| Hotline: 0983.970.780

Nguồn thu lớn từ phụ phẩm nông nghiệp

[Bài 2] – Lục bình thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Thứ Ba 09/11/2021 , 11:08 (GMT+7)

Từng bị xem là ‘rác’ và là nỗi ám ảnh vùng sông nước, qua bàn tay khéo léo của nhà nông, lục bình trở thành nguyên liệu cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc

Hưng Phước là xã biên giới của huyện Bù Đốp (Bình Phước), với 40% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thu nhập chính của bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy. Trước đây, khi hết mùa vụ, bà con lại nhàn rỗi. Từ khi mô hình đan lục bình phát triển đã giải quyết việc làm cho người dân địa phương, nâng cao thu nhập.

Người dân vùng biên cải thiện thu nhập nhờ nghề đan lát lục bình. Ảnh: Hồng Thủy.

Người dân vùng biên cải thiện thu nhập nhờ nghề đan lát lục bình. Ảnh: Hồng Thủy.

Đến tổ hợp tác đan lục bình ấp Bù Tam, xã Hưng Phước trong những ngày này mới thấy hết không khí lao động khẩn trương, vui vẻ của chị em nơi đây. Ai cũng phấn khởi, vì sản phẩm làm đến đâu đều được doanh nghiệp thu mua và thanh toán tiền mặt đến đó. 

Là người khởi xướng nghề đan lát lục bình tại địa phương, chị Nguyễn Thị Nụ tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, nhìn bà con đồng bào thiểu số quanh năm quần quật nương rẫy mà không đủ ăn khiến chị luôn trăn trở. Một lần đến miền Tây, thấy bà con sử dụng thân cây lục bình để đan, chị tìm hiểu và học hỏi cách làm, thấy kỹ thuật đơn giản, ai cũng làm được, chị bắt đầu nhận về làm gia công và truyền dạy cho người dân địa phương.

“Có hai hình thức đan sản phẩm lục bình là đan thảm và đan khung, kỹ thuật đan lục bình rất đơn giản với các kiểu đan hạt gạo (còn gọi là đan mắt na), kiểu đan xương cá và kiểu thứ ba là đan rối (còn gọi là đan nhện). Để làm được sản phẩm thì người lao động phải trải qua 4 công đoạn chính: dán keo; cắt dây thả xương; đan; quấn miệng, bất kỳ ai từ người già đến các em mới lớn đều có thể làm được”, chị Nụ chia sẻ.

Tổ hợp tác đan lát lục bình xã Hưng Phước tăng tốc sản xuất sau giãn cách xã hội. Ảnh: Hồng Thủy.

Tổ hợp tác đan lát lục bình xã Hưng Phước tăng tốc sản xuất sau giãn cách xã hội. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo chị Nụ, trung bình, một người có thể đan khoảng 2-3 sản phẩm/ngày, mỗi bộ sản phẩm được khoảng 70.000 đồng tùy theo mẫu. Nguồn thu nhập này tuy không lớn, nhưng nó đã góp phần đáng kể cho chị em, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số ở nơi đây.

Chị Nông Thị Lan (đồng bào Tày) một trong những thành viên tích cực của tổ hợp tác cho biết, trước đây gia đình chị là hộ nghèo, sinh kế chỉ trông chờ vào hơn 300 trụ tiêu. Những năm gần đây tiêu vừa xuống giá vừa dịch bệnh thu nhập không đáng là bao, chị chuyển sang bóc vỏ lụa hạt điều, gắng lắm mỗi ngày cũng chỉ làm được hơn 10kg với tiền công 70.000 đồng.

Một bộ sản phẩm hoàn thành sẽ được 70.000 đồng, đây là thu nhập cao so với những công việc khác tại địa phương, ai cũng làm được. Ảnh: Hồng Thủy.

Một bộ sản phẩm hoàn thành sẽ được 70.000 đồng, đây là thu nhập cao so với những công việc khác tại địa phương, ai cũng làm được. Ảnh: Hồng Thủy.

“Từ khi đến tổ hợp tác học nghề đan lục bình, nay mỗi ngày chị có thu nhập từ 150-200 nghìn đồng, cuộc sống gia đình nhờ thế cũng khá hơn”, chị Lan phấn khởi nói .

Tương tự, bà Nông Thị Nở ở gần đó chia sẻ: “ Năm nay tôi đã ngoài 60 tuổi, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất, tôi chỉ ở nhà giữ cháu nhỏ. Cũng may nhờ đan lát tại cơ sở của chị Nụ  nên tôi có đồng ra đồng vô, mừng lắm!”.

Nhân rộng mô hình

Theo ông Nguyễn Văn Giảng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Phước, từ tổ hợp tác của chị Nụ, đến nay 6/6 ấp đều có chị em tham gia làm nghề, thậm chí người dân ở những xã lân cận cũng đến để xin lấy hàng về làm tại nhà để cải thiện thu nhập.

Kỹ thuật đan lát đơn giản thu hút ngày càng nhiều chị em phụ nữ tham gia. Ảnh: Hồng Thủy.

Kỹ thuật đan lát đơn giản thu hút ngày càng nhiều chị em phụ nữ tham gia. Ảnh: Hồng Thủy.

Mặc dù có thu nhập tương đối cao so với những ngành nghề khác nhưng hiện bà con chủ yếu nhận nguyên liệu từ công ty về làm gia công. Với quỹ đất rộng, đặc biệt hệ thống đập thủy lợi Bù Tam với diện tích mặt nước gần 50.000m2 chuẩn bị được đưa vào vận hành khai thác, Hội đang xây dựng kế hoạch đưa cây lục bình vào trồng và chăm sóc trên lòng hồ Bù Tam để chủ động nguồn nguyên liệu. Đồng thời tiến tới thành lập HTX, đưa nghề đan lát lục bình trở thành kinh tế mũi nhọn tại địa phương.

“Hiện nay, khi việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường đang dần trở thành xu hướng thì các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làm từ cây lục bình đáp ứng được yêu cầu đó. Qua khảo sát nhận thấy cây lục bình dễ trồng và ít tốn công chăm sóc, cũng không tốn nhiều chi phí đầu tư, người trồng hầu như chỉ cần bỏ thời gian ban đầu và vào thời điểm thu hoạch. Trung bình 1 m2 mặt nước cho 500 gram thân lục bình khô, nếu việc trồng lục bình thành công sẽ giảm chi phí vận chuyển, nâng cao giá thành sản phẩm từ 70.000 đồng/sản phẩm lên 100.000 đồng/sản phẩm. Đồng thời, điều này còn tạo động lực để Hội khuyến khích, đồng hành cùng hội viên mở rộng diện tích trồng lục bình nhằm phân phối nguyên liệu, cũng như sản phẩm ra thị trường với chất lượng tốt nhất”, ông Nguyễn Văn Giảng nói.

Lãnh đạo địa phương đến thăm hỏi động viên tổ hợp tác đồng thời xây dựng kế hoạch đưa nghề này trở thành kinh tế mũi nhọn tại địa phương. Ảnh: Hồng Thủy.

Lãnh đạo địa phương đến thăm hỏi động viên tổ hợp tác đồng thời xây dựng kế hoạch đưa nghề này trở thành kinh tế mũi nhọn tại địa phương. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp, Bù Đốp là huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do vậy, công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm được xem là một trong những giải pháp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó nghề đan lát lục bình là hướng đi rất khả quan.

“Để giúp nghề đan lát lục bình cũng như các loại sản phẩm đan lát thủ công khác trên địa bàn huyện được nhiều người biết đến và phát triển bền vững, huyện sẽ hỗ trợ thủ tục đăng ký cho các sản phẩm đan lát từ lục bình đạt chuẩn OCOP. Đồng thời, tiếp tục xúc tiến thương mại và hỗ trợ vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia nhằm giúp cho các tổ hợp tác có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại làm ra sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất”, ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp chia sẻ.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất