Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum đã ghi nhận 66 trường hợp dương tính với bạch hầu.
Phân tích trong 53 ca đầu tiên thì có 28 ca có biểu hiện triệu chứng, còn 25 trường hợp còn lại không có biểu hiện triệu chứng, được phát hiện qua việc xét nghiệm. Có 3 trường hợp tử vong, trong đó Đăk Nông 2 trường hợp, Gia Lai 1 trường hợp.
Qua phân tích cho thấy, tỷ lệ người lành mang trùng cao chiếm gần 50%. Người mang trùng nhưng không có biểu hiện triệu chứng, khi tiếp xúc, giao tiếp với người khác thì có khả năng lây lan. Tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số dương tính với bạch hầu chiếm 90%, độ tuổi trên 7 tuổi chiếm 85%, thậm chí có người 60 tuổi vẫn ghi nhận nhiễm bạch hầu.
Về tình trạng tiêm chủng, đa số những trường hợp mắc bệnh không được tiêm phòng vắc xin đầy đủ hoặc khi kiểm tra thì họ không nhớ trước giờ đã tiêm chưa.
Ngay sau khi nhận thông tin ban đầu các trường hợp mắc bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tổ chức các đội công tác nhanh đến trực tiếp các vùng dịch để hỗ trợ. Bên cạnh đó, trực tiếp đoàn công tác của Bộ Y tế do lãnh bộ vào tận Đắk Nông phối hợp chỉ đạo phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, bệnh bạch hầu trong các năm gần đây năm nào cũng diễn ra nhưng năm nay có xu hướng lan rộng hơn. Do đó, các địa phương phải tập trung các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu như phòng chống dịch Covid-19.
Trước mắt, Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng cho tất cả người dân Tây Nguyên từ 2 tháng tuổi trở lên. Theo đó sẽ có khoảng 4,7 triệu người dân trên địa bàn Tây Nguyên được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, bệnh bạch hầu có thuận lợi hơn bệnh Covid-19 vì có đầy đủ vắc xin phòng bệnh và thuốc đặc trị. Vì vậy, muốn ngăn chặn nhanh dịch bệnh này cần phải phát hiện kịp thời để điều trị hiệu quả. Trong đó, điều trị dự phòng cho tất cả khu vực có ca bệnh có ý nghĩa rất quan trọng.
Ngoài ra, muốn thành công trong công tác phòng bệnh bạch hầu, cần huy động tất cả các cơ quan ban ngành vào cuộc thì mới mang lại hiệu quả.
Về việc điều trị, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai nhanh chóng lập tổ điều trị chuyên môn, hỗ trợ điều trị cho các địa phương; giao Bệnh viện Bạch Mai tiến hành mua huyết thanh, đảm bảo cung cấp cho các địa phương này.
Một vấn đề rất quan trọng được ông Nguyễn Thanh Long đưa ra là cần đưa ứng dụng truy vết, tìm kiếm người tiếp xúc với người nhiễm bệnh bạch hầu giống như cách mà Việt Nam đã làm rất hiệu quả đối với dịch Covid-19.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ toàn bộ vắc xin, kể cả vắc xin 5 trong 1, vắc xin Tđ, dự kiến khoảng 11 triệu liều sẽ được hỗ trợ cho các địa phương. Ngoài ra, Bộ sẽ cấp khẩu trang, đồ dùng phòng hộ cho các địa phương… Các cơ quan chuyên môn của bộ sẽ hỗ trợ các địa phương về chuyên môn.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế đã phát động “Chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống bạch hầu” tại 4 tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum và Đăk Nông. Trong đó, tỉnh Gia Lai được chọn làm điểm để phát động chiến dịch.