Thủy lợi như một “phép màu”
Cái nóng bức oi ả của nắng gió nơi vùng biên giới Tây Nam không làm vơi đi sự phấn chấn, vui vẻ, rộn rã tiếng nói cười của bà con xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu - “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Tây Ninh. Không vui sao được khi sầu riêng vừa được mùa lại được giá, chỉ cần sở hữu 100 gốc sầu riêng là bà con bỏ túi tiền tỷ như chơi. Theo người dân địa phương, để được thành quả như hôm nay, có công lớn từ hệ thống thủy lợi.
Ông Trần Quốc Hiệp - Trưởng ấp 6, xã Bàu Đồn cho biết: Trước kia, khu vực này được xem là vùng sâu, khu kinh tế mới, với địa danh Bến Sắn.
Hồi đó, đường đi lại còn khó khăn, người dân ở đây chủ yếu làm lúa và trồng hoa màu, do thiếu nước sản xuất, bà con chỉ làm được 1 vụ/năm. Cái đói cái nghèo bủa vây.
Thế nhưng, từ khi nhà nước đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, nước chảy đến đâu bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đến đó. Khu nào ẩm thấp thì canh tác lúa 3 vụ/năm, vùng gò đồi đều được chuyển đổi sang cây ăn quả, trong đó, chủ lực là cây sầu riêng.
“Chỉ tính sầu riêng, toàn xã Bàu Đồn có khoảng 1.000ha thì ấp 6 có hơn 200ha, hơn 50% diện tích sầu riêng trên 10 năm tuổi, bình quân mỗi ha cho năng suất từ 20 - 30 tấn/năm. Hiện giá sầu riêng đạt trên 50.000 đồng/kg đem lại thu nhập cho mỗi hộ hàng trăm triệu đồng, cá biệt có hộ thu nhập lên đến hàng tỷ đồng”, ông Trần Quốc Hiệp phấn khởi nói.
Ánh mắt lấp lánh niềm vui khi lau những giọt mồ hôi hạnh phúc lăn trên đôi má ửng hồng, bà Nguyễn Thị Nga năm nay ngoài 60 tuổi vẫn ngỡ như một giấc mơ, khi thủy lợi như “phép màu” đã giúp gia đình bà đổi thay kinh tế một cách ngoạn mục.
Bà Nga cho biết, gần 20 năm trước, cuộc sống người dân ấp 6 này và nhiều ấp tại xã Bàu Đồn rất khó khăn. Bà con khi ấy hầu hết đều đầu tư cây lúa, nhiều vụ mất mùa, giá thấp, không ít người phải cắm nợ để mua giống, phân bón...
“Từ khi có hệ thống thủy lợi, được huyện, xã hướng dẫn chuyển sang trồng cây ăn quả, ban đầu cũng hơi vất vả, nhưng bà con động viên nhau cố gắng, đến nay, ai cũng khá giả. Từ đầu tháng 4 đến nay, tôi đã bán hơn 7 tấn sầu riêng, giá 50.000 - 55.000 đồng/kg, trừ chi phí kiếm được hơn trăm triệu và vẫn còn khoảng hơn chục tấn trái trên cây”, bà Nga phấn khởi nói.
Hình thành vùng chuyên canh
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn cho biết, địa phương có nhiều kênh mương nằm trong hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa chảy về phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm qua, Đảng ủy, UBND xã định hướng cho người dân chuyển đổi cây trồng, từ sản xuất các loại cây có hiệu quả thấp chuyển sang các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Chủ trương này được người dân đồng tình ủng hộ và từng bước chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái, như măng cụt, bưởi da xanh, mít Thái... đặc biệt là trồng sầu riêng cho giá trị kinh tế cao.
“Xã Bàu Đồn có khoảng 3.000ha đất sản xuất lúa, từ khi thực hiện chuyển đổi, địa phương đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái với diện tích hơn 1.300ha. Trong đó, cây sầu riêng đã chiếm hơn 1.000 ha, với trên 800ha sầu riêng đang cho thu hoạch.
Nhờ chăm sóc tốt và áp dụng kỹ thuật hiệu quả nên hầu hết các vườn sầu riêng đều cho trái đạt yêu cầu, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân”, Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn chia sẻ.
Ông Dũng cho biết thêm, so với các vùng khác, trái sầu riêng Bàu Đồn có múi vàng ửng, ngọt thơm, cơm khô, không bị nhão nên được nhiều người ưa chuộng. Để từng bước tập hợp, liên kết những người trồng sầu riêng trên địa bàn theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiến tới tiêu thụ sản phẩm ổn định và bền vững, năm 2018, xã Bàu Đồn thành lập các tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái.
Khi các tổ hợp tác ra đời dần đi vào hoạt động ổn định, địa phương chủ trương sáp nhập, thành lập Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn nhằm tạo chuỗi liên kết đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng sầu riêng, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm thị trường bền vững cho sản phẩm sầu riêng Bàu Đồn.
Ông Phan Hoài Thịnh - Giám đốc HTX Cây ăn trái Bàu Đồn cho biết, HTX có 32 thành viên sản xuất trên 40ha. Từ năm 2021, đơn vị đăng ký vùng trồng, mã QR nhãn hiệu sầu riêng. Nhờ vậy, nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm cây ăn trái ở Bàu Đồn, đặc biệt trái sầu riêng do HTX sản xuất được quảng bá rộng rãi.
“Nhờ có tem nhãn, mã QR, người tiêu dùng có thể nhận biết được trái sầu riêng này là sản phẩm do HTX phân phối, cũng như biết được loại trái cây này có xuất xứ từ Bàu Đồn. Hiện tại, trái sầu riêng của HTX đã có mặt tại các cửa hàng, hệ thống siêu thị trên toàn quốc, đặc biệt tại Hà Nội…”, ông Thịnh phấn khởi nói.
“Hướng tới, xã Bàu Đồn sẽ tăng cường tuyên truyền vận động người dân tham gia HTX để tạo nguồn đầu ra ổn định, vững chắc, tránh bị thương lái ép giá. Hiện tại, HTX cây ăn trái Bàu Đồn đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp xuất khẩu cây ăn trái, đặc biệt là trái sầu riêng, với giá cả ổn định, thuận tiện hơn trong quá trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm…”, Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn nhấn mạnh.
Phát triển du lịch vườn sầu riêng
Vài năm trở lại đây, mỗi khi mùa sầu riêng chín cũng là lúc nhà vườn Tây Ninh tất bật chuẩn bị đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm và thưởng thức trái cây tại vườn.
Từ giữa tháng 5/2023, vườn sầu riêng Ri6 của anh Lương Văn Hùng (ấp 7, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu) đón trung bình khoảng 10 lượt khách từ các nơi đến tham quan và thưởng thức. Không giống như các nơi có thu phí thăm vườn, anh Hùng lại miễn phí để khách thưởng lãm. Thay vào đó, hầu hết khách đều muốn hái trực tiếp sầu riêng, ăn tại vườn và mua mang về. Đây cũng là cách tiếp thị và bán tại vườn rất thành công.
"Nhìn khách tham quan say mê ngắm nghía và muốn tự tách trái sầu riêng, ăn ngon lành tại vườn là mình thấy vui rồi. Trái sầu riêng cũng như đứa con tinh thần của mình vậy thôi, được mọi người đón nhận là vui lắm chứ. Mỗi ngày đón khách như thế này, mình cũng bán được từ hơn trăm đến vài trăm kg sầu riêng, đỡ phải trông chờ vào thương lái hay đem bán. Với hơn 40 gốc sầu riêng trên 20 năm tuổi, gia đình bán được trên 500 triệu đồng cả vụ", anh Hùng chia sẻ.
Ở Bàu Đồn, nông dân được lợi khá nhiều khi có sự liên kết với HTX cây ăn trái Bàu Đồn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt OCOP 4 sao. Điều này cũng khiến cho tên tuổi của "thủ phủ" sầu riêng Bàu Đồn thêm nức tiếng, vang danh hơn.
Cùng gia đình chạy xe hơn 30km từ TX Hòa Thành tới xã Bàu Đồn, chị Trang Thị Thơ (43 tuổi) không giấu được sự thích thú khi tự tay tách trái sầu riêng tại vườn, thưởng thức những múi sầu riêng Ri6 ngọt lịm, vàng ươm, thơm lừng.
Chị Thơ chia sẻ: "Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Tây Ninh nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp hái, tách múi sầu riêng. Cảm giác ấy thật tuyệt vời mà không phải tự dưng có được. Cũng là cầm trái sầu riêng, ăn múi nhưng việc mua ngoài chợ về với việc ăn tại vườn thì nó tuyệt vời hơn nhiều".
Ngoài “thủ phủ” sầu riêng Bàu Đồn, các nhà vườn trồng măng cụt, dâu da, chôm chôm ở Chà Là, Truông Mít (huyện Dương Minh Châu), Trường Đông, Trường Hòa (TX Hòa Thành)... đang thu hút khá đông du khách. Nhiều nhà vườn còn thiết kế, xây dựng tiểu cảnh đẹp mắt và cung cấp nhiều dịch vụ trải nghiệm hấp dẫn nhằm thu hút du khách.