| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang lý giải việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

Thứ Hai 15/04/2024 , 12:17 (GMT+7)

Tỉnh Tiền Giang là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn tại huyện Tân Phú Đông.

Sản xuất nông nghiệp vẫn an toàn

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tại địa phương, xâm nhập mặn theo 3 hướng, từ sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An), sông Tiền và sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre). Mặn xâm nhập sớm, lấn sâu khoảng 70-75km và xuống rất chậm. Dẫn đến, một số khu vực bị thiếu nước để bổ cấp cho các nhà máy xử lý nước sinh hoạt.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm hỏi người dân vùng hạn mặn tại huyện Gò Công Đông ngày 7/3. Ảnh: Minh Đảm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm hỏi người dân vùng hạn mặn tại huyện Gò Công Đông ngày 7/3. Ảnh: Minh Đảm.

Trên cơ sở dự báo của các cơ quan chuyên môn, sự hỗ trợ của Chính Phủ, các bộ, ngành trung ương. Đặc biệt là Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện quyết liệt các giải pháp để phòng chống hạn mặn. Tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống ngăn mặn trên đường tỉnh 864 và tu sửa hệ thống ngăn mặn trên sông Tiền và khu vực Gò Công Đông.

Nạo vét và hoàn chỉnh các ao để tích nước cho khu vực Tân Phú Đông, đồng thời xây dựng hệ thống đường ống và hệ thống tăng áp của khu vực Chợ Gạo và kênh Tham Thu, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân khu vực phía Đông.

Đến giờ, tỉnh Tiền Giang đã kiểm soát tốt hạn mặn, chưa gây thiệt hại đến sản xuất và cây trồng bởi các hệ thống ngăn mặn đã hoàn chỉnh và đưa vào vận hành, nhất là các cống trên đường tỉnh 864 (6 cái), cũng như cống âu Nguyễn Tấn Thành do Bộ NN-PTNT đầu tư cũng được vận hành dù dự án còn đang thi công. Ngoài ra, dọc sông Vàm Cỏ được tỉnh Tiền Giang phối hợp với tỉnh Long An cũng đã xây dựng hệ thống cống ngăn mặn.

Người dân ven biển trữ nước ngọt tưới cho hoa màu. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân ven biển trữ nước ngọt tưới cho hoa màu. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sớm tích trên 100 triệu m3 nước trong hệ thống kênh rạch vùng ngọt hóa Gò Công. Đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân tích nước thông qua các ao, mương vườn đảm bảo tưới cho cây trồng, đặc biệt là vùng chuyên chuyên canh cây ăn trái khoảng 36.000ha bị hạn mặn đe dọa.

Đối với các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang thực hiện đề án cắt vụ nhiều năm nay. Do đó, vụ lúa đông xuân được đẩy sớm lịch thời vụ và thu hoạch sớm trước khi hạn mặn xảy ra nên hoàn toàn không bị thiệt hại. Do vậy, Tiền Giang đã bảo vệ thành công khoảng 45.000ha lúa đông xuân, 21.000ha rau màu các loại.

Tuy nhiên, tỉnh cũng nhìn nhận ở một số khu vực phía Đông vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu nước ở một số khu vực. Thực tế, những diện tích này đã được chính quyền cũng như ngành NN-PTNT khuyến cáo không gieo trồng. Tuy nhiên, do các mùa khô gần đây, nguồn nước vẫn dồi dào nên người dân vẫn xuống giống theo thói quen.

Hệ thống cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864 dọc sông Tiền ngăn mặn xâm nhập trong mùa khô 2024 bảo vệ hàng chục nghìn ha cây ăn trái và nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: Minh Đảm.

Hệ thống cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864 dọc sông Tiền ngăn mặn xâm nhập trong mùa khô 2024 bảo vệ hàng chục nghìn ha cây ăn trái và nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: Minh Đảm.

Thông tin thêm về việc lấy nước nhiễm mặn vào vùng ngọt hóa Gò Công từ ngày 3/4/2024 và việc phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại huyện Tân Phú Đông, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Nguyên nhân độ mặn cao, ở lâu, chân triều thấp nên khoảng 25 ngày cống Xuân Hòa không lấy gạn cấp bổ cho các kênh phía Đông do vậy các kênh trục, kênh nhánh mới cạn. Khi độ mặn giảm thì cống Xuân Hòa đã lấy gạn trở lại để tưới cho cây trồng chưa thu hoạch (chịu được mặn tương đương - PV), thứ nữa là để chống sụt lún, sạt lở.

Tỉnh Tiền Giang là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn tại huyện Tân Phú Đông. Ông Vĩnh nói, việc này là đúng theo quy định của pháp luật và đây cũng là bước chuẩn bị các điều kiện để triển khai các giải pháp ứng phó theo quy định khi hạn mặn gay gắt hơn.

Nỗ lực cấp nước sinh hoạt cho vùng hạn mặn

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, đã vào đỉnh điểm mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng rất cao, nguồn nước tại các kênh, ao nội đồng đã cạn kiệt nên một số trạm cấp nước ở các huyện, thị xã phía Đông tỉnh Tiền Giang thiếu nguồn nước thô đã phải giảm công suất hoặc ngừng phát nước.

Cụ thể, các ao chứa nước Gia Thuận, Long Bình, Phước Trung, Tăng Hòa… đã cạn nước trạm phải ngừng sản xuất. Các ao chứa tại nhà máy nước Gò Công Tây, ao Tân Thành, ao Vàm Láng, ao Tân Đông, ao Tân Trung đã gần cạn phải giảm sản xuất để duy trì. Khu vực huyện Gò Công Tây chỉ còn sản xuất được ở các trạm cặp Kênh 14, Kênh 16 là Trạm Vĩnh Hựu, Trạm K7, Thạnh Trị.

Tình hình cung cấp nước các huyện, thị xã phía Đông gặp rất nhiều khó khăn. Hiện chỉ còn một nguồn duy nhất từ Nhà máy nước Đồng Tâm (tuy nhiên công ty đã hoạt động hết công suất khoảng 70.000m3/ngày) và các giếng khoan nước ngầm tại khu vực. Sản lượng nước thiếu hụt cho khu vực các huyện, thị xã phía đông khoảng 20.000 m3/ngày đêm.

Kênh rạch ở các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đang dần cạn kiệt, phải lấy nước qua cống Xuân Hòa để bổ cấp chống sạt lở, sụt lún. Ảnh: Minh Đảm.

Kênh rạch ở các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đang dần cạn kiệt, phải lấy nước qua cống Xuân Hòa để bổ cấp chống sạt lở, sụt lún. Ảnh: Minh Đảm.

Để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho người dân. Trong đó, vận hành 16 giếng khoan, mở 114 vòi nước công cộng và đã thực hiện 119 chuyến xe chở nước ngọt về các điểm xa nguồn. Đồng thời chở 5 sà lan nước ngọt bổ cấp cho các ao dự trữ ở huyện Tân Phú Đông. Ngoài ra, còn nhiều đơn vị tài trợ, từ thiện chở nước ngọt cung cấp cho người dân các huyện thị phía Đông.

Mùa mưa được dự báo đến trễ, hạn mặn còn khả năng kéo dài nên Công ty Cấp nước Tiền Giang đề nghị UBND các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích.

Bên cạnh đó, đề nghị Nhà máy nước Đồng Tâm duy trì cung cấp nước ổn định, liên tục ở mức 65.000 m3/ngày đêm và cao điểm tăng đến 70.000 m3/ngày đêm, Trạm bơm tăng áp Chợ Gạo trên 60.000 m3/ngày đêm với nước đạt theo chuẩn quy định nhằm đảm bảo việc cung cấp nước mùa khô năm 2024.

Bên cạnh 6 cống trên đường tỉnh 864 được đầu tư và cống âu Nguyễn Tấn Thành chuẩn bị hoàn thành, tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm đầu tư xây dựng thêm 3 cống: Trà Tân, Ba Rài và Phú An với kinh phí khoảng 887 tỷ đồng khép kín vùng dự án Bảo Định nhằm mở rộng diện tích bảo vệ khoảng 130.000 ha. Đồng thời, kiến nghị trung ương nâng cấp mở rộng ao chứa nước Phú Thạnh 10ha và ao Tân Thới 6ha để phục vụ người dân huyện Tân Phú Đông. Nâng cấp mở rộng ao Gia Thuận 10ha, ao Bình Thành 30ha, ao Gò Dừa 15ha, kinh phí dự kiến khoảng 300 tỷ đồng để phục vụ cho người dân vùng Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.