| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang - Kiên Giang: Nơi gắn đời tôi với nông nghiệp

Thứ Tư 01/09/2021 , 16:06 (GMT+7)

Tứ thơ ấy đã cuốn hút thời trai trẻ của tôi lên đường, dấn thân lập nghiệp ở miền Tây Nam bộ tại Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long.

Kênh Chợ Gạo.

Kênh Chợ Gạo.

Trái tim để sống yêu đời

Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ,

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu.

Anh về học lấy chữ nhu,

Chín trăng em đợi, mười thu em chờ

Ca dao này gợi nhớ sự kiện năm 1679.Quan quân và cư dân nhà Minh xin Chúa Nguyễn Phúc Tấn cho tị nạn tại ba địa điểm: Cù lao Phố (Biên Hòa), Sài Gòn và Mỹ Tho. Họ là người Minh Hương không chấp nhận sự cai trị của nhà Thanh, xuống thuyền vượt biểnvà đến vùng này.

Tướng Dương Ngạn Địch tích cực xây dựng“Mỹ Tho đại phố”. Tướng Trần Thượng Xuyên và cộng đồng Minh Hương xây dựng khu Cù lao Phố. Cộng đồng còn lại đếnđịnh cư tại Đề Ngạn (Chợ Lớn) lập nghiệp. Người Chợ Lớnlàm ăn buôn bángiỏi hơn, nên đèn Sài Gònlúc nào cũng tỏ hơn đèn Mỹ Tho chăng?

Tôi công tác tại Tiền Giang suốt hai năm (1977-1978) để điều tra lúa mùa và tham gia chiến dịch chống rầy nâu. Tôi thuộc nhiều ca dao địa phương vào thời điểm ấy, nhờ thời gian la cà với nông dân vùng sông nước.

Tôi nhớ hồi còn nhỏ (thập niên 1960), mỗi lần về Châu Đốc, xe đò thường dừng tại ngã ba Trung Lương để hành khách mua mận Hồng Đào, hoặc dừng ở Bắc Mỹ Thuận để mua ổi Xá Lỵ. Có cầu sắt Cổ Cò cong vòng, xe chạy một chiều. Người lính gác trên chòi cao chót vót. Tay xoay tấm bảngsơn đỏ hay trắng làm tín hiệu dừng hay đi. Kẹt xe ở hai đầu cầu thành một hàng dài. Anh lơ xe luôn miệng nhắc nhỡ: “Cô bác ơi! nhớ bỏ rác trên xe, đừng xả rác xuống đường”. Người ăn xin bước thấp, bước cao, hát mấy bài vọng cỗ buồn não ruột, với cây đàn guitar phím lõm cũ mèm.

Ai về Giồng Dứa qua truông,

Gió đưa bông sậy, dạ buồn nhớ ai. (Ca dao)

Nhìn trên bản đồ,Tiền Giang là mảnh đất hẹp, phía nam cặp bờ sông Tiền, phía bắc là vùng ven Đồng Tháp Mười. Quốc lộ 1 từ Mỹ Thuận về Trung Lương dài gần 70 cây số, ôm bờ sông Tiền theo hướng tây đông. Đến Trung Lương, đường chạy theo hướng nam bắc, thẳng tiến về Sài Gòn, hoặc theo hướng đông ra Chợ Gạo, Gò Công. Bờ biển Gò Công dài 32km.Diện tích Tiền Giang 2.510 cây số vuông. Đất phù sa chiếm 53% diện tích toàn tỉnh biến nơi dây thành thành thủ phủ cây ăn trái miền Nam với diện tích canh tác lớn nhất.

Ai về chợ Mỹ, Thanh Hưng,

Mua ổi xá lỵ để mừng bà con.

