| Hotline: 0983.970.780

Thuyền máy giải quyết hiệu quả vấn nạn lục bình

Thứ Ba 02/08/2022 , 17:03 (GMT+7)

TIỀN GIANG Tại tỉnh Tiền Giang, mô hình vận hành thuyền cắt lục bình rất hiệu quả so với các biện pháp trục vớt hay phun thuốc như trước đây.

Hiện nay, tại tỉnh Tiền Giang cũng như nhiều địa phương vùng ĐBSCL, cây lục bình xuất hiện dày đặc ở các tuyến kênh rạch, gây cản trở lưu thông, dòng chảy. Trước đây, để xử lý tình trạng cây lục bình ngày càng dày đặc dưới hệ thống kênh rạch, chính quyền và người dân thường huy động nhân công trục vớt từng bụi lục bình, thậm chí phun thuốc diệt cỏ để làm chết cây này. Giải pháp này vừa tốn nhân công lao động, tăng chi phí, gây ô nhiễm nguồn nước, có hại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Dùng thuyền máy hoạt động trên sông để xử lý cây lục bình. Ảnh: Minh Đảm.

Dùng thuyền máy hoạt động trên sông để xử lý cây lục bình. Ảnh: Minh Đảm.

Trước thực trạng này, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang hợp đồng với Công ty TNHH MTV Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Tấn Dũng (tại Thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã lắp đặt thành công 2 chiếc thuyền máy cắt lục bình. Trên mỗi thuyền có lắp đặt 2 động cơ chạy bằng dầu dieszel để vận hành máy cắt và di chuyển thuyền trên mặt nước.

Khi bộ phận cắt chạm vào bụi lục bình, sẽ băm nát cây lục bình, làm cho cây này không thể tái sinh. Thuyền cắt lục bình chỉ cần 3 - 4 lao động để điều khiển phương tiện di chuyển và máy cắt lục bình. Tùy theo mật độ cây lục bình, mỗi ngày máy cắt có thể tiêu diệt từ 5.000 – 6.000m2 mặt nước, chi phí giảm 7 - 8 lần so với vớt lục bình bằng phương pháp thủ công.

Thời gian qua, 2 thuyền cắt lục bình đã hoạt động trên 6 tuyến kênh trục chính của vùng ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Nhờ đó, đã tạo dòng nước thông thoáng, trong lành phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của hàng chục nghìn người dân.

Về ưu điểm của máy cắt lục bình, ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết: “Từ khi đầu tư máy cắt lục bình đến nay, anh em công nhân không phải lội nước, chỉ đứng trên thuyền để cắt. Hàng ngày, khối lượng lục bình máy này cắt rất nhiều. Nếu làm thủ công phải huy động 40 - 50 lao động, còn máy này chỉ cắt 1 - 2 ngày là xong. Thứ hai, máy này hoạt động khi trời mưa, gió vẫn được. Theo tôi nghĩ ở phạm vi toàn tỉnh máy này có thể nhân rộng được”.

Video: Công nhân dùng thuyền máy xử lý lục bình trên sông.

Được biết, chiếc thuyền và máy cắt lục bình ở tỉnh Tiền Giang có kết cấu đơn giản, quan trọng nhất là động cơ phải phù hợp với chiếc thuyền để hoạt động nhịp nhàng, cắt lục bình nhanh nhất. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Công ty TNHH MTV Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Tấn Dũng cho biết, phương tiện cắt lục bình dưới kênh rạch lần đầu tiên thực hiện thành công đã mở ra triển vọng có thể áp dụng cho các địa phương vùng sông nước. Tùy loại, chi phí chỉ của máy này chỉ từ 150 - 200 triệu đồng.

“Trước giờ mình mới làm cái máy này, mày mò làm thôi chứ đâu có kinh nghiệm gì. Lúc trước mình làm máy hơi nhỏ, chặt lục bình không nổi, nay đổi máy lớn hơn rất đơn giản, nó chặt lục bình nhanh lẹ hơn so với trục vớt thủ công. Máy này phải bảo quản, chăm đủ dầu nhớt. Ở dưới sông nhiều khi có cây cối, lá dừa xanh máy không chặt đứt nổi, cần phải dùng thủ công để vớt lên”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Cũng như các địa phương vùng sông nước ĐBSCL, hiện nay địa bàn tỉnh Tiền Giang cây lục bình dày đặc. Chỉ tính trên 1.100km kênh trục chính ở 11 huyện, thành, thị trong tỉnh đã có khoảng 70% diện tích kênh rạch có cây lục bình cần phải trục vớt, chưa kể hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 cây lục bình như trở thành vấn nạn.

Do đó, giải pháp sử dụng cơ giới hóa như thuyền máy cắt lục bình của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang là rất cần thiết, chính quyền và người dân các địa phương cần nhân rộng.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.