| Hotline: 0983.970.780

Biến cây hoang dại thành phân bón chất lượng

Thứ Tư 08/12/2021 , 17:14 (GMT+7)

Tận dụng lục bình trên kênh, rạch, người dân Long An đã ‘hô biến’ thành phân hữu cơ, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và hướng đến nền nông nghiệp sạch.

Lục bình thành phân hữu cơ

Nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, huyện Vĩnh Hưng là một trong những địa phương có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Từ đó, cây lục bình sinh sôi nảy nở rất nhanh dẫn đến ngăn cản dòng chảy, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy và ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu.

Trước tình trạng trên, thời gian qua, chính quyền địa phương đã dùng nhiều biện pháp để tập trung diệt lục bình từ thủ công đến máy móc…, tuy nhiên, kết quả chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn chứ chưa thể giải quyết triệt để vấn nạn này.

HTX Cây Trôm tổ chức vớt lục bình trên hệ thống kênh rạch tại địa phương để làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ. Ảnh: Trần Trung.

HTX Cây Trôm tổ chức vớt lục bình trên hệ thống kênh rạch tại địa phương để làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ. Ảnh: Trần Trung.

Nhận thấy đây là nguồn tài nguyên dồi dào để làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ mà không phải tốn tiền mua và sức lao động, giúp giảm chi phí sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp sạch, đồng thời chung tay cùng chính quyền địa phương giải quyết vấn nạn lục bình, HTX Cây Trôm (xã Hưng Điền A) đã tiến hành nghiên cứu cho ra đời sản phẩm phân bón từ giá thể lục bình với giá rẻ, chất lượng tốt, cung cấp cho các thành viên HTX và người dân trong vùng.

Anh Bùi Văn Tuấn, Giám đốc HTX Cây Trôm cho biết, được thành lập vào tháng 1/2017, HTX hiện có 65 thành viên, mỗi năm HTX phải nhập trên 200 tấn phân bón hữu cơ với giá khoảng 6.000 đồng/kg. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, HTX phát hiện thời gian gần đây, để giảm bớt chi phí sản xuất, nhiều bà con nông dân tại các địa phương đã sản xuất phân hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thậm chí là rác thải sinh hoạt. Từ đó, HTX bắt đầu nghiên cứu làm phân hữu cơ từ cây lục bình.

HTX ứng dụng cơ giới hóa vào thu gom lục bình chuẩn bị sản xuất phân. Ảnh: Minh Sáng.

HTX ứng dụng cơ giới hóa vào thu gom lục bình chuẩn bị sản xuất phân. Ảnh: Minh Sáng.

Theo anh Tuấn, dựa trên nguyên lý ủ phân từ các phụ phẩm của những mô hình đã thành công, anh từng bước áp dụng cho giá thể cây lục bình. Theo đó, việc ủ phân hữu cơ từ thân cây lục bình không khó, chỉ cần vớt lục bình lên, xay nhuyễn, sau đó trải bạt ni lông để không bị thấm, cho lục bình đã băm lên mặt ni lông khoảng 20-25cm rồi tưới đều dung dịch chế phẩm sinh học lên cho ướt.

Để tăng dưỡng chất có thể bổ sung thêm phân chuồng vào ủ, cứ như vậy cho đến hết 5 - 6m3 thì đậy kín bạt lại khoảng 1 tuần để các vi sinh vật có lợi phát triển, phân hủy hết lục bình thành bùn. Tùy vào các chế phẩm được sử dụng, sau 1 - 2 tháng, đống ủ hết nóng, phân hoai mục hoàn toàn thì có thể bón cho cây trồng.

Xác lục bình được xay nhuyễn trộn với men vi sinh và phân hữu cơ để tiến hành công đoạn ủ. Ảnh: Trần Trung.

Xác lục bình được xay nhuyễn trộn với men vi sinh và phân hữu cơ để tiến hành công đoạn ủ. Ảnh: Trần Trung.

“Trong quá trình ủ cần thường xuyên kiểm tra túi ủ sao cho không quá nóng và không quá ẩm ướt, vì nóng quá sẽ chết các loại vi sinh và làm giảm độ đạm, quá ẩm tạo điều kiện các sinh vật có hại phát triển.

