Hồ thủy điện Thác Bà đã ngừng xả lũ, những thiệt hại của người dân, doanh nghiệp vẫn ngổn ngang, cần có những biện pháp khắc phục để sớm ổn định cuộc sống người dân.
Ông Lê Hồng Công ở tổ dân phố 4, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình cho biết, đây là đợt xả lũ lịch sử từ năm 1996 đến giờ. Các gia đình khi biết thông tin xả lũ không nghĩ lưu lượng nước lại lớn như vậy, không chủ động di dời tài sản đến chỗ cao, khiến nhiều đồ đạc, máy móc bị hư hỏng.
Trước đây, khi thủy điện xả lũ nước tiêu thoát nhanh, nhưng hiện tại thủy điện Thác Bà 2 (cách thủy điện Thác Bà khoảng 9km) đang xây dựng dưới hạ lưu, các hạng mục chưa hoàn thành, gây tắc dòng chảy, dẫn đến ùn ứ, ngập úng và sạt lở nhiều vị trí giáp bờ sông.
Cùng quan điểm với ông Công, ông Phạm Kim Thao ở thị trấn Thác Bà chia sẻ, sau khi nước rút bờ kè và chuồng lợn bị sụt trượt, trôi xuống sông. Nhà cửa bên trong nứt toác và có nguy cơ bị cuốn xuống sông bất cứ lúc nào. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do thiên tai, lũ từ thượng nguồn dồn xuống, một phần do các thủy điện trên sông Chảy gây ra.
Tại khu vực cầu Thác Ông, huyện Yên Bình, dọc 2 bên bờ sông Chảy nhiều điểm bị sạt trượt nguy hiểm, nhiều ngôi nhà bị nứt gẫy, sụt lún phía giáp bờ sông. Một số hộ dân phải di dời khẩn cấp do bị nứt móng, sạt trượt hàm ếch, có nguy cơ bị trôi sụt xuống sông. Các địa điểm khác, người dân đã dọn đồ đạc về nhà, hiện đang dọn dẹp, vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Sơn Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Thác Bà cho biết, việc xả lũ của hồ thủy điện kết hợp với mưa lớn kèo dài nhiều ngày trong khu vực đã làm mực nước sông Chảy dâng cao hơn 4 mét. Tại thị trấn Yên Bình nhiều tài sản, vật kiến trúc của hàng chục hộ dân đã bị ngập úng, sạt lở phải di dời khẩn cấp. Hiện nay, một số ngôi nhà có những vết nứt lớn chỉ chực chờ sạt xuống sông, các hộ dân chưa thể quay về nơi ở cũ.
Chính quyền thị trấn huy động lực lượng hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại khắc phụ hậu quả, dọn dẹp vệ sinh nhà ở, chuồng trại chăn nuôi. Chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện phun khử khuẩn Cloramin B đối với các giếng nước đã xử lý nước để đảm bảo vệ sinh.
Qua thống kê của UBND huyện Yên Bình, trong đợt xã lũ vừa qua đã gây ảnh hưởng thiệt hại gần 60 hộ gia đình và hàng chục cơ sở sản xuất gỗ trên địa bàn các xã: Yên Bình, Hán Đà, Vĩnh Kiên và thị trấn Thác Bà.
Ông An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy Yên Bình cho biết thêm, đối với ý kiến của người dân về nguyên nhân nhà máy thủy điện Thác Bà xả lũ gây ngập, địa phương sẽ tiếp thu và phối hợp với các đơn vị liên quan để trả lời công khai tới người dân.
Hiện, địa phương đang rà soát các hộ bị ảnh hưởng, thiệt hại cùng phối hợp Nhà máy thủy điện kịp thời tới thăm hỏi, chia sẻ, động viên người dân nhanh chóng ổn định sản xuất và sớm đưa cuộc sống, sinh hoạt trở lại bình thường.
Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn để chủ động, kịp thời, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của người dân. Ngoài ra, xác định các khu vực trọng điểm xung yếu, các khu vực có nguy cơ sạt lở, bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Các địa phương bị thiệt hại trong đợt xả lũ hồ thủy điện vừa qua đang tiếp tục phối hợp với Công ty CP Thủy điện Thác Bà khẩn trương rà soát thiệt hại, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Thác Bà trần tình, sau gần ba thập kỷ hồ thủy điện mới phải xả lũ bởi áp lực nước lũ từ thượng nguồn dồn về, đây là việc làm bất khả kháng nhằm tránh xảy ra thảm họa lớn hơn.
Ngay sau khi nhận được Công điện của Bộ NN-PTNT, công ty lập tức cho phát thanh cảnh báo và cho phương tiện thông báo bằng loa tay dọc theo tuyến đường khu vực ven sông để người dân di chuyển người, tài sản. Ngoài ra, công ty còn có 7 trạm phát thanh cảnh báo được lắp đặt từ phía nhà máy về tới huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) để thường xuyên thông báo lịch cắt điện và thông báo xả lũ. Tuy nhiên, việc xả lũ năm nay đã gây ra những thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp phía hạ du, công ty chia sẻ những khó khăn của bà con.
Đơn vị đang phối hợp cùng chính quyền địa phương lên danh sách những hộ bị ảnh hưởng, trước tiên sẽ đi thăm hỏi, động viên một phần. Việc sau này hỗ trợ người dân như thế nào, công ty chưa thể cam đoan, do chưa hết mùa mưa, không biết tới đây tình hình thời tiết như thế nào, có tiếp tục xả lũ nữa không. Phương án cụ thể sẽ tính toán sau khi mùa mưa lũ kết thúc.
Trong thời gian tới, nếu công ty bắt buộc phải xả lũ, mong muốn người dân sẽ chủ động hơn khi có thông báo, các địa phương sẽ phối hợp quyết liệt hơn trong việc di dời người và tài sản để giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra.
Hiện nay, mùa mưa bão vẫn đang diễn ra phức tạp tại khu vực phía Bắc, lượng nước trong các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đang ở mức cao. Nguy cơ các hồ chứa tiếp tục phải xả lũ trong thời gian tới rất lớn. Chính vì vậy, các địa phương, người dân khu vực hạ du cần cảnh giác cao độ và có phương án, giải pháp nhanh và hiệu quả hơn với các tình huống nguy hiểm để giảm thiểu thiệt hại.