Báo NNVN có buổi trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam, quanh vấn đề này.
Ông Trương Đình Hòe |
Thưa ông, xin bắt đầu câu chuyện bằng con cá tra. Bởi từ 2/8, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ bắt đầu tiến hành thanh tra tất cả các lô hàng cá da trơn NK, thay vì 1/9 như lộ trình đã thông báo. Điều này sẽ ảnh hưởng gì tới XK cá tra sang Mỹ nói riêng và cá tra nói chung trong cả năm nay?
Thị trường Mỹ mỗi năm đang NK trên 300 triệu USD cá tra từ Việt Nam. 6 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang Mỹ đã bị giảm bởi tác động từ thuế chống bán phá giá (CBPG) và một số yếu tố khác. Trong những tháng cuối năm, XK cá tra sang Mỹ sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi Bộ Nông nghiệp Mỹ tiến hành thanh tra cá da trơn NK. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của việc thanh tra cá da trơn sẽ chưa tác động nhiều lắm tới cá tra Việt Nam NK vào Mỹ trong nửa cuối năm nay, mà sẽ tác động nhiều hơn trong năm sau.
Mặt khác, do thuế CBPG cao, nhiều DN đã phải ngừng XK cá tra sang Mỹ. Hiện chỉ còn những DN có mức thuế thấp mới XK được cá tra vào thị trường này. Mà những DN đó lại có hệ thống quản lý tốt, chủ động được nguồn cá tra nguyên liệu, nên hy vọng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi thanh tra cá da trơn. Nhìn chung XK cá tra sang Mỹ trong cả năm nay sẽ bị giảm về giá trị nhưng không quá nhiều, dự báo giảm khoảng 10-15% là tối đa.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đang có xu hướng tăng trưởng tốt, nhất là tăng XK chính ngạch. Hiện nay, XK chính ngạch sang Trung Quốc đang chiếm khoảng 50% cá tra XK sang thị trường này. Điều đáng mừng là ngày càng nhiều DN có xu hướng XK chính ngạch cá tra sang Trung Quốc. Trong thời gian tới, với sự tham gia tích cực của hệ thống phân phối ở Trung Quốc, việc XK chính ngạch cá tra sang thị trường này còn tăng hơn nữa. Việc tăng trưởng tốt ở thị trường Trung Quốc đã giúp bù đắp lại sự giảm sút ở các thị trường truyền thống là Mỹ và EU.
Mà thị trường EU cũng đang có dấu hiệu phục hồi sau một thời gian bị giảm sút bởi ảnh hưởng của tỷ giá đồng Euro, truyền thông bôi nhọ… Các nhà NK, phân phối và người tiêu dùng ở EU đang có sự quan tâm trở lại với con cá tra Việt Nam, giúp cho giá trị XK cá tra sang khu vực này sẽ không còn bị suy giảm nữa. Các nhà NK ở EU đã có sự sắp xếp lại theo hướng hầu như chỉ còn những nhà NK có chiến lược dài hạn, quan tâm nhiều hơn tới chất lượng sản phẩm. Điều này cũng khiến cho các DN cá tra Việt Nam quan tâm hơn tới việc phải chế biến, đưa những sản phẩm cá tra có chất lượng tốt sang EU. Qua đó, giúp cho việc XK cá tra sang EU sẽ trở nên bền vững hơn, có giá trị tốt hơn.
Mặc dù nguồn cá tra nguyên liệu trong 6 tháng cuối năm không dồi dào, nhưng với những yếu tố trên, có thể tin vào việc cá tra sẽ đạt mục tiêu XK 1,7 tỷ USD trong cả năm nay.
Như vậy, cá tra vẫn có thể yên tâm. Còn con tôm thì sao, thưa ông?
Giống như cá tra, XK tôm sang Mỹ trong nửa đầu năm nay bị giảm vì thuế CBPG và chính sách bảo hộ. Nhưng nhiều khả năng, XK tôm sang thị trường này sẽ tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm. Bởi nguồn cung tôm từ 2 nước XK lớn là Ấn Độ và Thái Lan hiện không dồi dào, khiến cho mặt bằng giá tôm trên thế giới không bị giảm xuống vào thời điểm mùa vụ thu hoạch như những năm trước đây.
