| Hotline: 0983.970.780

Chúng ta đặt nông dân ở đâu?

Thứ Ba 09/02/2016 , 14:35 (GMT+7)

TS Lê Kiên Thành đón tôi tại nhà với ly nước vối mới hãm. Có lẽ ông thoáng thất vọng khi tôi là nhà báo Nông nghiệp mà không biết đến cây thức uống quen thuộc của nông dân đồng bằng Bắc bộ.

00-20-57_dsc_0271
Tiến sĩ Toán lý, doanh nhân Lê Kiên Thành (Ảnh Quang Ngọc)

Ông đưa tôi ra vườn chỉ cho xem cây vối tự tay ông trồng và tự hào - Mình là dân thành thị nhưng vẫn thích những món của nông dân.

Hình ảnh người nông dân khảm vào tâm trí từ những ngày tôi được cưỡi trâu, cuốc đất với họ khi chúng tôi sơ tán về xã Thuận Mỹ (tỉnh Hà Tây cũ) trong chiến tranh. Lúc ấy tôi đã vỡ giọng, to cao “lộc ngộc” nhất lớp, một phần chắc do được ăn uống đầy đủ hơn, một phần do thanh niên nông thôn thường đi học trễ nên phần lớn họ đã lên đường ra trận.

Làng không có trai tráng, chủ yếu người già, trẻ em và phụ nữ. Nhà rất chật nhưng họ cố thu xếp, gom về một chỗ dành cho chúng tôi ở nơi thoải mái nhất. Chúng tôi có gạo, có thực phẩm nhiều hơn nhưng khi được hợp tác xã chia cho mớ khoai, củ sắn thì họ lại chia ngược cho chúng tôi.

Họ nói với nhau: Nói thế thôi, bọn trẻ thành phố làm sao bằng con cháu nhà mình vì con cháu nhà mình còn gần bố mẹ ông bà. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế mà họ vẫn tìm ra được cái họ hơn, tìm được lẽ mà thương, mà sẻ chia với người khác có điều kiện vật chất hơn mình chứng tỏ họ nhân hậu bao la nhường nào. Không như các việc làm nhân đạo bây giờ, lấy của người giàu hơn chia sẻ cho người nghèo, cũng không phải “lá lành đùm lá rách” mà tình thương đang được sẻ chia ngược lại.

Hơn 80 năm trước, Đảng ta ra đời trong bối cảnh rất nhiều thế lực thù địch, nhiều trào lưu tư tưởng và phong trào yêu nước khác nhau nhưng chỉ với 5.000 đảng viên mà đã cạnh tranh thắng lợi trên mặt trận tư tưởng, huy động được tài lực của cả dân tộc tạo nên lực lượng cách mạng, giành được độc lập cho dân tộc rồi tiến hành kháng chiến thần kỳ đánh thắng cả Pháp lẫn Mỹ thống nhất đất nước. Tại sao Đảng làm được sự nghiệp thần kỳ đấy? Điều có thể giải thích là Đảng đã nhận được sự ủng hộ vô bờ bến của nông dân, giai cấp chiếm tới 90% dân số lúc ấy.

Cha tôi, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng nhận xét khác với quan điểm của Mác: Nông dân Việt Nam không có tư hữu. Nếu có tư hữu thì không thể giải thích được các việc làm của nông dân cho kháng chiến, tỷ như tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống, tỷ như dỡ nhà lót đường cho xe qua, những việc làm khó tin với ngày nay nhưng lại rất bình thường ngày ấy.

Đâu chỉ có cân lúa, miếng thịt, “Lương không thiếu một cân” mà còn “Quân không thiếu một người”. Điệp trùng Quân đội nhân dân Việt Nam hầu hết là nông dân, hầu như nhà nào cũng có người đi bộ đội, có nhà có tới 5 người, phổ biến là 2 - 3. Không chỉ có trai mà gái quê cũng hiến dâng tuổi thanh xuân xông pha tuyến lửa trong phong trào thanh niên xung phong, “tay cày tay súng” của thanh niên 3 sẵn sàng.

