mới mạnh dạn mở rộng kênh tiêu thụ. Sau này sản phẩm cải tiến, khi có thêm tôm trên bề mặt sản phẩm, khiến sản phẩm bắt mắt hơn. Nhưng liền theo đó, giá tiêu thụ tăng và phải mất thêm một thời gian để người tiêu dùng quen dần với sản phẩm có tính chất cao cấp.
Giải mã công nghệ
Bánh Kakiage nghe qua tưởng dễ, nhưng khó làm. Nhóm kỹ thuật viên của nhà máy An San cho rằng, phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, từ giai đoạn khởi đầu thực nghiệm trên những khuôn bánh, điều chỉnh khuôn để lấy bánh sau khi chiên ra dễ dàng mà không bị gãy.
Kế đến cần có kinh nghiệm trong việc khi thay đổi nhân bên trong bánh mà không làm ảnh hưởng đến màu sắc sau khi chiên. Vì bánh có nhiều thành phần rau củ, trong đó có loại chín nhanh như hành tây, rau tần ô… còn loại lâu chín là cà rốt, khoai tây. Do vậy đòi hỏi kỹ thuật chiên bánh sao cho các loại rau củ chín nhanh không bị khét hoặc bị chuyển màu.
Một yếu tố khác nữa là cách định hình bánh sau khi chiên, bánh có nhiều lỗ hổng bên trong (giống như tầng ong) để dầu chiên có thể len lỏi vào giữa làm cho bánh được chín đều. Nếu không có kỹ năng này sẽ làm cho bánh bị sống ở chính giữa hoặc bị khét vàng bên ngoài, do chiên thời gian lâu nhằm làm chín ở giữa bánh. Vì vậy cần khéo léo và nhanh tay. Nếu không làm nhanh tay, bánh sẽ bị sụp, các lỗ hổng bên trong không có sẽ dẫn đến việc bị dạt bỏ trước khi vô bao bì.
Có thể nói bánh nông thủy sản phối chế Kakiage có tính sáng tạo, cải tiến về công thức lẫn thành phần so bánh truyền thống của Nhật Bản. Trước đây bánh Kakiage phần lớn được SX tại nước này và tiêu dùng ngay. Sản phẩm chế biến theo từng công thức riêng biệt cho riêng chuỗi nhà hàng sẽ tạo ra nét hẫp dẫn riêng.
Hơn nữa, sản phẩm chế biến tại nhà máy thực phẩm An San có các công thức không hoàn toàn giống những sản phẩm đã có nhưng đã thuyết phục được người tiêu dùng.
Triển vọng thị trường
Hiện nay bánh Kakiage được SX với số lượng lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng. Ban đầu từ một đầu mối tiêu thụ ở Nhật Bản, đến nay phát triển tăng lên 3 đầu mối. Sản phẩm đạt năng suất, chất lượng và hình thức mẫu mã, từ đó sản lượng tăng mạnh qua từng năm.
Bánh Kakiage (mẫu bánh gốc)
Hiện sản phẩm đạt gần 1/3 doanh số xuất khẩu chung của nhà máy. Đây là sản phẩm không có đối thủ ở Việt Nam, có tính cạnh tranh cao, dễ tiêu thụ trong nước và hiện xuất khẩu 100% sang Nhật Bản, tỉ suất lợi nhuận trên 20% so doanh số của nhà máy.
Ông Hồ Quốc Lực, Tổng GĐ Cty Sao Ta nhận định: Sản phẩm bánh Kakiage làm phong phú sản phẩm nông sản xuất khẩu, tăng giá trị hàng nông thủy sản, tạo việc làm và tăng sức cạnh tranh, tăng uy tín hàng Việt, đồng thời góp phần phục vụ phát triển SX, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu, ngành nghề.
Sản phẩm được tiêu thụ tốt, có điều kiện để DN cải thiện giá mua nông sản, góp phần thúc đẩy SX theo quy trình chuẩn mực (GAP), góp phần hình thành chuỗi giá trị sản phẩm. Sản phẩm chế biến đạt các chuẩn ISO và đươc tiêu thụ trong các chuỗi siêu thị Nhật Bản.
Theo nhiều ý kiến nhận xét của người tiêu dùng, sản phẩm thân thiện môi trường nhờ chế độ kiểm soát nghiêm ngặt về dư lượng thuốc kháng sinh, BVTV và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Đặc biệt trong những năm qua, tất cả các lô hàng xuất khẩu vào Nhật Bản đều thông quan 100%. Bánh nông thủy sản phối chế Kakiage – sản phẩm tinh chế đạt giá trị gia tăng hứa hẹn mở ra thêm nhiều triển vọng mới trên thị trường xuất khẩu.