Lâu nay, tôm Việt Nam vẫn có giá cao hơn so với tôm Ấn Độ. Vì vậy, nhiều nhà NK khi không thể mua được tôm Ấn Độ, mới mua tôm từ Việt Nam. Nhưng với việc nguồn cung từ Ấn Độ không dồi dào, giá tôm Ấn Độ và Việt Nam sẽ tương đương nhau, người ta sẽ chọn tôm Việt Nam hơn là tôm Ấn Độ, bởi tôm Việt Nam được chế biến tốt hơn.
Sự tăng trưởng mạnh trở lại ở thị trường Nhật Bản cũng đem lại niềm hy vọng cho con tôm Việt Nam. Yếu tố quan trọng nhất giúp cho XK tôm Việt Nam tăng trưởng trở lại ở thị trường này là tỷ giá của đồng Yên đang giúp cho việc NK hàng hóa nói chung có lợi hơn cho các thương gia Nhật Bản. Thị trường EU cũng đang tăng trưởng trong thời gian qua do nhu cầu NK tôm Việt Nam tăng lên. Với những tín hiệu thị trường như vậy, tôm sẽ đạt mục tiêu XK cả năm là hơn 3 tỷ USD.
Các mặt hàng khác như cá ngừ, cá biển… hiện đang XK khá ổn định, không có những biến động bất thường trong cả sản xuất, khai thác nguồn nguyên liệu lẫn xu hướng thị trường. Nhìn chung về thị trường XK thủy sản cả năm nay đang trong phạm vi có thể dự đoán được và sẽ đạt mục tiêu đề ra là hơn 7 tỷ USD.
Trước mắt, ngành thủy sản cần phải làm gì để giữ được những thị trường quan trọng?
Với thị trường có tiềm năng rất lớn và đang tăng trưởng rất tốt là Trung Quốc, thì ổn định thị trường là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu chứ không phải là đẩy mạnh XK bằng mọi giá. Theo tôi, cần phải đánh giá đúng nhu cầu của thị trường Trung Quốc để cung cấp cho họ những sản phẩm phù hợp và tiếp tục đẩy mạnh XK chính ngạch vào thị trường này.
Thị trường Mỹ cần tập trung giải quyết tốt về dư lượng hóa chất, kháng sinh. Để vượt qua rào cản thương mại (thuế CBPG), các DN thủy sản Việt Nam cần tạo niềm tin với các nhà NK về chất lượng, khả năng cạnh tranh… của thủy sản Việt Nam.
Riêng với thị trường EU, cần chuẩn bị tốt để tận dụng những cơ hội thuận lợi cho thủy sản Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê chuẩn. Hiện các nhà NK từ EU đã có những sự khởi động để đón đầu những điều kiện thuận lợi từ EVFTA.
Bên cạnh đó, các DN thủy sản cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ các thị trường NK. Thách thức đầu tiên là các rào cản thương mại đang được dựng lên quá nhiều khi xu hướng bảo hộ nổi lên ở nhiều thị trường. Các DN đang phải cố gắng vượt qua những rào cản đó bằng những vận động ở các thị trường, có sự phối hợp với các nhà NK. Điều đáng mừng là các DN XK thủy sản đã có sự ủng hộ lớn từ phía nhà nước, khi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sẵn sàng đồng hành cùng các DN ngành thủy sản vượt qua các rào cản thương mại.
An toàn dịch bệnh (ATDB) trong nuôi trồng thủy sản là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết ngay từ bây giờ. Đầu năm nay, việc Chính phủ Úc ban hành lệnh cấm NK tôm và thịt tôm chưa nấu chín vì những lo ngại về dịch bệnh, là dấu hiệu cảnh báo về yêu cầu ATDB mà các thị trường NK khác cũng có thể đặt ra trong thời gian tới. ATDB không thể xử lý, ngăn chặn ngay trong khâu nuôi của nông dân, bởi mầm bệnh có thể đã có từ con giống hoặc do môi trường vùng nuôi. Vì vậy, ATDB phải được giải quyết ở tầm quốc gia bằng cách xây dựng và công nhận những vùng nuôi ATDB, mà sản phẩm tôm nuôi ở đó đáp ứng được yêu cầu kiểm dịch của các nước NK.
Xin cảm ơn ông!