| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển: Chỉ còn nước mắt & nợ nần: [Bài 5] Còn thở còn gỡ!

Thứ Bảy 21/09/2024 , 09:56 (GMT+7)

Dân nuôi biển Quảng Ninh sau bão số 3 thiệt hại lớn nhưng tinh thần của người nuôi biển vẫn luôn lạc quan. Một câu ông Thanh nói rất hay 'không bao giờ buông xuôi'.

Trận bão số 3, chị Vinh ở đảo Thắng Lợi (huyện Vân Đồn) bị thiệt hại gần 5 tỷ đồng nhưng tinh thần vẫn lạc quan, 'còn người là còn của'. Ảnh: Vũ Cường.

Trận bão số 3, chị Vinh ở đảo Thắng Lợi (huyện Vân Đồn) bị thiệt hại gần 5 tỷ đồng nhưng tinh thần vẫn lạc quan, "còn người là còn của". Ảnh: Vũ Cường.

Còn người là còn của

Sau trận bão số 3, toàn tỉnh Quảng Ninh ước tính thiệt hại khoảng 24.000 tỷ đồng, trong đó có 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại gần 3.700 tỷ đồng.

Tình cảnh chung của những hộ dân nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh, người nuôi nhiều thì mất nhiều, nuôi ít mất ít. Thậm chí, có hộ bị bão đánh tan lồng bè nuôi cá trị giá gần trăm tỷ đồng, còn phải bỏ mạng ngoài biển cả, như ông Long Văn Quảng ở Vân Đồn.

Tại buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy với bà con nuôi biển Vân Đồn, bàn về phương án hỗ trợ người dân bị thiệt hại sau bão, ông Trần Văn Thiên, một hộ nuôi hàu sữa quy mô lớn tại Vân Đồn, cho biết: Trận bão vừa rồi mặc dù đã được các cơ quan chức năng, đài báo cảnh báo từ rất sớm nhưng không ai nghĩ bão lại to đến thế, trở thành thảm họa.

"Cũng bởi vì bè của anh Long Văn Quảng quá chắc, tài sản quá lớn nên anh không nỡ bỏ. Nhưng sức người làm sao chống chọi được với thiên nhiên, dẫn đến sự việc vô cùng đáng tiếc", ông Thiên xúc động chia sẻ, nhớ lại người "anh lớn" về nuôi biển đã ra đi trong trận bão số 3 ác nghiệt.

Anh Trần Văn Chương bị bão đánh trôi các lồng bè, chỉ còn sót lại căn chòi trông cá đã tan nát. Ảnh: Vũ Cường.

Anh Trần Văn Chương bị bão đánh trôi các lồng bè, chỉ còn sót lại căn chòi trông cá đã tan nát. Ảnh: Vũ Cường.

Vân Đồn - từ một vùng nuôi biển sầm uất nức tiếng giờ gần như trắng biển. Ngày ngày, nhìn cảnh bà con ra biển vớt từng quả phao, từng cây tre, khúc gỗ, những thứ còn sót lại sau cơn bão, ông Thiên không khỏi xót xa, tiếc nuối.

Mất mát của người nuôi biển Quảng Ninh quá lớn nhưng tinh thần của người nuôi biển vẫn luôn lạc quan.

Như chị Vinh đảo Thắng Lợi (huyện Vân Đồn) mất gần 5 tỷ, ông Thanh hàng xóm 'bay" 10 tỷ nhưng không vì vậy mà buông xuôi. Với chị Vinh và nhiều hộ dân nuổi biển, dù trắng tay cũng phải cố khôi phục lại nghề? Còn ông Thanh nói một câu rất hay, "không bao giờ buông xuôi".

Ông Trần Văn Thiên cũng vậy, khẳng định chắc nịch với Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, rằng "còn người, còn sức khỏe, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục bám biển".

Làm lại phải có "phao cứu sinh"

Tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và đại diện các Ngân hàng, bà con nuôi biển Vân Đồn thể hiện rõ sự quyết tâm "ngã ở đâu đứng lên ở đó". Nhiều người tính, chỉ 2 năm sau, nhân dân sẽ đứng vững, tái thiết cuộc sống, xây dựng một Vân Đồn phát triển. Nhưng để đứng lên mạnh mẽ thì các hộ nuôi trồng thủy sản cần có "phao cứu sinh".

