Lan nở hoa trên đất lúa
Vài năm trở lại đây, Tây Ninh đang chủ động nguồn hoa lan trên địa bàn. Khi được hỏi nguồn nhập hoa lan tại shop hoa, chị Hương - chủ tiệm hoa trên đường 30/4, phường 3, TP Tây Ninh cho biết hầu hết hoa lan tại tiệm là lan tại địa phương.
“Các dòng lan tại tiệm chúng tôi chủ yếu là Ngọc Điểm, Dendro và Mokara, số ít là Hồ Điệp. Chỉ riêng lan Hồ Điệp là tôi lấy mối từ Đà Lạt chuyển xuống, còn các loại khác thì ở Tây Ninh mình trồng nhiều lắm, hoa tươi mà giá lại rẻ hơn so với nhập từ nơi khác”, chị Hương cho hay.
Theo thông tin của bà chủ shop hoa, ven theo kênh Đông (thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa), chúng tôi đến thăm vườn hoa lan Hoàng Hòa, tại xã Bàu Đồn huyện Gò Dầu.
Nằm bên dòng kênh Đông với nguồn nước quanh năm dồi dào, vườn hoa Hoàng Hòa với diện tích rộng 2ha đang độ trổ bông, khoe sắc và ngát hương. Mắt thấy, tai nghe và tận tay cắt cành hoa lan khiến chúng tôi thật sự bất ngờ: “Ở Tây Ninh đầy nắng và gió mà hoa lan khoe sắc và tốt tươi thế này sao?”.
Tiếp chuyện, anh Nguyễn Hoàng Hòa cười như được mùa trước câu hỏi của chúng tôi. Đây cũng chính là thắc mắc từ 20 năm trước khi anh quyết định về Tây Ninh để “gieo mầm” lan, cùng với đó là sự ngờ vực và những tiếng chát chúa của nhiều người khi anh quyết định về Bàu Đồn trồng lan.
“Ai cũng bảo tôi là dân Sài Gòn có tiền chơi ngông, đốt tiền khi về Tây Ninh trồng hoa lan. Tây Ninh nắng, nóng, mưa chưa kịp rơi xuống đã vội bốc hơi thì lấy đâu ra hơi ẩm, khí hậu ôn hòa để trồng hoa lan. Tôi chỉ nhìn dòng kênh Đông này mà cười, gạt đi những định kiến và vững tâm làm, hi vọng. Nhìn những cành hoa lan này đi, đó là câu trả lời”, anh Hoàng Hòa tâm sự.
Vừa chia sẻ, anh Hòa dẫn chúng tôi đi khắp các luống, giàn hoa lan tại vườn. Nguyên “trang trại” hoa lan rộng 2ha này được anh trồng rất nhiều loại khác nhau nhưng chủ yếu được tập trung vào 2 dòng là Dendro và Mokara, mỗi ngày cho thu hoạch và cung cấp cho thị trường ít nhất 1.000 cành hoa lan. Với giá bình quân từ 10.000 - 13.000 đồng/cành, vườn lan của anh Hòa đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/ tuần.
20 năm trước - thời điểm anh Hoàng Hòa quyết định về Tây Ninh trồng hoa lan, lúc đó Bàu Đồn còn hoang hóa, chỉ toàn lúa nước. Trước đó, anh cũng đã rất thành công với những vườn lan tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng cũng mang nhiều nét tương đồng, khiến anh thêm vững tin, quả quyết.
“Tây Ninh có một lợi thế mà hiếm có nơi nào có được, chính là nước. Nguồn nước dồi dào, không bao giờ sợ khô hạn. Nhờ bên cạnh dòng kênh Đông, vườn lan của tôi luôn được mát mẻ, như một vùng tiểu khí hậu riêng so với những nơi khác. Nước đã sẵn, tôi chỉ cần thiết kế thêm nhà lưới, hệ thống phun sương… là giải quyết được câu chuyện nắng nóng. Chẳng thế mà các cụ nói có sai đâu: Có thủy, lợi ắt tới”, anh Hòa cười sảng khoái.
Cũng theo chủ vườn, thực tế Dendro và Mokara là dòng hoa lan phù hợp với khí hậu nóng. Quy trình sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ cao từ hệ thống nhà màng, nhà lưới, phun sương, châm phân kết hợp tưới tự động… thì lan vẫn sinh trưởng phát triển tốt, thậm chí, hoa nở đều và đẹp hơn so với những vùng khác.
Ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh đánh giá, Mô hình trồng lan cắt cành của anh Hòa được đầu tư bài bản, đáng để nông dân trong vùng học hỏi.
“Mô hình cho thu nhập cao hơn so với cây trồng khác tại địa phương trên cùng một đơn vị diện tích đất. Trong quy trình kỹ thuật về độ ẩm, nhiệt độ và quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nếu được kiểm soát tốt sẽ đạt năng suất cao”, ông Hà Thanh Tùng chia sẻ.
Hoa lan - hướng đi mới cho nông nghiệp Tây Ninh
Tây Ninh vốn nổi tiếng với những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: mãng cầu, sầu riêng, xoài, bưởi, mít, chuối… Những năm gần đây, trồng hoa lan cắt cành đang nở rộ, mang lại hiệu quả kinh tế cao và có tiềm năng lớn.
Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, tính đến đầu năm 2023, diện tích trồng hoa lan trên toàn tỉnh ước tính khoảng 187ha, tập trung nhiều tại huyện Trảng Bàng và Tân Châu. Các loại lan cắt cành được trồng chủ yếu là Dendrobium, Mokara, Hồ Điệp, Ngọc Điểm bởi tính thẩm mỹ với màu sắc đa dạng và giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh xác định hoa lan là một trong những cây trồng chủ đạo của nền nông nghiệp đô thị Tây Ninh.
“Với kĩ thuật khoa học công nghệ như hiện nay, Tây Ninh không phải không có điều kiện để trồng hoa lan mà chỉ là chúng tôi chưa có truyền thống trồng loại cây này. Thế nhưng những năm gần đây, phải nhìn nhận rằng nhu cầu tiêu thụ lan tại Tây Ninh khá cao và chính việc trồng hoa lan mang lại hiệu quả kinh tế”, ông Xuân chia sẻ.
Tại huyện Tân Châu, nhiều người giàu lên trông thấy từ cây lan Ngọc Điểm là một minh chứng. Chỉ từ 2-3 chậu lan Ngọc Điểm ban đầu với thú chơi điền viên, ông Lê Duy Hạnh (ấp Tân Trung, xã Tân Hà, huyện Tân Châu), nhiều lần mở rộng diện tích trồng lan lên đến 10.000m2.
Từ 2019, vườn lan này cũng được ông Hạnh đầu tư theo hướng công nghệ cao với nhà màng, hệ thống tưới phun sương…
Không dừng lại ở đó, ông Hạnh đã chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và cung cấp giống cho hơn 40 hộ nông dân khác trên địa bàn và thu mua lại sản phẩm của những hộ trồng này để an tâm sản xuất.
Mới đây, Hội Nông dân huyện Tân Châu đã hỗ trợ cho vay 150 triệu đồng cho 6 hộ tại xã Tân Hà để thực hiện trồng, chăm sóc hoa lan.
Xã Tân Hà được biết đến với địa phương trồng hoa lan nhiều nhất của tỉnh Tây Ninh, với gần 30ha. Nhiều hộ nông dân đang dần chuyển đổi canh tác từ các loại cây ăn trái khác sang trồng hoa lan, trong đó chủ yếu là Ngọc Điểm.
Ngoài vay vốn để phát triển, đầu tư các giống lan, những chủ vườn lan này còn được Hội Nông dân huyện Tân Châu hỗ trợ tập huấn chuyển giao kĩ thuật chăm sóc lan, trao đổi kinh nghiệm với những nghệ nhân có nhiều năm kinh nghiệm về hoa lan để chăm sóc hoa lan đạt hiệu quả cao.
Trung tâm khuyến nông Tây Ninh cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, hướng dẫn kĩ thuật trồng, chăm sóc hoa lan.
“Trung tâm khuyến nông Tây Ninh đã tổ chức nhiều cuộc tham quan, học tập kinh nghiệm trồng lan tại một số nhà vườn lâu năm trong tỉnh và khu vực TP.HCM. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các ban ngành tỉnh tổ chức các hội nghị, hội chợ nhằm xúc tiến thương mại nhằm tìm hướng đi cho cây hoa lan tại Tâu Ninh”, ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm khuyến nông Tây Ninh cho hay.
Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cũng từng khẳng định: “Ở Tây Ninh, người ta biến những thứ dường như không thể thành có thể”. Có lẽ, hoa lan phát triển mạnh mẽ và không ngừng tăng diện tích tại “chảo lửa” này là minh chứng sống động.
Đó còn là thành quả rõ nét của công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, dòng chảy của hồ đang xanh hóa, nở hoa trên những mảnh đất chúng đi qua. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân trồng hoa lan tại Tây Ninh được tăng thêm thu nhập, cuộc sống của người dân vùng biên giới này nhờ đó cũng khá lên từng ngày.
Tỉnh Tây Ninh đang sẵn sàng “đón đầu” làn sóng dịch chuyển trồng hoa lan từ TP.HCM. Huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi hiện đang là “thủ phủ” trồng hoa lan tại thành phố này. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh tại TP.HCM đang đe dọa đến diện tích trồng hoa lan nói riêng.
“Diện tích hoa lan bị thu hẹp mà nhu cầu thị trường ngày một tăng, đó cũng là bài toán mà các nhà vườn, nhà đầu tư phải giải. Đây chính là cơ hội cho Tây Ninh khi diện tích đất nông nghiệp chúng tôi còn khá lớn, nguồn nước dồi dào, chính sách luôn rộng tay với các nhà đầu tư. Hoa lan cũng thuộc nhóm hoa cảnh - cây kiểng mà ngành nông nghiệp Tây Ninh định hướng chú trọng phát triển. Đây chính là cơ hội kép cho chúng tôi”, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh kỳ vọng.