Ổi này hương vị rất ngon,

Anh ơi! Ăn thử hỏi còn đợi ai. (Ca dao)

Tiền Giang có một địa danh “rất nông nghiệp”, ấy là Chợ Gạo. Theo “Phủ biên tạp Lục” của Lê Quý Đôn, Chợ Gạo vốn bắt nguồn tại một ngôi chợ đóng ở thôn Bình Phan, do ông Trần Văn Nguyệt thành lập, vào thời Cảnh Hưng (vua Lê Hiển Tông).Chợ “Gạo” có tên như vậy bởi có một gia đình người Hoa xây nhà máy xay lúa đầu tiên ở đây. Nhà máy nằm cạnh chân cầu Quay (cầu Bình Phan). Khi kênh Chợ Gạo được đào xong, chợ được dời ra bờ sông Tiền, bên cạnh chân cầu Chợ Gạo.

Trịnh Hoài Đức viết rằng: “Chợ Gạo là nơi ruộng đất phì nhiêu, mênh mông bát ngát, nhiều người lấy việc canh nông làm gốc, trong nhà lúa gạo đầy vựa, lại có đức tính trung hậu, cần kiệm, vui làm việc nghĩa, an lạc cùng nhau, là nơi có di phong thời cổ vậy”.

Tôi đã đi qua Phú Kiết, Lương Hòa Lạc, Quơn Long, Bình Phan để tìm giống lúa bản địa, gạo ngon. Những nông dân tiên phong trồng lúa cao sản như Hai Lộc, Hai Lạc, Hai Chung, Tư Tải, Hai Mỹ là niềm tự hào của Tiền Giang.

Kênh Chợ Gạo là thủy lộ yết hầu nối Tiền Giang với sông Vàm Cỏ, dài 28,5km. Kênh bắt đầu từ Vàm Kỳ Hôn (chữ Kỳ Hôn có gốc tích rất thú vị,theo Đoàn Giỏi, nó kết hợp bởi chữ “kỳ lạ, diệu kỳ” ghép với chữ “hoàng hôn”) sông Tiền, cho phép ghe tàu có trọng tải lớn 80 tấn trở lên chạy thoải mái. Hàng hóa chủ yếu là lúa gạo, nông thủy sản từ ĐBSCL đến Sài Gòn. Thống kê cho thấy có trên 1.500 phương tiện lưu thông mỗi ngày.

Tiền Giang còn có Cai Lậy, là tên đất giồng do ông Cai cơ Ngô Tấn Lễ chỉ huy khai khẩn. Ông là tướng của Võ Tánh, Nguyễn Ánh. Từ Cai Lễ nói trại thành Cai Lậy. Năm 1977, nơi đây lúa là cây trồng chính. Giống lúa Nàng Quớt, Nàng Phệt mà tôi thu được năm 1977 nay không còn. Công cuộc chuyển đổi từ lúa sang cây ăn trái diễn ra vô cùng nhanh chóng. Vườn cây bao phủ gần hết diện tích đất nông nghiệp. Tiền Giang trở thành tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn nhất ở đồng bằng với gần 70.000ha.

Vận chuyển hàng hóa trên sông.

Vận chuyển hàng hóa trên sông.

Chúng tôi về Vĩnh Kim vào năm 2020, thủ phủ của cây vú sữa Lò Rèn (Chrysophyllum cainino). Vú sữa chính vụ được thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 3. Tiền Giang hiện có khoảng 3.174 ha vú sữa Lò Rèn, với sản lượng hàng năm 63.764 tấn/năm, năng suất bình quân 20 tấn/ha. Vùng chuyên canh tập trung tại các xã Vĩnh Kim, Phú Phong, Kim Sơn, Bàng Long, Bình Trưng. Vú sữa Lò Rèn đã được chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký “chỉ dẫn địa lý”.

Khóm Tân Phước nức tiếng với vùng chuyên canh ở huyện Tân Phước trên 16.000ha. Thu hoạch mỗi lứa sau 3 tháng, với sản lượng trên 200.000 tấn trái/năm. Xuất khẩu trái tươi 10.000 tấn/năm. Để so sánh thì diện tích dứa của cả nước là 40.000ha, ĐBSCL có 23.800 ha.

Vùng đất phèn nặng này thuộc vành đai Đồng Tháp Mười chỉ mới hồi sinh sau những năm 1980, nhờ cây khóm Queen, với năng suất 20 tấn/ha. Vì lá đầy gai, khó đi trên bờ luống, nên nông dân bón phân bằng cách pha loãng, rồi tưới lên luống cây trồng bằng máy. Nó được vận hành trên chiếc thuyền nhỏ. Máy phun áp suất cao sang hai phía. Thuyền di chuyển dưới kênh. Thật sáng tạo và thông minh. Khóm Tân Phước không chỉ bán trái mà nhiều gia đình còn chế biến làm kẹo khóm và nước màu khóm - đặc sản của vùng đất phèn.

Trước đó, đây là vùng cỏ năng, cỏ bàng với nghề dệt chiếu truyền thống. Tôi đã thu thập nhiều mẫu lúa hoang ở đồng đất này và mẫu giống lúa Trường Hưng, mùa gặt sau tết.

Cái Bè là huyện xếp hàng đầu về tiềm lực kinh tế vườn của tỉnh Tiền Giang. Nhờ hệ thống thủy lợi mật độ cao, phục vụ giao thông thủy và chở phù sa về khắp ruộng đồng.Những kênh rạch chính bao gồm rạch Cái Bè, rạch Cái Cối, rạch Bằng Lăng, kênh Nguyễn Văn Tiếp, rạch Cổ Cò, rạch Trà Lọt, rạch Ruộng.

Dọc theo rạch Cổ Cò bây giờ là đường bê tông khang trang chạy xuyên qua xã Mỹ Lợi vô Đồng Tháp. Không biết bao nhiêu đại lý, vựa trái cây mọc lên hai bên đường. Người ta tổ chức thu mua rất năng động.

Mít Thái được bao trái và được kiểm dịch rất bài bản để xuất khẩu sang Trung Quốc. Mỗi trái nặng từ 7 đến 10kg. Nó còn được mệnh danh là giống Mít Thái siêu sớm.Nhiều giống trái cây đặc sản như: sầu riêng Tứ quý, sầu riêng Sữa hạt lép, bưởi Năm Roi, bưởi Đường núm, bưởi Đường hồng, bưởi Lông Cổ Cò, ổi Đài Loan, nhãn Long, nhãn Tiêu da bò. Riêng cây Cam có nhiều giống, chủ lực là cam Sành và cam Mật. Giống cam Xoàn hiện nay còn rất ít, không nhiều bằng Hậu Giang.

Xoài cát Hòa Lộc được trồng tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường,nay có tên là ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè.Theo thống kê của tỉnh, diện tích trồng xoài cát Hòa Lộc là 1.579ha, tập trung chủ yếu tại khu vực ven sông Tiền. Sản lượng hàng năm ước đạt 35.926 tấn, năng suất 23 tấn/ha. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Vùng trồng xoài cát Hòa Lộc đã được cấp chứng nhận GlobalGAP. Ngoài thị trường Trung Quốc, xuất khẩu đang mở đến thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, New Zealand, Nga.

Mảnh đất dạy tôi những lời thơ, vọng cổ

Tới Cà Mau, Rạch Giá,

Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng” (Sơn Nam).

Tứ thơ ấy đã cuốn hút thời trai trẻ của tôi lên đường, dấn thân lập nghiệp ở miền Tây Nam bộ tại Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long. Tôi có dịp về công tác ở Kiên Giang từ 1983 đến 1984, để thực tập luận án nghiên cứu sinh về lúa nước sâu.

Từ Giồng Riềng, Gò Quao, tôi xuống vùng miệt thứ U Minh Thượng ở hai huyện An Biên và Vĩnh Thuận, “muỗi vắt nhiều hơn cỏ, chướng khí mù như sương”. Ngược lên nông trường Mỹ Lâm, nông trường Bình Sơn (Hòn Đất), đất phèn đỏ quạch, thu được mẫu lúa hoang Oryza rufipogon mà mức độ đa dạng di truyền rất cao ở đúng cái “túi phèn”. Tôi quay về vùng lúa nổi thuộc hệ thống kênh Cái Sắn (huyện Tân Hiệp). Có đêm phải ngủ tạm trên kệ hàng ở một chòi lá của chợ quê Giồng Riềng.

Kết quả khích lệ là sau những ngày cực nhọc, số mẫu lúa điều tra được cứ nhiều lên, tư liệu ghi chép đầy mấy cuốn sổ tay. Đó cũng là thời gian tôi thuộc nhiều bài ca vọng cổ và chuyện kể dân gian.

Hơi vọng cổ, nương bờ tre bay vút,

Điệu hò ơ, theo nước chảy chan hoà. (Sơn Nam)

Kiên Giang có địa hình đồng bằng, núi rừng và hải đảo. Có vùng phù sa Tây Sông Hậu. Có vùng phèn ngập lũ Tứ Giác Long Xuyên. Có vùng nhiễm mặn bán đảo Cà Mau. Có vùng đồi núi, hải đảo ở Phú Quốc và Kiên Hải. Thật là của báu trời ban.

Chiều xuống đứng bên cầu nghe sóng biển,

Nắng thu vàng chiếu rạng bến bờ...

Trăng lấp lánh lung linh bến nước,

Đoàn tàu về loang loáng trên sông. (Lê Giang - Kiên Giang mình đẹp lắm)

Từ kho tàng dân ca “Hát sắc bùa”, vợ chồng cô Lê Giang đã phát triển thành một bản nhạc để đời “Kiên Giang mình đẹp lắm”. Đây là kết quả rất đáng trân trọng. Bài hát mà mỗi lần nghe đều xúc động vô cùng, đặc biệt lúc xa nhà. Có lần tôi sang Melbourne (Úc) gặp bạn Nguyễn Hữu Hồng vào năm 2003. Bạn là người Rạch Giá, bài hát quê hương đã gợi nỗi nhớ nhà đến nao lòng.

Sầu riêng, một mặt hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL.

Sầu riêng, một mặt hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL.

Đất nông nghiệp Kiên Giang rộng lớn chiếm 64,2% tổng diện tích tự nhiên. Đất rừng có diện tích 123 nghìn ha, chủ yếu là rừng phòng hộ. Tỷ lệ che phủ rừng 12%. Nguồn đá vôi có trữ lượng 440 triệu tấn. Có nhà máy xi măng Kiên Lương được khánh thành từ 1964 (Vicem Hà Tiên). Sản lượng than bùn ước khoảng 150 triệu tấn. Diện tích canh tác lúa lớn nhất nước, gần nửa triệu ha; diện tích gieo trồng xoay quanh con số 722 nghìn ha. Sản lượng 4,3 triệu tấn/năm. Lúa chất lượng cao chiếm hơn 70% diện tích gieo trồng. Dứa là cây đặc sản của Tắc Cậu. Diện tích chỉ đứng sau vùng dứa Tân Phước của Tiền Giang.

Kiên Giang có bờ biển dài 200km, diện tích mặt biển 63 nghìn cây số vuông. Kinh tế biển còn tiềm năng nhiều lắm so với các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Thương hiệu “nước mắm Phú Quốc” lừng danh trong nước và quốc tế.

Nông nghiệp được mở rộng nhờ cải tiến thủy lợi rất đáng nể phục. Đó là kênh Cái Sắn, kênh Thoại Hà và hệ thống thủy lợi thoát lũ ra biển Tây.

Kênh Cái Sắn hay kênh Rạch Sỏi là con kênh đào chạy dài từ sông Hậu đến biển Tây,dài 58km. Kênh đi qua ba tỉnh An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang. Kênh chạy song song với quốc lộ 80 và kênh Thoại Hà.

Chữ Cái Sắn có thể xuất phát từ tiếng Phù Nam cổ; “cái” có nghĩa là “dòng chảy”. Người ta còn giải thích nó theo tiếng Khmer Nam bộ, như một cách đọc trại từ chữ “Cà Xăng”. Kênh Cái Sắn được khởi công tháng 2/1922 và hoàn thành tháng 9/1923. Vàm Cái Sắn là điểm khởi đầu của con rạch tự nhiên Cái Sắn, người ta tiếp tục đào thẳng để nối liền với con rạch tự nhiên khác có tên “Rạch Sỏi”.

Hệ thống này nối vào kênh Thoại Hà ở tây bắc; nối với vào rạch Cờ Đỏ, Giồng Riềng ở đông nam. Đây là tiền đề để vùng lúa nổi trở thành lúa cao sản 2-3 vụ. Nguyên là vùng trũng nhiễm phèn, lúa mùa chủ lực là giống Trung Hưng, Đuôi Trâu, năng suất bấp bênh. Kênh Cái Sắn được sử dụng như ranh giới của tứ giác Long Xuyên. Bây giờ Cái Sắn là một trong những vựa thóc lớn của đồng bằng sông Cửu Long.

Kênh Thoại Hà (Thụy Hà hay Đông Xuyên) nối con rạch Long Xuyên qua Định Thành, xuôi chảy về hệ thống đường thủy của Rạch Giá. Đây là công trình thoát lũ đầu tiên của nhà Nguyễn ở lục tỉnh. Kênh khởi công vào đầu năm 1818. Thoại Ngọc Hầu đã huy động khoảng 1.500 nhân công, tận dụng lạch nước cũ mà đào, do đó, công việc khá thuận lợi. Chiều rộng 20 tầm (51,2m), chiều dài 12.410 tầm (gần 32 cây số).

Văn bia Thoại Sơn ghi chép như sau: “Mùa thu năm Đinh Sửu (1817), lão thần kính, được vua trao ấn phù giữ trấn Vĩnh Thanh. Mùa xuân năm Mậu Dần (1818) vâng chỉ đốc suất đào kênh Đông Xuyên. Từ ngày thụ mệnh vua, sớm khuya kính sợ, đốn cây rậm, bới bùn lầy, đào kênh dài đến 12.410 tầm, trải qua một tháng thì xong việc, nghiễm nhiên trở thành ra một sông to, luôn luôn ghe thuyền qua lại tiện lợi”. Vua Gia Long khen ngợi, cho phép đặt tên kênh “Thoại Hà”, đồng thời núi Sập là “Thoại Sơn”.

Đây là chính sách thủy lợi rất tích cực của nhà Nguyễn. Đến hôm nay, kênh vẫn còn có giá trị lớn về giao thông, thương mại, nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt.

Thoát lũ ra biển Tâylà sáng kiến của cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt. Ông cùng với các nhà khoa học, lãnh đạo tỉnh An Giang, Kiên Giang tiến hành khảo sát thận trọng.

Hệ thống kênh thoát lũ và kiểm soát lũ ra biển Tây đã được thực hiện. Nhiều phản biện gay gắt lắm! Hệ thống kênh thoát lũ T4, T5, T6 được tiến hành từ năm 1997 đến 1999. Kênh T5 có quy mô lớn nhất. Kênh T3 được nạo vét mở rộng. Nạo vét sâu kênh Vĩnh Tế.

Năm 1996, Chính phủ cho khởi động công trình tiêu thoát lũ ra biển Tây với các hạng mục chính gồm: Đập cao su Tha La và Trà Sư, ngăn dòng chảy lũ tuyến 7 đổ vào tứ giác Long Xuyên. Tuyến kênh T5 và T6 băng qua khu vực bắc Hà Tiên tiến về phía biển Tây. Chính phủ mở thêm các nhánh kênh phụ tương ứng với T5, T6, rồi xây dựng các cống điều tiết mặn Tuần Thống, Lung Lớn.

Công trình đã làm chậm lũ đầu mùa gần một tháng, giảm độ sâu ngập lụt đầu mùa khoảng 30 - 50cm, giảm độ sâu ngập lụt chính vụ khoảng 10 - 15cm, rút ngắn thời gian duy trì lũ ở cấp mực nước cao từ 10 ngày đến 20 ngày. Ngần ấy tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển lúa đông xuân, hè thu, thu đông. Nó tăng cường việc lấy phù sa từ sông Hậu vào tận đồng sâu của tứ giác Long Xuyên.

Ngày 10/7/2009, HĐND tỉnh An Giang đã quyết định đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt và dựng bia tưởng niệm cố Thủ tướng. Kênh có chiều dài 48km. Đoạn chảy qua xã Lạc Quới (Tri Tôn) dài 11km; xã Vĩnh Phú (Giang Thành) 14km, xã Vĩnh Phú (Kiên Lương) 23km.

Lần đầu tiên trong lịch sử khai phá ĐBSCL, dòng nước mang phù sa đã được chuyển tới “rốn phèn” của tứ giác Long Xuyên, cùng với các kênh trục như kênh Xáng Vịnh Tre, Cây Dương, Mặc Cần Dưng. Năm 2000, cơn lũ lịch sử của vùng ĐBSCL đã minh chứng hiệu quả của hệ thống thủy lợi ấy. Kênh Vĩnh Tế, T5 và các kênh trong hệ thống thoát lũ đã chuyển tải đến 13 tỉ m3 nước. Có 8 tỷ m3 nước đổ vào nội đồng để tháo chua, rửa phèn (trước đó là 2,5 tỉ m3).

Tứ giác Long Xuyên có diện tích 489.935ha, trong đó lớn nhất là An Giang với 245.083ha chiếm 52%. Tứ giác này vào năm 1997 có 253.186ha bị nhiễm phèn nặng, 12.100ha bị nhiễm mặn.Nhiệm vụ thoát lũ ra biển Tây, dẫn nước ngọt từ sông Hậu vào sâu trong nội đồng, rửa phèn, góp phần giảm mức độ ngập lụt, bảo vệ cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng phát triển sản xuất, đã hoàn thành.“Túi phèn” ngày nào đã trở thành vựa lúa của cả nước. Làng xóm nông thôn đổi mới đến mức kinh ngạc, so với thập niên 1980.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng thuộc xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang). Rừng U Minh Thượng được công nhận là vườn quốc gia vào tháng 1/2002, với diện tích 8.053ha vùng lõi,cộng thêm 13.069ha vùng đệm, có dân cư. Nơi đây là khu dự trữ sinh quyển với hệ sinh thái đa dạng. Từ năm 2003, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Ngày 13/8/2013 tiếp tục được vinh danh là Vườn Di sản ASEAN. Nơi đây là vườn di sản đầu tiên về “đất than bùn” và đồng thời cũng là Vườn Di sản ASEAN thứ 5 của Việt Nam.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng có 234 loài thực vật, 32 loài động vật có vú, 186 loài chim, 39 loài bò sát và lưỡng cư, 34 loài cá. Loài quý hiếm và nguy cấp đang được bảo vệ là dơi ngựa lớn, mèo cá, ếch giun, già đãy nhỏ, kỳ đà vân, lợn rừng, rái cá lông mũi, trăn gấm, têtê Java (Manis javanica), sóc mun (Callosciurus finlaysoni), cầy vòi lớn (Paradoxurus hermaphroditus).

Sân chim U Minh Thượng được xem là lớn nhất vùng ÐBSCL với nhiều loài chim quý hiếm như điên điển, cò nhạn, cò ốc, đại bàng đen, hạc cổ trắng, gà nước...

Xem thêm
Bộ phim 'Độc đạo' vì sao thu hút khán giả truyền hình?

Bộ phim ‘Độc đạo’ phát sóng trên VTV3 vào lúc 21h40 thứ 2, 3, 4 hàng tuần thực sự khiến người xem thích thú vì lối thể hiện đề tài hình sự khá mới mẻ.

Barcelona được dự báo sẽ vô địch La Liga

Dù La Liga 2024/2025 mới đi được 1/3 chặng đường nhưng sau chiến thắng tại trận siêu kinh điển thì Barcelona được dự báo nhiều khả năng vô địch.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.