Cụ thể là các ngân hàng khoanh nợ và tạo điều kiện vay vốn mới để tái sản xuất ở mức lãi suất thấp nhất cho người dân, hoãn, giãn, giảm thu thuế đối với diện tích thuê mặt biển của các hợp tác xã.

Người dân nuôi biển tại đảo Ông Cụ (TP Cẩm Phả) gia cố lại lồng bè sau cơn bão. Ảnh: Võ Việt.

Người dân nuôi biển tại đảo Ông Cụ (TP Cẩm Phả) gia cố lại lồng bè sau cơn bão. Ảnh: Võ Việt.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đồng cảm, chia sẻ với những mất mát của người dân nuôi biển trong cơn bão số 3. Ông Huy cho biết, tỉnh sẽ sớm nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3.

Địa phương cần sớm rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản, đảm bảo khách quan, trung thực, công khai, minh bạch để khi chính sách được ban hành sẽ sớm triển khai thực hiện hỗ trợ.

Nếu được hỗ trợ về vay vốn, bà con nuôi biển quyết tâm sẽ lấy lại gấp 2, gấp 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nếu được hỗ trợ về vay vốn, bà con nuôi biển quyết tâm sẽ lấy lại gấp 2, gấp 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nói là làm, ngày 18/9, ông Cao Tường Huy đã có thư gửi các ngân hàng, đề nghị tháo gỡ khó khăn cho những khách hàng đang vay vốn chịu ảnh hưởng do cơn bão số 3.

Trong thư, ông Huy đề nghị có các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp...

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mong muốn được làm việc trực tiếp với lãnh đạo các ngân hàng để cùng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng đang vay vốn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024.

Biển Vân Đồn 'ngày chưa giông bão'. Ảnh: Nguyễn Thành  .

Biển Vân Đồn "ngày chưa giông bão". Ảnh: Nguyễn Thành  .

Chỉ sau một hôm, ngày 19/9, đã có 5 Ngân hàng thương mại gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Bản Việt (BVBank) triển khai các chính sách hỗ trợ như: Điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm; miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phát sinh từ ngày 6/9. Chương trình hỗ trợ được áp dụng chung đối với các tỉnh, thành phố bị thiệt hại sau bão số 3.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ban hành Gói tín dụng 200.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn để phục hồi hoạt động sau ảnh hưởng của bão kể cả cho vay ngắn, trung, dài hạn với mức lãi suất ưu đãi hơn mức cho vay thông thường.

Hiện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục cập nhật, tổng hợp thiệt hại của khách hàng, báo cáo Ngân hàng Nhà nước để chỉ đạo các ngân hàng thương mại bao gồm cả các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Đồng thời, có chương trình tín dụng cho vay mới với lãi suất hợp lý, trong đó cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng hiện hữu bị thiệt hại do bão để có vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh: Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng với ngành thủy sản Quảng Ninh. Trên cơ sở thống kê thiệt hại, Sở đã rà soát các quy định, tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ cho bà con một phần kinh phí.

Tuy nhiên, theo đánh giá cảm quan của ngành nông nghiệp, vốn đầu tư của các cơ sở nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các cơ sở nuôi biển rất lớn. Các mức hỗ trợ của Nhà nước khá khiêm tốn nên tỷ lệ hỗ trợ cho bà con chỉ chiếm một phần nào đó, các chủ cơ sở vẫn phải dựa vào bản thân ể vượt qua khó khăn hiện nay.

Qua trận bão số 3 và trước đây, ông Nghị thẳng thắn nhận định hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển có tính rủi ro khá cao. Để phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển bền vững thì ngành nông nghiệp tỉnh sẽ hướng dẫn các địa phương, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nuôi sẽ phải hiện đại các cơ sở nuôi, sử dụng các vật liệu hợp chuẩn đã được tỉnh Quảng Ninh có văn bản quy định để lựa chọn những vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường, có quy trình nuôi áp dụng khoa học công nghệ để đảm bảo hiệu quả nuôi.

Ngoài ra, bảo hiểm trong nuôi trồng thủy sản cũng là điều cần lưu ý. Ông Phan Thanh Nghị cho biết, thời gian tới, Sở sẽ kết nối để cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản cùng các doanh nghiệp bảo hiểm hợp tác với nhau, qua đó, tạo ra các sản phẩm bảo hiểm cho bà con.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.