Phân hữu cơ từ lục bình có tác dụng phục hồi lại tài nguyên đất, làm giàu hệ sinh vật, hạn chế bệnh hại trên cây trồng, vì trong phân hữu cơ từ lục bình có chứa lượng lớn vi sinh vật có ích. Để có 1kg phân bón hữu cơ chỉ tốn chi phí gần 1.200 đồng, rẻ hơn phân bón hóa học và hữu cơ hiện có rất nhiều lần”, anh Tuấn chia sẻ.

Ứng dụng vào thực tiễn

Theo anh Tuấn, ban đầu khi sản xuất phân hữu cơ từ lục bình, nhiều thành viên không dám sử dụng, sợ không đạt chất lượng sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Trước tình hình này, Ban Giám đốc HTX vận động các thành viên nòng cốt sử dụng bón thử trên các loại cây trồng xung quanh nhà.

Sau thời gian sử dụng và nghiên cứu, nhiều nông dân đánh giá phân hữu cơ làm từ cây lục bình do HTX sản xuất chất lượng rất tốt, nhất là giá thành thấp. Trải qua 2 vụ sản xuất, đến nay đã có khoảng 150 hecta lúa, chiếm khoảng 50% diện tích của HTX đã sử dụng phân hữu cơ này.

Sau quá trình ủ, HTX ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất phân thành phẩm. Ảnh: Minh Sáng.

Sau quá trình ủ, HTX ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất phân thành phẩm. Ảnh: Minh Sáng.

Là một trong những người đầu tiên đưa phân hữu cơ được tạo ra từ giá thể lục bình vào đồng ruộng, anh Nguyễn Thái Hòa, xã viên HTX cho biết, gia đình anh có gần 35 hecta lúa, trước đây anh chủ yếu mua phân từ các cửa hàng phân bón về dùng. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón lên cao khiến việc sản xuất rất khó khăn, thậm chí là thua lỗ, thế nhưng từ khi sử dụng phân do HTX cung cấp, ruộng lúa vẫn phát triển tốt, chi phí sản xuất giảm đi rất nhiều.

 “Tôi nhận thấy phân bón hữu cơ không chỉ giúp cây trồng hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, phù hợp với định hướng canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững mà còn cải thiện môi trường tự nhiên. Đặc biệt, giá phân hữu cơ từ HTX bán cho thành viên thấp hơn so với bên ngoài từ 30-40%, góp phần giúp thành viên giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác, không chỉ riêng gia đình tôi, tất cả các thành viên trong HTX ai cũng phấn khởi”, anh Hòa chia sẻ.

Anh Bùi Văn Tuấn, Giám đốc HTX Cây Trôm cho biết thêm, với tổng diện tích canh tác lúa trên 200 ha, trong đó, sản phẩm gạo Huyết rồng được trồng quy trình an toàn, hướng hữu cơ, đây là sản phẩm đặc trưng và cũng là sản phẩm gạo sạch chủ lực của HTX.

Thời gian qua, HTX đã tự chủ tất cả dịch vụ đầu vào và liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm cho thành viên thông qua các công ty đối tác… Khi chất lượng phân bón hữu cơ từ cây lục bình được khẳng định, nhu cầu nguyên liệu ngày càng lớn, HTX còn tổ chức thu mua lục bình tươi từ nông dân với giá 2.500 - 3.500 đồng/10 kg giúp bà con cải thiện thu nhập.

Với nhiều yếu tố ưu việt, hiện xã viên HTX và người dân trong vùng đã và đang đưa phân bón từ giá thể lục bình vào đồng ruộng. Ảnh: Trần Trung.

Với nhiều yếu tố ưu việt, hiện xã viên HTX và người dân trong vùng đã và đang đưa phân bón từ giá thể lục bình vào đồng ruộng. Ảnh: Trần Trung.

“Tuy nhiên, do nguồn lực có giới hạn, hiện trang thiết bị sản xuất vẫn còn thiếu và yếu, trong khi đó nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ của HTX nói riêng và người dân trong vùng nói chung là rất lớn. HTX mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, góp phần cho việc sản xuất, phân phối phân hữu cơ phát triển rộng rãi ra thị trường”, anh Tuấn nhấn mạnh.

Với nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu, việc đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ không chỉ giải quyết một phần vấn nạn lục bình, đây được xem là “cơ hội vàng” để phục hồi dần hệ sinh thái bị lạm dụng phân bón hoá học, đồng thời tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất