| Hotline: 0983.970.780

Nam Trung bộ chắt chiu nguồn nước tưới [Bài 2]: Tiết kiệm nước để ứng phó với El Nino

Chủ Nhật 28/05/2023 , 16:27 (GMT+7)

Từ vụ đông xuân và cả vụ hè thu 2023, các tỉnh Nam Trung bộ phải chắt chiu nước tưới để ứng phó với Elnino, phục vụ sản xuất cho cả năm 2023.

Lo thiếu nước những hồ chứa nhỏ

Hiện trên địa bàn Bình Định có 164 hồ thủy lợi có dung tích chứa từ 50.000m3 trở lên; trong đó, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý, vận hành 63 hồ chứa lớn và vừa. Hiện nay, dung tích chứa hiện hữu của 63 hồ nói trên là 457 triệu/640 triệu m3 nước, đạt 71% so dung tích thiết kế.

Riêng 6 hồ lớn nhất ở Bình Định hiện còn 379 triệu m3 nước, đạt 75% dung tích thiết kế. Cụ thể, hồ Định Bình hiện còn 163 triệu/226 triệu m3, hồ Núi Một hơn 78 triệu/110 triệu m3, hồ Đồng Mít hơn 60 triệu/89 triệu m3, hồ Hội Sơn 35 triệu/44,5 triệu m3, hồ Thuận Ninh gần 26 triệu/35 triệu m3, hồ Vạn Hội hơn 11 triệu/14 triệu m3.

57 hồ nhỏ còn lại do Công ty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý hiện còn 78 triệu m3, đạt 77% so dung tích thiết kế, giảm so cùng kỳ năm ngoái 23 triệu m3.

Nhiều hồ chứa nhỏ ở Bình Định có nguy có thiếu nước tưới trong vụ hè thu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhiều hồ chứa nhỏ ở Bình Định có nguy có thiếu nước tưới trong vụ hè thu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, riêng mực nước hiện tại trong 6 hồ chứa lớn ở Bình Định đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp đến cuối năm 2023. Thế nhưng đối với 57 hồ chứa vừa còn lại do công ty quản lý, qua đợt kiểm tra vào những ngày đầu tháng 5 vừa qua, đơn vị quản lý đã “điểm mặt” có 10 hồ chứa nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ hè thu 2023.

“Trong 10 hồ chứa do công ty quản lý có nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ hè thu này nếu ngay từ bây giờ không có giải pháp chống hạn, áp dụng tưới tiết kiệm thì sẽ bị thiếu 1-2 đợt tưới vào cuối vụ, mỗi đợt tưới từ 6-7 ngày. Trong 10 hồ nêu trên ở thị xã Hoài Nhơn có 2 hồ (là hồ Hố Giang và hồ Mỹ Bình), huyện Phù Cát có hồ Bờ Sề, 7 hồ còn lại đều nằm ở huyện Phù Mỹ.

Công ty TNHH KTCTTL Bình Định đã làm việc cụ thể với Xí nghiệp Thủy lợi 1 và Xí nghiệp Thủy lợi 2, những đơn vị trực thuộc công ty trực tiếp quản lý 10 hồ ấy để triển khai giải pháp chống hạn và tưới tiết kiệm ngay từ đầu vụ hè thu 2023, nhằm tránh thiếu nước vào cuối vụ”, ông Nguyễn Văn Phú cho hay.

Đối với 101 hồ chứa nhỏ ở Bình Định do các địa phương quản lý thì nỗi lo thiếu nước còn lớn hơn. Từ cuối vụ đông xuân 2022-2023, do nắng nóng, trời không mưa nên các hồ chứa nhỏ không có lượng nước bổ sung, lượng nước hiện đều thấp hơn so cùng kỳ năm 2022, dòng chảy đến hồ hiện xuống thấp, cạn kiệt.

Ngành chức năng Bình Định kiểm tra mực nước tại các hồ chứa nhỏ để có giải pháp chống hạn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngành chức năng Bình Định kiểm tra mực nước tại các hồ chứa nhỏ để có giải pháp chống hạn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Trong vụ hè thu 2023, các công trình thủy lợi do công ty quản lý có nhiệm vụ tưới cho trên 35.600ha cây trồng. Đến nay, chúng tôi cơ bản đã cấp nước đủ để bà con gieo sạ. Một số vùng trũng thấp cục bộ và vùng ven đê huyện Phù Cát, huyện Tuy Phước sẽ kết thúc gieo sạ vào ngày 25/5. Riêng diện tích lúa phụ thuộc nguồn nước tưới các hồ chứa vừa do công ty quản lý ở thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ, sau khi thu hoạch vụ đông xuân bà con gieo sạ sớm để tận dụng lượng nước còn lại trong ruộng nhằm tiết kiệm nước”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, chia sẻ.

Nhiều diện tích nguy cơ thiếu nước

Mùa mưa năm 2022, trên địa bàn Quảng Ngãi có nhiều trận mưa liên tiếp xảy ra với tổng lượng mưa lớn, nên hầu hết mực nước ở các hồ chứa đều vượt tràn xả lũ, khi kết thúc mùa mưa năm 2022 các hồ chứa nước ở tỉnh này đều đạt dung tích thiết kế. Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất cả năm 2023 đối với các hồ chứa do Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Ngãi quản lý, ngay từ đầu vụ đông xuân 2022-2023, công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tưới luân phiên để tiết kiệm nguồn nước.

Theo ông Hà Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Ngãi, trong năm 2023, đơn vị đã hợp đồng cung cấp nước tưới cho hơn 47.000ha sản xuất lúa; trong đó, vụ đông xuân hơn 23.000ha, vụ hè thu là gần 24.000ha.

Ngoài ra, công ty còn cung cấp nước cho công nghiệp, gồm: Nhà máy chế biến tinh bột sắn Tịnh Phong, Nhà máy nước Vinaconex, Công ty Môi trường đô thị và Công ty VSIP Quảng Ngãi với tổng lượng nước gần 9,7 triệu m3. Ngoài ra, các hồ chứa Nước Trong, Núi Ngang có kết hợp cấp nước phục vụ phát điện.

Cũng theo ông Vinh, trong vụ hè thu năm 2023, ngoài việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất, công ty còn điều tiết nước trong khu tưới nhằm nâng cao mực nước ngầm; rửa phèn, chống xâm nhập mặn để phục vụ nước sinh hoạt cho dân sinh, gia súc, gia cầm đối với các xã khu vực phía Đông các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, thành phố Quảng Ngãi và khu tưới Nam thị xã Đức Phổ.

“Trong vụ hè thu 2023, diện tích lúa ở Quảng Ngãi có khả năng bị hạn  là 5.670ha. Trong đó, huyện Bình Sơn gần 800ha, huyện Sơn Tịnh trên 700ha, thành phố Quảng Ngãi trên 400ha, huyện Tư Nghĩa gần 700ha, huyện Nghĩa Hành 50ha, huyện Mộ Đức trên 2.000ha, huyện Đức Phổ 800ha và huyện Sơn Hà 160ha”, ông Hà Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Ngãi, cho hay.

Nhiều hồ chứa ở Quảng Ngãi đang còn lượng nước tích trữ rất ít. Ảnh: Lê Khánh.

Nhiều hồ chứa ở Quảng Ngãi đang còn lượng nước tích trữ rất ít. Ảnh: Lê Khánh.

Còn ở Ninh Thuận, tính đến đầu tháng 5/2023, dung tích trữ tại 22 hồ chứa trên địa bàn tỉnh này do Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận quản lý còn 229 triệu m3, chiếm 55,4% dung tích thiết kế. Trong đó, dung tích hồ Tân Mỹ hơn 106 triệu m3, đạt 48,3% dung tích thiết kế, tương đương dung tích chứa cùng kỳ năm 2022. Tổng dung tích chứa của 21 hồ còn lại là hơn 123 triệu m3, đạt hơn 63% dung tích thiết kế, cao hơn cùng kỳ năm 2022. Riêng lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương đạt hơn 83 triệu/165 triệu m3, đạt gần 51% dung tích thiết kế.

Vụ hè thu 2023, Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận có trách nhiệm cung cấp nước tưới cho hơn 25.600ha cây trồng; trong đó, có hơn 14.400ha lúa; hơn 8.200ha cây màu; gần 2.500ha cây lâu năm và cung cấp nước cho 449ha nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Lê Phạm Hòa Bình, Phó Giám đốc Phụ trách Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận, trên cơ sở lượng nước hiện còn tích được trong các hồ chứa do công ty quản lý và theo kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2023, công ty sẽ lần lượt ưu tiên cấp nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp, sản xuất nông nghiệp; trong nông nghiệp ưu tiên thứ tự cho cây trồng dài ngày, cây màu, cuối cùng mới đến cây lúa.

Trong vụ hè thu, Ninh Thuận sẽ cấp nước theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở cân đối nguồn nước hiện có. Ảnh: Lê Khánh.

Trong vụ hè thu, Ninh Thuận sẽ cấp nước theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở cân đối nguồn nước hiện có. Ảnh: Lê Khánh.

Cũng theo ông Bình, kết quả tính toán cho thấy các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn Ninh Thuận và hồ Đơn Dương đều đảm bảo cấp cấp đủ nước phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch đã đề ra. Riêng nguồn nước của hồ Ma Trai dành cấp nước sinh hoạt, còn nguồn nước của hồ Bầu Zôn và Tà Ranh đảm bảo cấp nước cho chăn nuôi.

Ông Lê Phạm Hòa Bình, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận: “Chúng tôi đề nghị chính quyền các địa phương cấp huyện quan tâm chỉ đạo chính quyền các xã, phường phối hợp với công ty trong công tác bảo vệ các công trình thủy lợi; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn để đảm bảo an toàn công trình phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 23/1, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trồng cây nêu ngày Tết, 5 người bị bỏng nặng do điện giật

HUẾ 5 người đang tiến hành trồng cây nêu ngày Tết không may sơ ý vướng phải nguồn điện dẫn đến bị bỏng nặng.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất