| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh việc nhập khẩu gạo tăng đột biến của Trung Quốc

Thứ Hai 25/10/2021 , 18:26 (GMT+7)

Theo dữ liệu hải quan, hoạt động nhập khẩu gạo của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mốc 3,2 triệu tấn.

Nhân công Campuchia vẫn chuyển gạo xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Khmer Times.

Nhân công Campuchia vẫn chuyển gạo xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Khmer Times.

Trong khi đó so với cùng kỳ, hoạt động xuất khẩu gạo của Trung Quốc - chủ yếu là xuất bán các kho gạo tồn từ mùa vụ cũ vẫn ổn định ở mức 1,69 triệu tấn.

Các chuyên gia dự báo nếu xu hướng này tiếp tục, nhà sản xuất lương thực lớn nhất thế giới sẽ lần đầu tiên trở thành nhà nhập khẩu gạo ròng kể từ năm 2018. Lý do cho sự thay đổi này thì có rất nhiều và bao trùm từ lúa gạo sang các mặt hàng khác, trong khi hậu quả của nó là sâu rộng và có khả năng sẽ thúc đẩy thêm việc dự trữ của Trung Quốc.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng gạo của Ấn Độ được nhập khẩu vào Trung Quốc trong năm 2020 chỉ chiếm khoảng dưới 1% nhưng năm nay đã bất ngờ tăng lên 23% và khiến quốc gia Nam Á trở thành nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc. Kế đến là Việt Nam với 22%, Pakistan và Myanmar lần lượt là 20% và 18%.

USDA cho biết, 97% lượng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ trong năm nay bao gồm gạo tấm và gạo tấm chiếm khoảng một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu, trong khi gạo xay xát từ trước đến nay vẫn thường chiếm giữ khối lượng nhiều nhất.

Dữ liệu hải quan Ấn Độ cũng cho thấy, đã có 114,581 tấn gạo Ấn Độ đã được chuyển đến Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua. Điều đó càng có thêm cơ sở để nhấn mạnh rằng, không có dấu hiệu nào ngay lập tức cho thấy thị hiếu của Trung Quốc đối với gạo tấm của Ấn Độ đang suy giảm.

Nhu cầu về gạo tấm của Trung Quốc được cho là chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thức ăn chăn nuôi khi giá các loại ngũ cốc khác dùng thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là ngô, đã tăng lên.

Theo giới chuyên gia, sự khác biệt đã tự nói lên điều đó. Nền tảng S&P Global Platts đã công bố mức giá ngô ở khu vực Đông Bắc Á đạt mức cao nhất năm 2021 là 349 USD/tấn vào tháng 5, trong khi đối với gạo trắng 100% tấm của Ấn Độ chỉ là 270 USD/tấn FOB. Mặc dù mức chênh lệch này đã thu hẹp xuống còn khoảng 50 USD/tấn vào đầu tháng 10, nhưng rõ ràng nó vẫn rất khả thi đối với người mua Trung Quốc.

Lượng bán đấu giá thóc tồn kho trong năm nay của Trung Quốc đạt rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn: NGTC

Lượng bán đấu giá thóc tồn kho trong năm nay của Trung Quốc đạt rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn: NGTC

USDA cũng chỉ ra sự sụt giảm đáng kể trong việc định giá gạo nguyên hạt có xuất xứ từ châu Á là một lý do nữa cho sự gia tăng nhập khẩu của Trung Quốc. Lấy tiêu chuẩn gạo trắng 5% tấm của Thái Lan làm ví dụ, đánh giá của S&P Global đã giảm từ mức cao nhất của năm 2021 là 542 USD/tấn FOB vào tháng 2 xuống mức thấp nhất năm 2021 là 370 USD/tấn FOB vào tháng 8, giảm tới gần một phần ba. Mức giảm tương tự cũng được ghi nhận ở các quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam.

Đồng thời, do được hỗ trợ từ trong nước, thậm chí giá gạo của Trung Quốc vụ cũ còn cao hơn hầu hết các loại gạo trắng 5% tấm của châu Á, tính theo giá FOB. Trong các cuộc đấu giá thu mua gạo cũ của Trung tâm Thương mại Ngũ cốc Quốc gia Trung Quốc (NGTC) mới đây, giá trung bình thường được ghi nhận vào khoảng 2.500 nhân dân tệ/tấn, tương đương 391 USD/tấn.

Trong bối cảnh đó, hạn ngạch thuế nhập khẩu ở mức 1% của Trung Quốc đã cho phép các nhà nhập khẩu kiếm được lợi nhuận đáng kể. Một thương nhân lớn có trụ sở tại Singapore cho hay, với hạn ngạch thuế nhập khẩu tương đương với biên lợi nhuận nội địa... thì "đó là lý do tại sao họ kiếm được bộn tiền".

Trong bối cảnh nhập khẩu tăng vọt và giá nội địa giảm do cạnh tranh, nỗ lực của NGTC nhằm giải phóng các kho dự trữ lúa vụ cũ đã gặp khó. Còn nhớ vào tháng 9 năm 2020, NGTC đã bán được tới 1,3 triệu tấn thóc trong các kho dự trữ nhưng vào tháng 9 này, NGTC chỉ có thể bán được 22.827 tấn trong tổng số 7,2 triệu tấn.

Do vướng Tuần lễ vàng của Trung Quốc (từ 1-7 tháng 10), nên chỉ có một cuộc đấu giá thóc được tổ chức trong tháng 10 này. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 52 tấn được đấu giá thành công trong tổng số 1,8 triệu tấn cần giải phóng.

Và điều này là không có gì đáng ngạc nhiên khi các nguồn tin đều đề cập đến tình trạng "giá lúa gạo sụt giảm" hoặc "khá mềm" ở Trung Quốc, và hiện không có dấu hiệu sẽ thay đổi khi tình hình thu hoạch ở nước này đang ở thời kỳ cao điểm.

Trong hai tuần qua, các báo cáo về sự phát triển của các giống lúa hai vụ đã xuất hiện dày đặc với năng suất cao cùng với việc USDA gần đây cũng đưa ra dự báo sản lượng gạo xay xát của Trung Quốc trong niên vụ 2021-22 (tháng 7 đến tháng 6) sẽ có thể ở mức 150 triệu tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với những diễn biến này, có vẻ như sẽ có nhiều áp lực hơn đối với chính phủ Trung Quốc trong việc tìm cách giảm lượng gạo dự trữ đáng kể của Trung Quốc thay vì thông qua thị trường nội địa. Mặc dù một trong những phương pháp này sẽ là tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hơn nữa, nhưng cho đến nay phương án này dường như chưa được tận dụng.

Theo hải quan Trung Quốc, lượng xuất khẩu gạo trong tháng 8 năm 2021 đã giảm 18% so với tháng 8 năm 2019.

"Giá gạo Trung Quốc dường như đã mất khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới do giá gạo quốc tế giảm đáng kể vào năm 2021”, theo USDA.

Tại khu vực Địa Trung Hải, giá gạo cũ của Trung Quốc chỉ vào khoảng 515-  525 USD/tấn CFR tại cảng trong những tuần gần đây, thấp hơn nhiều so với gạo của các nhà cung cấp châu Âu. Trong khi đó ở khu vực Tây Phi, giá gạo Trung Quốc được ghi nhận khoảng 475 USD/tấn CFR. Điều này có thể khiến một số khách hàng ở Tây Phi quay trở lại với gạo Thái Lan hoặc Ấn Độ do họ thích loại gạo hạt dài hơn so với loại hạt ngắn/trung bình của Trung Quốc khi chênh lệch giá thu hẹp.

Theo các nguồn tin, việc chính phủ Trung Quốc thận trọng trong việc bán tháo lương thực dự trữ trong hai năm qua cùng với sự sụt giảm của giá gạo nội địa, và nhập khẩu tăng đột biến trong năm nay, việc gia tăng hạn ngạch xuất khẩu trong năm 2022 của Trung Quốc đang ngày càng có lý và có thể là cần thiết.

(NGTC)

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất