| Hotline: 0983.970.780

'Bão tan, Quảng Ninh u ám như thể 50 năm về trước'

Thứ Bảy 21/09/2024 , 20:11 (GMT+7)

Chủ tịch Quảng Ninh vẫn chưa hết ám ảnh về trận bão số 3. Bão tan, ông ra đường nhìn quang cảnh phố phường tan hoang, u ám như thể Quảng Ninh 50 năm trước.

Các đại biểu dự hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra. Ảnh: Thu Chung.

Các đại biểu dự hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra. Ảnh: Thu Chung.

Ngày 21/9, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi).

Tại hội nghị, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, bão số 3 đã gây ra thảm họa lớn cho tỉnh. Dù đã có sự chuẩn bị, mức độ tàn phá của bão vượt quá dự đoán. Quảng Ninh có 29 người chết và hơn 1.600 người bị thương, trong đó gần 90 người bị thương nặng.

Về tài sản, Quảng Ninh ước tính thiệt hại lên đến hơn 24 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng thiệt hại của 26 tỉnh, thành phố miền Bắc. Trong đó, thiệt hại về công trình kiến trúc, cơ quan nhà nước và nhà ở của người dân khoảng 6.447 tỷ đồng; thiệt hại về lâm nghiệp vượt 5.200 tỷ đồng với khoảng 120.000ha rừng bị tàn phá; thiệt hại về thủy, hải sản hơn 3.600 tỷ đồng; ngành du lịch thiệt hại hơn 2.400 tỷ đồng.

"Tận mắt chứng kiến những thiệt hại nặng nề đó, tôi thật sự cảm thấy xót xa cho người dân", ông Huy xúc động chia sẻ.

Ông Cao Tường Huy (áo trắng) kiểm tra công tác khắc phục điện sau bão số 3. Ảnh: Vũ Cường.

Ông Cao Tường Huy (áo trắng) kiểm tra công tác khắc phục điện sau bão số 3. Ảnh: Vũ Cường.

Cũng theo Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, sau khi bão số 3 đi qua, 99% địa phương ở Quảng Ninh mất điện, nước, toàn tỉnh tê liệt thông tin liên lạc. Vì mất điện, tê liệt sóng liên lạc nên ban chỉ huy, các cấp lãnh đạo của tỉnh phải thay đổi địa điểm liên tục để có nơi chỉ đạo các địa phương về những phương án phòng, chống bão số 3.

Khó khăn nhất là các cơ sở y tế, bệnh viện vì không thể thăm khám, chữa bệnh cho người dân. Mất hệ thống cấp nước cũng khiến ngành than, cơ sở công nghiệp đình trệ hết.

"Thời điểm sau khi bão số 3 tàn phá, đi ra ngoài đường ở Quảng Ninh như thể đang đi về 50 năm trước đây, đối với cơn bão này phải dùng từ thảm họa, thảm khốc", ông Cao Tường Huy nhớ lại trận bão kinh hoàng xảy ra hôm mùng 7/9.

Quảng Ninh xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau bão

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Cao Tường Huy thẳng thắn nhìn nhận qua trận bão vừa rồi một số lĩnh vực đã bộc lộ điểm yếu, cần phải được điều chỉnh, tái thiết, như thủy sản, lâm nghiệp...

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Chung.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Chung.

Ông Huy cho biết, với mục tiêu cấp bách nhằm tái thiết các công trình xây dựng, tài sản, cơ sở vật chất bị thiệt hại, khôi phục mạnh mẽ hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế, các khu vực kinh tế… UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau cơn bão số 3, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/9/2024.

Nội dung Đề án sẽ hướng đến những nhiệm vụ cần triển khai trước mắt và lâu dài. Thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân bị hư hại; sử dụng nguồn lực đầu tư công và các nguồn lực xã hội khác để đầu tư tái thiết, xây dựng lại các công trình cơ sở hạ tầng, các công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh tế, thu xếp việc làm và ổn định đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp để tối ưu, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như du lịch (phát triển đội tàu du lịch, đầu tư nâng cao chất lượng các điểm thu hút khách du lịch trên địa bàn...), khai thác than (đầu tư khai thác xuống sâu, công nghệ sản xuất chế biến than...); đồng thời nắm bắt thời cơ để khắc phục những điểm yếu trong phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian vừa qua (áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, loài nuôi mới vào nuôi trồng thủy sản; lập lại quy hoạch 3 loại rừng, cơ cấu lại các loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị gia tăng cao, công nghiệp bán dẫn...).

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lên đường dự khóa họp Đại hội đồng LHQ và thăm Cuba

Đây cũng là lần đầu tiên một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam tham dự trực tiếp các phiên họp cấp cao tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Triển khai các quy định mới về điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản

Cần Thơ Buổi tập huấn góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp xung quanh các quy định mới về sản xuất thức ăn và bảo vệ môi trường thủy sản.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Cha con 'người hùng không biết chữ' cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Dù không biết chữ, cha con anh Nguyễn Văn Hai vẫn mày mò tự chế thiết bị lặn để cứu trạm bơm Cống Bún khỏi sự cố rò rỉ trước thời điểm mưa lũ.