Tiến sĩ Lê Kiên Thành là con trai của chính khách Lê Duẩn (1907-1986) và nhà báo Nguyễn Thụy Nga (1925-2018). Vì vậy, tiến sĩ Lê Kiên Thành ý thức rất rõ về xuất thân đặc biệt của mình: “Tôi luôn phải chịu áp lực là con một nhà lãnh đạo. Phải nhiều năm sau thời niên thiếu, tôi mới ý thức được rằng ba mình khác những người khác. Khi còn sống, ba tôi chỉ dặn một điều: Ba chết không để lại cho mấy đứa được đồng xu nào hết, có chăng là để lại cái tiếng của ba”.
Tiến sĩ Lê Kiên Thành được đào tạo tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Dupna, Liên Xô. Ông từng công tác tại Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam, sau đó chuyển ra làm kinh tế tư nhân.
Gần 10 năm nay, tiến sĩ Lê Kiên Thành tỉ mỉ viết lại những ký ức bản thân, dưới dạng những truyện ngắn hoặc truyện ký. Và bây giờ, tập truyện “Những khoảnh khắc sống” được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành, giúp tiến sĩ Lê Kiên Thành xuất hiện như một tác giả mới ở tuổi 69.
“Những khoảnh khắc sống” gồm 15 truyện, được họa sĩ Thành Chương vẽ minh họa cho từng truyện khá ấn tượng. Nội dung và thông điệp của mỗi chuyện chứa đựng đủ yếu tố để làm nên một truyện ngắn, một truyện vừa hoặc một tiểu thuyết, nhưng tiến sỹ Lê Kiên Thành đã chọn hình thức và cách viết mang tinh thần "truyện kể". Hình thức và cách viết ấy có một khả năng là đưa người đọc trở thành nhân chứng hoặc là người tham dự cùng ông trong mỗi câu chuyện. Người đọc có cơ hội được trở về quá khứ và sống trong những khoảnh khắc của đời sống ấy. Và lúc đó, tính chân thực trong mỗi câu chuyện được đẩy đến tận cùng.
Tất cả những câu chuyện trong cuốn sách này đã diễn ra rất lâu, cách xa thời đại chúng ta đang sống hơn một nửa thế kỷ. Và chúng ta, với nhiều lý do đang đánh mất dần ký ức của mình về những năm tháng đó, thì việc hồi sinh ký ức là một trong những sứ nệnh quan trọng nhất của người cầm bút.
Một số truyện đáng chú ý trong “Những khoảnh khắc sống” như “Cô gái trong quán cà phê”, “Chồng tôi”, “Câu chuyện của Hương”, “Câu chuyện của anh”, “Tâm hồn Nga”, “Số phận một con người”...
Tại buổi giới thiệu tập truyện “Những khoảnh khắc sống” vừa diễn ra ở Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá: “Một trong những đặc điểm rất rõ trong các truyện của Lê Kiên Thành là yếu tố bất ngờ. Yếu tố bất ngờ đã tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong diễn biến của truyện và nó mở ra những bí ẩn của đời sống. Cũng như nó khám phá chân lý của đời sống.
Yếu tố bất ngờ hay có thể gọi là thủ pháp thắt nút, mở nút được sử dụng trong các diễn biến của truyện và trong cả tuyến truyện của Lê Kiên Thành, đồng thời nó cũng cho thấy bản chất của đời sống luôn chứa dựng những vẻ đẹp mà chỉ khi ta dám sống đến cùng ta mới phát hiện ra. Yếu tố bất ngờ hay gọi một cách khác chính xác hơn là bước ngoặt của truyện luôn đẩy truyện lên một cao trào giống như người ta bật công tắc trong một căn phòng đầy bóng tối làm cho câu chuyện bừng sáng và mở ra toàn bộ thông điệp của nhà văn gửi tới người đọc.
Hiện thực xã hội chúng ta đang sống có quá nhiều chuyện đau buồn, thù hận, thất vọng và lo sợ. Nhưng nhà văn không thể làm cho nó đau buồn hơn, thù hận hơn, thất vọng hơn và lo sợ hơn trong những trang viết của mình mà phải tìm trong đau buồn ấy, trong thù hận ấy, trong thất vọng ấy và trong lo sợ ấy những vẻ đẹp, những yêu thương, những giấc mơ của con người và từ đó đặt niềm tin vào con người. Và Lê Kiên Thành đã làm cho tôi tìm thấy những điều đó”.