Hình ảnh các cô gái vốn yểu điệu dịu dàng đứng trên bom nổ chậm làm nọc tiêu hướng dẫn xe qua túi bom ngã ba Đồng Lộc là độc nhất vô nhị trên trần gian. Nghĩa trang Trường Sơn hàng hàng bia mộ, quê quán các anh không là làng lúa ven sông Hồng, sông Đáy thì cũng bãi bồi bên sông La, sông Lam hay một làng bản hẻo lánh trắng bạch hoa ban.

Không chỉ có hy sinh, mà nông dân còn là lực lượng cống hiến nhiều nhất. Bao nhiêu tinh túy của nông dân đã trở thành tướng lĩnh, bao nhiêu nông dân đã trở thành cán bộ lãnh đạo vừa có đức lại vừa có tài.

Tại sao triệu triệu nông dân nghèo không hiểu chủ nghĩa xã hội là như thế nào, ông Mác, ông Lê Nin là ai họ lại một lòng theo Đảng, nuôi giấu chở che Đảng, hy sinh cống hiến cho Đảng, bởi Đảng chính là ruột thịt của họ, là cha là anh, là chú bác cô dì của họ. Mơ ước cơm ăn, áo mặc, học hành của họ cũng chính là mục tiêu cách mạng của Đảng.

Tuy chưa biết cách nào để một người nông dân Việt Nam cũng có thể làm ra khối lượng nông sản đủ cho nghìn người ăn như các nước phát triển nhưng nông nghiệp, nông thôn chúng ta 30 năm qua cũng đã đạt được thành tựu khích lệ, từ chỗ thiếu ăn đã có dư ăn lại xuất khẩu được hơn 30 tỷ USD mỗi năm.

Kết quả xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cũng có nhiều tiến bộ được thế giới công nhận. Tuy nhiên, chừng ấy vẫn là chưa đủ như kỳ vọng cũng như tiềm năng, những khu căn cứ cách mạng ngày trước, nơi nuôi nấng, bao bọc, ủng hộ cách mạng vẫn thuộc vùng sâu vùng xa, nơi cuối cùng có điện; 70% hộ nghèo là nông dân.


Nông nghiệp, nông thôn chúng ta 30 năm qua cũng đã đạt được thành tựu khích lệ (Ảnh minh họa)

Ngày trước nông dân theo Đảng vì khẩu hiệu “người cày có ruộng” nhưng hiện nay khiếu kiện về đất đai là khiếu kiện nhiều nhất, đông người nhất, dai dẳng nhất cả ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Việc đầu tư cho Vinashin, Vinalines với kỳ vọng xây dựng một tập đoàn kinh tế biển hùng mạnh, một hạm đội hiên ngang đi ra biển khơi. Mơ ước ấy là đúng, nhưng theo tôi, nếu đem số tiền khổng lồ ấy về xây dựng nông thôn thì bộ mặt nông thôn ngày nay đã thay đổi một cách cơ bản chứ không phải như bây giờ.

Tôi vẫn ước có ai lấy được một phần trong hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền thất thoát, tham nhũng để xây thêm một cây cầu, mua thóc giống cấp phát miễn phí cho nông dân, tăng gấp 20 lần lương cho giáo viên nông thôn, cho bác sỹ nông thôn để họ trụ lại được với nông thôn, yên tâm chăm lo việc học hành khám chữa bệnh cho nông dân và con em họ thì chúng ta có thể nói với thế giới rằng, Việt Nam tuy nghèo nhưng không một trẻ em nào thất học, tuy nghèo nhưng mỗi xã dù bất kỳ ở đâu cũng có một bác sỹ khám chữa bệnh cho đồng bào. Lúc ấy mặc dù chúng ta không có những con tàu lớn, hạm đội hùng mạnh hiên ngang trên đại dương như một số cường quốc nhưng niềm tự hào, kiêu hãnh ấy không kém.

Tệ nạn lưu manh, trộm cắp, cướp giật, đĩ điếm, bài bạc, hút xách cũng đang lan tỏa vào nông thôn, đang gặm nhắm, hủy hoại cái cốt lõi của dân tộc này.

Trước đây nông thôn là thành trì của cách mạng cả về vật chất lẫn tinh thần. Tình thương yêu con người, nề nếp gia đình, tình làng nghĩa xóm đủ sức chi phối đạo đức, hành vi toàn xã hội, ngăn chặn thói hư tật xấu từ khi còn trong suy nghĩ nhưng ngày nay sức đề kháng ấy đã yếu đi nhiều.

Nạn trộm chó phổ biến từ Nam chí Bắc, nhưng đau xót hơn là chính những người nông dân mới hôm qua còn “thương người như thể thương thân” mà hôm nay lại có thể sẵn sàng đốt xe, đánh đến chết kẻ trộm chó. Có trường hợp kẻ trộm thúc thủ, không chống cự mà quỳ lạy van xin, thậm chí cha của nạn nhân cũng quỳ lạy van xin nhưng vẫn không được tha. Một con chó dù chủ có thân thương đến mấy thì cũng không thể sánh với con người. Nông dân ngày nay không còn là nông dân ngày mới theo Đảng nữa.

Cái xấu đang tấn công cái đẹp, cái thiện đang khoanh tay trước cái ác. “Bần cùng sinh đạo tặc” chăng? Không phải. Cuộc sống vật chất nông dân ngày nay đầy đủ hơn trước rất nhiều. Ngày xưa nông dân đói khổ đến tận cùng nhưng đã từng lấy cái tốt để mà sống, mà tồn tại cơ mà.

Tại sao bản chất tốt đẹp của người nông dân đang bị bào mòn đi, mai một đi mà không ai thấy, hoặc giả thấy nhưng dửng dưng, hoặc không dửng dưng nhưng không suy xét thấu đáo, không có giải pháp?! Người nông dân, lực lượng chính của sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước đang ở đâu trong guồng quay xã hội hiện nay?!

Bản chất tốt đẹp của người nông dân đã hun đúc nên nền tảng đạo đức, sức mạnh của dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất hàng nghìn năm nay. Nguyễn Trãi từng giải thích nguyên nhân thành công của cuộc chiến chống giặc Minh “lấy ít thắng mạnh, lấy ít địch nhiều” của dân tộc Việt Nam bằng chân lý súc tích “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn; Lấy chí nhân thay cường bạo”.

Tiếp nối truyền thống ông cha, Đảng cũng đã giương cao ngọn cờ đại nghĩa và chí nhân để huy động tổng lực tài lực của nhân dân làm nên kỳ tích giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước làm cho Việt Nam thêm phần rạng rỡ.

Việt Nam chúng ta hãy còn nghèo. Kẻ thù xung quanh ta hãy còn lắm. Nếu chiến tranh lại xảy ra, mặc dù không ai muốn điều đó, thì chúng ta lấy gì tự vệ? Mình sắm được một tàu ngầm thì bọn chúng đã có hàng trăm cái, mình mua được một tên lửa thì bọn chúng đã có hàng nghìn. Tuy không thể so sánh về sức mạnh vũ khí nhưng có cái chúng ta hơn chúng là Đại nghĩa và Chí nhân. Bởi vậy chúng ta phải nâng niu và gìn giữ, không được để Đại nghĩa và Chí nhân mai một đi trong nông dân nói riêng và nhân dân nói chung.

Tỷ lệ nông dân của chúng ta đã giảm xuống chỉ còn 70% và sẽ tiếp tục giảm mạnh theo tiến trình phát triển của đất nước. Tuy cơ cấu kinh tế nông nghiệp và cơ cấu dân số nông dân giảm nhưng muốn giữ được biên cương, giữ được độc lập cho dân tộc, xây dựng Việt Nam thành giàu đẹp “sánh vai với bè bạn 5 châu” thì càng phải được đồng lòng, đồng sức của nhân dân; càng cần hun đúc, bồi bổ bản chất tốt đẹp của người Việt mà nông dân không những là thành phần đông nhất, thành phần trung tâm, mà còn là cơ bản nhất.

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Lễ hội quế lớn nhất nước giới thiệu hơn 50 sản phẩm từ quế

Yên Bái Ngày 5/1, huyện Văn Yên tổ chức Lễ hội quế lần thứ 5 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm quảng bá, giới thiệu vùng quế lớn nhất cả nước.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!