| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi bứt phá chuyển đổi cây trồng [Bài 3]: Giá trị cốt lõi phát triển nông nghiệp

Chủ Nhật 11/06/2023 , 15:00 (GMT+7)

Nhờ hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, nền nông nghiệp Tây Ninh đã và đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, nâng cao đời sống người nông dân.

Hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh khi nói về hạ tầng thủy lợi của tỉnh so với các địa phương trên toàn quốc.

“Thủy lợi tại tỉnh Tây Ninh có ưu điểm lượng nước phong phú, dồi dào, đủ cho nhu cầu của người dân quanh năm. Phần lớn là tưới tự chảy nên người dân không tốn chi phí điện, nhiên vật liệu để bơm vào cánh đồng hoặc bơm ở mực nước tương đối gần mặt đất nên chi phí rẻ, thuận lợi”, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho hay.

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” - kinh nghiệm của cha ông luôn đề cao vai trò của nước, thủy lợi trong sản xuất nông nghiệp nói chung. Nhất nước - Tây Ninh đặc biệt có ưu điểm về vấn đề này.

Tây Ninh có hệ thống kênh thủy lợi dày đặc, chỉn chu và đáp ứng chủ động cho hầu hết đất canh tác trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Lê Bình.

Tây Ninh có hệ thống kênh thủy lợi dày đặc, chỉn chu và đáp ứng chủ động cho hầu hết đất canh tác trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Lê Bình.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi Tây Ninh cho thấy, tổng số kênh tưới của các hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh là 1.742 tuyến, với tổng chiều dài trên 1.600km. Tuyến kênh được kiên cố hoá đạt tỷ lệ gần 72%, đây là tỉ lệ khá cao so với các tỉnh khu vực phía Nam.

Ngành nông nghiệp Tây Ninh có lợi thế đặc biệt mà không phải nơi nào cũng có được, là hệ thống thủy lợi khá đồng bộ, với hồ chứa nước Dầu Tiếng - Phước Hòa quy mô lớn nhất nước, có thể tưới tiêu chủ động cho 47.000ha đất canh tác.

Nhìn chung, hạ tầng thủy lợi đã và đang được đầu tư từng bước theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cấp nước cho dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực cho tỉnh và quốc gia; làm thay đổi tập quán sản xuất, cơ cấu cây trồng, tăng hệ số sử dụng đất, hình thành các vùng sản xuất chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, chủ động nguồn nước tưới, tiêu, giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai như hạn hán, lũ lụt gây ra.

Nhờ thủy lợi, Tây Ninh cũng hình thành Dự án Phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất tập trung nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, các vùng chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, với diện tích trên 8.300ha tại các xã Suối Đá, Phan (huyện Dương Minh Châu).

Tỉ lệ kiên cố hóa hệ thống thủy lợi của tỉnh Tây Ninh đạt hơn 72% và tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và mở rộng trong những năm tới. Ảnh: Trần Trung.

Tỉ lệ kiên cố hóa hệ thống thủy lợi của tỉnh Tây Ninh đạt hơn 72% và tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và mở rộng trong những năm tới. Ảnh: Trần Trung.

Đặc biệt là dự án trọng điểm tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông phục vụ tưới tiêu cho trên 16.900ha đất nông nghiệp, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi cho người dân 2 huyện Châu Thành và Bến Cầu.

“Tổng diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2022  trên 40.000ha, chủ yếu từ các cây trồng kém hiệu quả: lúa, cao su, mía sang trồng các loại cây ăn trái tiềm năng có giá trị cao như nhãn, sầu riêng, bưởi, mít và chuyển sang trồng các cây hằng năm như bắp, mì, rau các loại, nâng giá trị sản phẩm bình quân thu được trên đất trồng trọt đến năm 2022 đạt 106 triệu đồng/ha, tăng 12,9% so với năm 2017”, ông Nguyễn Đình Xuân khẳng định.

Tây Ninh đặc biệt có ưu điểm về vấn đề thủy lợi. Nhờ đó, cây cối xanh tốt phát triển, cho năng suất cao. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh đặc biệt có ưu điểm về vấn đề thủy lợi. Nhờ đó, cây cối xanh tốt phát triển, cho năng suất cao. Ảnh: Trần Trung.

“Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh bảo đảm cấp và tạo nguồn cấp nước cho 310.000 - 340.000ha đất nông nghiệp, tiến tới chủ động cấp nước cho 90% diện tích lúa 2 - 3 vụ, 68.000 - 69.000ha cây công nghiệp hằng năm, 50.000 - 70.000 ha cây ăn trái và cây công nghiệp lâu năm…”, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.

Thủy lợi sẽ giúp Tây Ninh tạo đột phá

Tây Ninh những năm gần đây được coi như điểm sáng thu hút các nhà đầu tư nông nghiệp nói chung. Từ một địa phương không có mặt hàng nào xuất khẩu, đến nay kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh hàng năm luôn đạt vài tỷ USD. Từ tỉnh chỉ có một vài doanh nghiệp nhỏ chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, đến nay đã có trên 5.300 doanh nghiệp.

Để có được sự đột phá ấy về thu hút đầu tư, mời gọi thành công các doanh nghiệp về với Tây Ninh, ngoài chính sách thu hút đầu tư thì hệ thống thủy lợi - giá trị cốt lõi để phát triển nông nghiệp được đặt lên hàng đầu.

Hệ thống kênh tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 1 chính thức đi vào hoạt động, mở ra nhiều triển vọng cho huyện Bến Cầu. Ảnh: Lê Bình.

Hệ thống kênh tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 1 chính thức đi vào hoạt động, mở ra nhiều triển vọng cho huyện Bến Cầu. Ảnh: Lê Bình.

Mới đây, dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông - giai đoạn 1 chính thức được vận hành, đi vào khai thác vào quý I/2023.

Cuối tháng 3/2023, Đoàn công tác Ban Thường vụ Tỉnh uỷ do ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có buổi khảo sát thực tế dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông này.

Từ khi đầu tư hệ thống thủy lợi, nhất là dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, bộ mặt nông nghiệp huyện Bến Cầu thay đổi rõ rệt. Từ một huyện chỉ có cây lúa nước là thế độc canh, đến nay trên địa bàn Bến Cầu bạt ngàn là những cánh đồng bắp sinh khối và đàn bò lên tới hàng ngàn con. Bắp sinh khối dễ trồng, lợi nhuận cao lại được bao tiêu sản phẩm để làm thức ăn cho gia súc nên người dân ở đây yên tâm mở rộng diện tích canh tác.

Nơi đây cũng có trang trại bò sữa của Vinamilk với tổng diện tích 663,5ha. Trang trại nằm trong hệ thống trang trại chuẩn GlobalGAP lớn nhất châu Á của Vinamilk và được tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 một cách toàn diện trong quản lý trang trại và chăn nuôi bò sữa. Sản lượng sữa hiện đạt 34 triệu kg, tạo doanh thu bán sữa gần 500 tỷ/năm.

Nhờ nguồn nước dồi dào, chủ động mà Tây Ninh đang trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước trong đầu tư sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi quy mô lớn. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ nguồn nước dồi dào, chủ động mà Tây Ninh đang trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước trong đầu tư sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi quy mô lớn. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ tuyến kênh thủy lợi phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, các vấn đề nước tưới vào đỉnh điểm mùa khô hạn cho doanh nghiệp và người dân trong vùng dự án được giải quyết triệt để.

Với những lợi thế ấy về mặt thủy lợi nói riêng, Vinamilk chuẩn bị đầu tư xây dựng tổ hợp nhà máy sữa và trang trại bò sữa số 2. Theo đó, đối với tổ hợp nhà máy sữa sẽ có công suất chế biến sữa 100 tấn/ngày. Mục tiêu dự án là sản xuất, chế biến sữa thành phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; cùng với mở rộng nguồn cung sữa tươi nguyên liệu từ trang trại Vinamilk Tây Ninh. Dự kiến năm 2025 dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Mới đây, lần đầu tiên Tây Ninh tổ chức diễn đàn quốc tế thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết, Tây Ninh đã xác định 4 đột phá chiến lược của tỉnh. Trong đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị là một trong những đột phá quan trọng góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm, phát triển bền vững và người nông dân Tây Ninh có thể sống và làm giàu từ nông nghiệp.

Ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đặt niềm tin vào những tiềm năng dồi dào từ Tây Ninh. Đây là mảnh đất được ví von như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, cần được đánh thức tiềm năng và phát huy vai trò. Ông Gabor Fluit cũng cho biết, cùng với lợi thế tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài thì thủy lợi Tây Ninh với hệ thống kênh ngòi dày đặc, hoàn thiện cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để các doanh nghiệp EuroCham quyết định “dịch chuyển” về Tây Ninh để đầu tư, phát triển.

Dự kiến, hơn 4.600 tỷ đồng sẽ được các nhà đầu tư mang về cho Tây Ninh thông qua các dự án phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.

Xem thêm
Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM

Bộ trưởng Bộ Xây dựng được Bộ Chính trị điều động, chỉ định giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

‘Tết này mình có nhà mới rồi…’

Quảng Bình Ngày áp Tết, bản Dốc Mây như bừng sáng lên bởi nhiều căn nhà mới đã được khánh thành và đưa vào sử dụng…

Xuân về trên đỉnh mù sương

Chớm xuân, Y Tý rét cắt da cắt thịt, mây mù bao phủ khắp nơi còn người Hà Nhì đã sẵn sàng đón Tết trong những mái nhà trình tường ấm cúng.

Bình luận mới nhất