Tiếng Việt ân tình gói ghém trong ca dao, tục ngữ và những điệu hò, điệu lý đã được lưu học sinh khai thác rất hiệu quả, qua cuộc thi hùng biện có chủ đề “Việt Nam trong tôi”. Tiếng Việt ân tình đối với lưu học sinh nước ngoài không chỉ là phương tiện giao tiếp, mà còn là sự ấm áp thương yêu.
Vòng chung kết cuộc thi hùng biện dành cho lưu học sinh nước ngoài, được tổ chức sáng 1/12 tại Hội trường Trần Chí Đáo trong khuôn viên Đại học quốc gia TP.HCM. Ban giám khảo gồm có phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Dương, tiến sĩ Hồ Thị Trinh Anh, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh, tiến sĩ Lê Xuân Thông, tiến sĩ Đỗ Thị Kim Cương và tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Chi.
Với 63 đội tham gia từ các trường đại học trên cả nước, ba vòng sơ khảo đã được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. 12 đội vào chung kết là Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trường Đại học Kiên Giang, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Trường Đại học Cửu Long, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, Trường Đại học Y khoa Vinh, Trường Hữu Nghị 80, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học Hà Nội và Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.
Đều có đẳng cấp “gạo trên sàng” nên các phần thi được đầu tư rất công phu. Những nét độc đáo về lịch sử và văn hóa Việt Nam trong cách cảm và cách nghĩ của lưu học sinh nước ngoài, trở nên lung linh hơn, quyến rũ hơn. Đặc biệt, tiếng Việt ân tình càng mang vẻ đẹp riêng khi tương tác với bản sắc mỗi địa phương mà lưu học sinh cư ngụ.
Lưu học sinh các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc... đã giúp chính người Việt Nam thấu hiểu sâu đậm thêm giá trị của tiếng Việt trong quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế.
Kết quả, giải nhất thuộc về Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội. Hai giải nhì thuộc về Trường Đại học Cửu Long và Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Ba đội của Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, Trường Đại học Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh cùng được giải ba.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, đã ngồi theo dõi vòng chung kết cuộc thi hùng biện “Việt Nam trong tôi” từ đầu đến cuối, cho rằng: “Không chỉ có chuyên ngành Việt Nam học mà một số ngành học khác cũng quan tâm đến việc giảng dạy tiếng Việt cho lưu học sinh. Thông qua ngôn ngữ, lưu học sinh gắn bó hơn với đất nước và con người Việt Nam. Có nhiều lưu học sinh có khả năng nói tiếng Việt như người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam”.