| Hotline: 0983.970.780

Thủy nông mong ngày hết khó: [Bài 3] 'Tôi tin Nhà nước không bỏ rơi'

Thứ Tư 24/07/2024 , 09:50 (GMT+7)

Đắk Lắk 'Nhà nước đã giao cho chúng ta 2 chữ 'công ích' rồi thì sẽ không bao giờ bỏ rơi', ông Phạm Hữu Thành, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Krông Pắc, đặt niềm tin.

Gắn bó 33 năm, chứng kiến sự thay đổi của ngành thủy lợi

Tiếp chúng tôi tại trụ sở Chi nhánh Thủy lợi Krông Pắc (Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình thủy lợi Đắk Lắk), ông Nguyễn Đình Kiểm được xem là nhân viên gắn bó lâu nhất tại đây, với 33 năm.

Năm 1987, chàng trai quê gốc Thái Bình vào Đắk Lắk đi học học rồi xin vào Xí nghiệp thủy nông huyện Krông Pắc làm việc. Sau 14 năm làm thủy lợi, ông Kiểm được biệt phái 11 năm qua Ban quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 8, tham gia xây dựng công trình hồ Krông Búk Hạ.

Ông Nguyễn Đình Kiểm gắn bó với ngành thủy lợi hơn 33 năm, chứng kiến sự thay đổi của nghề. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Đình Kiểm gắn bó với ngành thủy lợi hơn 33 năm, chứng kiến sự thay đổi của nghề. Ảnh: Quang Yên.

Thời điểm mới vào nghề, lương của ông Kiểm chỉ được 30 nghìn đồng nhưng thu được thủy lợi phí thì mới có lương. Đến năm 1992, tỉnh Đắk Lắk thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình thủy lợi Đắk Lắk rồi sáp nhập Xí nghiệp vào, nhưng nhân viên thủy nông vẫn sống bằng nguồn thu phí thủy lợi.

“Thời điểm đó tôi được phân công thu phí của Hợp tác xã Ea Phê 1. Lúc này hợp tác xã hoạt động có hiệu quả nên thu được thì anh em mới có lương. Gần đến tháng lương thì xuống năn nỉ lãnh đạo hợp tác xã cho ứng trước để trả lương cho anh em”, ông Kiểm nhớ lại.

Tại chi nhánh, ông Kiểm là người 3 lần chứng kiến sự thay đổi của hồ Krông Búk Hạ. Đây được xem là một trong những hồ có dung tích lớn nhất tại Đắk Lắk hiện nay. Cụ thể, năm 1996 hồ Krông Búk Hạ chỉ là trạm bơm chống hạn, đến năm 1998 được nâng cấp làm đập cao su. Đến 2005, hồ được nâng cấp thành công trình như bây giờ (dung tích từ dưới 5 triệu m3 nước lên 19 triệu m3), lớn nhất nhì tỉnh.

“Thời điểm này Chi nhánh có hơn 30 con người nhưng gặp nhiều khó khăn nên công ty giảm biên chế, một số anh em vì cuộc sống nên xin nghỉ việc. Trong giai đoạn 2004 - 2005, Chi nhánh chỉ còn hơn 10 người. Đến năm 2012 công ty chuyển sang hoạt động công ích thì Nhà nước mới trả lương”, ông Kiểm nhớ lại.

Các công trình thủy lợi ngày càng được đầu tư nhưng đời sống của nhân viên thủy nông lại gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

Các công trình thủy lợi ngày càng được đầu tư nhưng đời sống của nhân viên thủy nông lại gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Kiểm, dù cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng bản thân vẫn gắn bó với nghề. “Đã theo nghề, yêu nghề nên gắn bó. Tôi rất may bà xã làm giáo viên nên về kinh tế cũng tạm ổn định. Những thời điểm khó khăn nhất và tính chất công việc phức tạp, bà xã đề xuất về làm rẫy. Mình không nghe, bà xã cũng không phàn nàn. 

Gắn bó, chứng kiến sự thay đổi của các công trình thủy lợi là điều khiến ông Kiểm hạnh phúc. Tuy nhiên, niềm vui không khỏa lấp nổi những thăng trầm trong đời sống của nhân viên thủy nông", ông Kiểm nói và mong muốn Nhà nước cần thay đổi cơ cấu giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi để những người "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa" bớt khổ.

Nghĩ về sản phẩm mình tạo ra để yêu nghề

Trái ngược với con đường lập thân của ông Kiểm, ông Phạm Hữu Thành, Giám đốc Chi nhánh Krông Pắc (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình thủy lợi Đắk Lắk) là người con của huyện Krông Pắc, lặn ngòi ngoi nước từ vùng đất cao nguyên ra Hà Nội học Đại học Thủy lợi. Năm 1996, ông Thành xin vào làm cho Chi nhánh Thủy lợi huyện Krông Pắc. Cũng trong năm ấy, công ty bắt đầu giảm biên chế và kéo dài đến năm năm 1998 (là đỉnh điểm của việc cắt giảm do khó khăn). Từ chỗ Chi nhánh có hàng chục nhân viên thì lúc này chỉ còn lại hơn 10 người. Mãi đến 2012, Nhà nước mới có trợ giá, cấp bù thủy lợi phí.

Ông Phạm Hữu Thành cho rằng nhân viên thủy nông nên nghĩ về những sản phẩm mình tạo ra để yêu nghề hơn. Ảnh: Quang Yên.

Ông Phạm Hữu Thành cho rằng nhân viên thủy nông nên nghĩ về những sản phẩm mình tạo ra để yêu nghề hơn. Ảnh: Quang Yên.

“Lúc này Chi nhánh chỉ còn 16 con người. Sau khi hồ Krông Búk Hạ hoàn thành việc nâng cấp thì mới tuyển thêm nhân viên. Thời điểm năm 2012 Nhà nước áp dụng giá mới nên có thể nói cuộc sống của anh em ổn định. Lúc này không nói nhân viên thủy nông khá giả nhưng so với mặt bằng chung là sống thoải mái. Tuy nhiên đến nay thì giá không thay đổi nhưng mặt bằng đời sống đã thay đổi rất nhiều”, ông Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, hiện nay nguồn thu của công ty theo giá sản phẩm dịch vụ, không phải thủy lợi phí nữa nhưng cuộc sống của các nhân viên thủy nông vẫn chưa được cải thiện. Các công trình hoạt động tốt, vận hành nhiều thuận lợi, dịch vụ lớn hơn rất nhiều. Thời xưa Chi nhánh chỉ phục vụ tưới khoảng 600ha còn bây giờ diện tích tưới lên đến hơn 6.000ha lúa, chưa kể đến cà phê và các cây trồng khác. Trước kia, nhân viên chi nhánh chỉ quây quần trên 8km kênh còn hiện nay số kênh mương đã lên đến hơn 100km.

Việc các công trình được đầu tư, nâng cấp giúp tạo ra phúc lợi của xã hội cao hơn rất nhiều. Người dân hưởng lợi lớn nhưng cuộc sống của nhân viên thủy nông vẫn chưa thay đổi theo chiều hướng tích cực mà công việc lại nặng nhọc hơn. Nguyên nhân là phí/giá dịch vụ từ năm 2012 đến nay không thay đổi.

“Nhiều người làm tại Chi nhánh có mong muốn gắn bó đến khi hồ Krông Búk Hạ nâng cấp. Nhưng, bảy lao động tại Chi nhánh không đợi được nên rời bỏ trong giai đoạn khó khăn. Đây là những người thuộc diện lão làng xin ra khỏi ngành vào những năm 1994 - 1996”, ông Thành nhớ lại.

Các nhân viên thủy nông đề xuất cần thay đổi giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi để cuộc sống của họ được cải thiện. Ảnh: Quang Yên.

Các nhân viên thủy nông đề xuất cần thay đổi giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi để cuộc sống của họ được cải thiện. Ảnh: Quang Yên.

“Mình luôn động viên anh em lấy gương anh Kiểm, gương mình để có động lực gắn bó với nghề. Mình có niềm tin Nhà nước sẽ không bao giờ bỏ anh em thủy nông lúc khó khăn. Đừng thấy lương thấp, xa nhà mà làm không tốt. Nhà nước đã giao chúng ta 2 chữ "công ích" rồi thì sẽ không bao giờ bỏ rơi”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cho rằng, bản thân dư sức ra ngoài làm việc khác với mức lương cao hơn nhưng vì yêu nghề thủy lợi nên gắn với nó. “Những năm hạn hán anh em phải túc trực 24/24 tại hồ để bơm tưới phục vụ người dân. Nếu không có sự đồng thuận của anh em thì rất khó thực hiện. Việc này nếu không có tình yêu nghề thì không bao giờ làm được. Ở đây là nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Đừng nghĩ về mình mà nghĩ một tí về nghề nghiệp và sản phẩm xã hội do mình tạo ra. Khi đó anh em sẽ gắn bó nhiều hơn với nghề. Đợt hạn vừa qua anh em tổ chức bơm tưới ngày đêm cứu lúa cho bà con khi hoàn thành được người dân tin yêu. Một cán bộ thủy nông mà khi đến địa bàn được người dân quý thì còn gì bằng”, ông Phạm Hữu Thành, Giám đốc Chi nhánh Krông Pắc chia sẻ.

Chi nhánh Thủy lợi Krông Pắc đang quản lý 61 công trình thủy lợi, phục vụ tưới cho gần 11.000ha. Trung bình lương của cán bộ công nhân viên từ 4-5 triệu đồng/tháng. Nguồn thu eo hẹp, công tác sửa chữa, nâng cấp công trình theo kiểu "giật gấu vá vai" để đủ điều kiện vận hành. Ưu tiên số một là an toàn công trình, thứ 2 là đủ điều kiện phục vụ.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.